
Hướng dẫn quản lý sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2025 trong hệ thống Tòa án nhân dân
Ngày 07/02/2025 TANDTC đã ban hành văn bản số 31/TANDTC-KHTC hướng dẫn quản lý sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2025 trong hệ thống Tòa án nhân dân. Trong đó quy định cụ thể, chi tiết về định mức phân bổ, nội dung chi, các khoản chi, nguyên tắc sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2025.
Theo văn bản hướng dẫn, để quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật, đúng tính chất nguồn kinh phí; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án, vụ việc, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được giao năm 2025 đối với các đơn vị dự toán trực thuộc.
Trong đó, kinh phí chi cho con người bao gồm: Tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng (Áp dụng theo số biên chế có mặt tại thời điểm 01/11/2024; bao gồm cả 40% mức lương hiện hưởng ở trong nước của cán bộ, công chức, người lao động được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài theo quy định).
Kinh phí chi chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bản hướng dẫn cũng xác định cụ thể về định mức phân bổ và nội dung chi hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị; quy định về chi hỗ trợ các đơn vị có ít biên chế, có trụ sở thuộc địa bàn khó khăn; chi hỗ trợ công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, hỗ trợ nhiệm vụ chính trị địa phương, hỗ trợ các Cụm thi đua; hỗ trợ công tác hợp tác quốc tế...
Về kinh phí phục vụ công tác xét xử, từ ngày 01/07/2025 sẽ áp dụng theo Pháp lệnh chi phí tố tụng số 05/2024UBTVQH15, trong đó quy định mức phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm là 900.000 đồng/người/ngày.
Đối với các loại phí khác như: Kinh phí hòa giải đối thoại; tập huấn, phụ cấp Hội thẩm nhân dân; tổ chức xét xử án điểm; chỉnh lý hồ sơ vụ án; xét xử phúc thẩm; triển khai Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án; kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học cũng được quy định rõ.
Riêng đối với kinh phí trợ cấp thôi việc và tinh giản biên chế, văn bản hướng dẫn của TANDTC cũng đã nêu rõ từng trường hợp, sau khi thẩm định hồ sơ sẽ được cấp kinh phí, chi trả theo đúng quy định.
TANDTC yêu cầu các đơn vị tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương công vụ; nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 theo Nghị quyết số 765-NQ/BCSĐ ngày 31/12/2024 của Ban cản sự Đảng TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025 của Tòa án nhân dân, Chỉ thị số 06/CT-CA ngày 12/12/2024 của Chánh án TANDTC “Về yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2025” và 14 Giải pháp đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử.
Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; nâng cao chất lượng công tác quyết toán, giám sát chi tiêu, tăng cường đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác quyết toán ngân sách, kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
Ưu tiên tập trung chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo hướng ưu tiên nguồn lực và kinh phí phục vụ nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ xét xử nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phục vụ người dân. Lưu ý, việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, người lao động chỉ được thực hiện sau khi các đơn vị đã hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Không để việc chi tăng thu nhập làm ảnh hưởng đến hoạt động chi nghiệp vụ, chi thường xuyên phục vụ công tác của đơn vị.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa bộ phận kế toán và bộ phận chuyên môn nghiệp vụ trong công tác lập dự toán và quản lý sử dụng ngân sách. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách; đảm bảo ngân sách được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng dự toán giao. Tăng cường công tác kiểm soát chi, bảo đảm chỉ đúng, chi đủ; chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Nâng cao trách nhiệm công chức và đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các đơn vị dự toán cấp II (Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, hướng dẫn các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc (Tòa án nhân dân cấp huyện) làm tốt công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, thanh toán, hạch toán kế toán, lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của TANDTC.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận