Huyện Ia Pa – Gia Lai: Chính quyền có “bật đèn xanh” để doanh nghiệp xúc đất rẫy đổ vào dự án?
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, có hàng trăm xe tải đến các khu rẫy của người dân để tận thu đất, sau đó đổ vào các dự án đang cần san nền trên địa bàn. Điều đáng nói đây là những dự án có vốn đầu tư công, theo quy định khi trúng thầu cần lấy đất đảm bảo chất lượng tại các mỏ đã được cấp phép khai thác.
Chính quyền có huyện “bật đèn xanh”?
Theo phán ánh của người dân, nhóm PV Tạp chí Tòa án nhân dân đã quan sát tại điểm khai thác đất trên địa bàn xã Pờ Tó. Cảnh tượng chúng tôi chứng kiến là hàng chục ngàn m2 đất rẫy đã bị máy múc đào xúc nham nhở.
Bức xúc với PV, ông Trần Minh K, một người dân sống trên địa bàn xã cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều xe tải chạy rầm rập ngày đêm xúc đất rẫy của người dân xã chúng tôi đổ vào dự án trên địa bàn. Hộ nào có nhu cầu là doanh nghiệp cho máy xúc, xe tải… đến trao đổi rồi xúc đất chở đi…gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi cả một khu vực”.
Theo quan sát, một phần đất rẫy của một số hộ dân đã bị xúc theo khoảng không rộng lớn, lượng đất khai thác ước tính đã lên hàng ngàn m3.
Người dân nơi đây cho rằng việc khai thác đã thực hiện thường xuyên hơn mấy tháng nay. Các xe tải sau khi được chất đầy đất, sẽ di chuyển men theo con đường bê tông từ thao trường huấn luyện bắn của Ban chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa. Điểm đến được xác định là dự án Khu tái định cư Pờ Tó. Theo ghi nhận, đất đổ xuống tới đâu thì đơn vị thi công cho máy san gạt và lu đèn đến đó.
Hàng chục nghìn m3 đất đã được xúc đi để thực hiện dự án trên địa bàn xã Pờ Tó
Theo phản ánh của người dân, UBND huyện đã “tạo điều kiện” và hợp thức hóa giấy tờ cho nhà thầu thi công khai thác tận thu đất, hàng chục ngàn m3 đất rẫy bị múc đổ vào san nền cho dự án mà không hề lấy từ các mỏ đất theo hồ sơ trúng thầu bắt buộc.
Cụ thể tại Công văn số 1536/UBND-TMNT, ngày 19/07/2024, do ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa đã ký về việc cho phép tận thu sản phẩm đất dôi dư từ cải tạo đất nông nghiệp của ông Nguyễn Tiến Huy với Công ty TNHH MTV XD - TMDV Hoàng Huy và Công ty CP quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai tận thu vận chuyển khối lượng 24.000m3 đất dôi dư để san nền dự án Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Pờ Tó.
Trụ sở UBND huyện Ia Pa
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một dự án trọng điểm của địa phương, lại tồn tại việc khai thác đất chưa được kiểm định để đắp nền tái định cư? Việc cơ quan quản lý địa phương đồng ý để doanh nghiệp lấy đất đổ vào dự án có phải là tiền lệ xấu? Việc làm này có đi ngược lại với nguyên tắc trong hồ sơ mời thầu?
Doanh nghiệp bỏ túi cả tỷ đồng, hệ quả công trình xuống cấp?
Được biết, dự án Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Pờ Tó, đơn vị trúng thầu là Liên danh nhà thầu (gồm: Công ty TNHH MTV XD TMDV Hoàng Huy; DN TN Công Lượng; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Trí Đại Việt; Công ty TNHH MTV TVTK và XD Song Tấn Gia Lai; và Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai) với giá trị trúng thầu là hơn 29 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 201/QĐ-BQL, ngày 14/12/2023, của ông Phạm Chí Sỹ, Giám đốc Ban quản lý dự án, thực hiện trong vòng 700 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, có khối lượng đắp đất nền hơn 40.000m3, theo nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đất được đưa về san lấp tại mặt bằng dự án tái định cư xã Pờ Tó
Trao đổi ông Nguyễn Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó. Ông Thái thừa nhận, thời gian qua, có việc một số nhà thầu trên địa bàn tổ chức máy móc, xe cơ giới đi tận thu xúc đất đồi của người dân để đổ vào dự án.
Thử bài tính đơn giản, với mức giá hiện nay, việc xúc đất rẫy theo kiểu tận thu chỉ vài chục ngàn/m3, trong khi đó đất mỏ lên đến hàng trăm ngàn/m3, thì nhà thầu thi công dự án bỏ túi nhiều tỷ đồng từ tiền ngân sách. Và hậu quả có thể xảy ra là nếu hệ số đầm nén (hệ số K) của đất không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì khi đưa vào dự án sẽ xảy ra việc sụt lún, nứt… tại các công trình.
Người dân còn thông tin, không chỉ dự án Khu tái định cư Pờ Tó sử dụng nguồn đất san nền có dấu hiệu nghi vấn, mà trước đó, hai dự án làm đường giao thông nông thôn ở xã này đã hoàn thành cũng được các nhà thầu sử dụng đất không rõ nguồn gốc để đổ nền, và đang có hiện tượng xuống cấp, mặt đường bê tông đã bị bong tróc.
Đường giao thông nội đồng đã bị bong tróc nặng khi vừa mới đưa vào sử dụng
Dư luận đặt ra câu hỏi việc sử dụng đất khai thác trái phép để thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ cung cấp hóa đơn mua - bán như thế nào? Có nộp thuế theo quy định hay không? Hệ số K của đất có được kiểm định, thí nghiệm và xác nhận đạt tiêu chuẩn theo quy định của dự án? Việc lấy đất rẫy để thực hiện san lấp mặt bằng dự án có đúng với hồ sơ trúng thầu, có phù hợp theo quy định của pháp luật không?
Đề nghị các cấp, ban ngành của tỉnh Gia Lai cần kiểm tra làm rõ vấn đề khai thác hàng nghìn m3 đất rẫy trên địa bàn xã Pờ Tó huyện Ia Pa để thực hiện dự án khiến người dân bức xúc?
Trên địa bàn xã Pờ Tó, huyện Ia Pa còn có 2 dự án làm đường giao thông nông thôn triển khai từ năm 2022 và hiện đã hoàn thành. Theo phản ánh của người dân khi thi công 2 dự án này, các nhà thầu cũng đã xúc đất rẫy để san nền làm đường và đến nay đang có hiện tượng xuống cấp, mặt đường bê tông đã bị bong tróc.
Cụ thể là dự án Đường giao thông nội đồng thôn 2 (đoạn từ nghĩa địa đi khu sản xuất) do Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hoàng Huy trúng thầu với giá trị hơn 3,2 tỷ đồng. Dự án Đường tràn qua thao trường huấn luyện và khu sản xuất xã Pờ Tó do Công ty TNHH Thanh Hoa trúng thầu với giá trị hơn 7,5 tỷ đồng. Cả hai dự án này được đầu tư từ nguồn vốn cân đối trong tiêu chí tỉnh phân cấp cho huyện Ia Pa triển khai từ năm 2022.
Trong giai đoạn thi công các dự án trên, 2 nhà thầu là Công ty Hoàng Huy và Công ty Thanh Hoa đã tận thu nguồn đất đắp nhưng không được UBND tỉnh Gia Lai và Sở TN&MT có văn bản xác nhận khu vực, công xuất, khối lượng, phương pháp và thiết bị và kế hoạch khai khoáng sản, vật liệu thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình. Tổng khối lượng đất khai thác của 2 dự án này là gần 26.000m3.
Trước những dấu hiệu này, ngày 12/7/2024, Thanh tra tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTr tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng tại UBND huyện Ia Pa, giai đoạn 2022-2023, trong đó có hai dự án nói trên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận