Khái niệm về điều kiện trong loại hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng có điều kiện là một loại hợp đồng được quy định tại Điều 120, khoản 6 Điều 402 của BLDS 2015. Đây là loại hợp đồng đặc thù gắn với những điều kiện cụ thể, tuy nhiên BLDS hiện hành chưa có khái niệm cụ thể về loại hợp đồng này. Trong phạm vi của bài nghiên cứu, tác giả tìm hiểu, phân tích khái niệm về điều kiện trong loại hợp đồng có điều kiện.
Dẫn nhập. Hợp đồng có điều kiện đã được quy định trong BLDS 1995, 2005 và ngày nay là BLDS 2015. Hợp đồng này mặc dù được quy định trong BLDS nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề liên quan đến khái niệm điều kiện của hợp đồng. Cần phân biệt điều kiện có hiệu lực của hợp đồng với hợp đồng có điều kiện. Theo đó, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là “là tổng hợp những yêu cầu pháp lý nhằm đảm bảo cho hợp đồng được lập đúng bản chất đích thực của nó”[1], còn hợp đồng có điều kiện là một loại hợp đồng được quy định tại Khoản 6 Điều 402 của BLDS 2015. Vì vậy, hợp đồng này cũng chịu chi phối bởi các quy định chung về hợp đồng như thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và các quy định khác liên quan đến quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng theo BLDS 2015. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên thì đây là một loại hợp đồng riêng được quy định bên cạnh một số hợp đồng chủ yếu khác[2] dựa trên điều khoản được xem là điều kiện trong hợp đồng. Vậy hiểu như thế nào về điều kiện trong hợp đồng có điều kiện? Trong phạm vi của bài viết này, tác giả sẽ phân tích về khái niệm điều kiện trong hợp đồng có điều kiện.
1.Khái niệm hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự[3]. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống mà có nhiều loại hợp đồng khác nhau. Từ khái niệm này, BLDS đưa ra nhiều loại hợp đồng trong đó có loại hợp đồng có điều kiện. BLDS 2015 đề cập đến loại hợp đồng này ở các điều luật cụ thể như Điều 120, khoản 6 Điều 402, Điều 462. Theo đó, hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một sự kiện nhất định.
Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà khi giao kết, các bên còn thỏa thuận để xác định về một sự kiện để khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng được thực hiện hoặc chấm dứt. Mặc dù hợp đồng có điều kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng cũng chưa có định nghĩa khái quát nhất về loại hợp đồng này mà chỉ nêu chung chung khái niệm giao dịch có điều kiện, hợp đồng có điều kiện. Để đảm bảo tính hợp pháp và hạn chế tranh chấp có thể xảy ra, điều kiện của hợp đồng phải tuân thủ những quy định như: Thứ nhất, phần nội dung của hợp đồng cũng tuân theo quy định của hợp đồng dân sự nói chung như phải thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các nội dung của hợp đồng cũng bao gồm những điều khoản nhất định[4]. Thứ hai, hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mang tính chất đặc thù được hình thành trên cơ sở những điều kiện nhất định như điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ hợp đồng. Điều kiện này có thể hiểu là những nghĩa vụ pháp lý hay sự kiện pháp lý.
2. Khái niệm điều kiện trong hợp đồng có điều kiện
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Điều kiện” là “thứ cần phải có để cho cái khác có thể tồn tại[5] hay “điều cần thiết phải có để đạt một mục đích, cơ sở của một sự thoả thuận”[6].
BLDS chưa có khái niệm cụ thể về điều kiện trong hợp đồng có điều kiện, vậy khái niệm này có thể được hiểu như thế nào?
Vào thời La Mã cổ đại, cũng đã tồn tại những quy định về giao dịch có điều kiện (condicio)“là những tình huống được đặt ra trong hợp đồng gắn với những hậu quả pháp lý nhất định”. Theo đó, điều kiện là sự kiện có thể xảy ra và không chắc chắn phải xảy ra. Nếu hợp đồng xác định một sự kiện và khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng phát sinh hiệu lực – được coi là hợp đồng có điều kiện phát sinh[7]. Ví dụ: A thỏa thuận với B rằng A sẽ mua con ngựa với giá 50 triệu đồng của B nếu con ngựa đó thắng trong cuộc đua ngày hôm sau. Ở đây, hợp đồng mua bán ngựa đã giao kết nhưng chưa phát sinh hiệu lực. Sự kiện được xem là “điều kiện” để hợp đồng phát sinh hiệu lực là “con ngựa sẽ thắng trong cuộc đua ngày mai”, theo đó “thắng trong cuộc đua ngựa ngày mai” được xem là điều kiện phát sinh của hợp đồng mua bán ngựa. Các bên phải thực hiện hợp đồng như đã thoả thuận[8].
Pháp luật La Mã xem điều kiện phát sinh gắn liền với thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Hiệu lực phát sinh từ hợp đồng có điều kiện phụ thuộc vào tình huống (sự kiện, điều kiện) đã thoả thuận. Trong khoa học pháp lý cũng có quan điểm tương tự: “những sự kiện mà các bên tham gia giao dịch dân sự thoả thuận làm điều kiện để xác lập giao dịch hoặc huỷ bỏ giao dịch được hiểu là những hiện tượng, sự vật, sự việc phát sinh trong đời sống xã hội thì khi sự kiện đó xảy ra là điều kiện để xác lập hoặc chấm dứt giao dịch dân sự”, “ví dụ: một người có con trai là H – 18 tuổi, chuẩn bị vào đại học. Ông ký hợp đồng với cửa hàng bán xe máy mua chiếc xe hiệu Honda –Dream với điều kiện: Khi con ông thi lấy được giấy phép lái xe thì ông sẽ mua cho con mình chiếc xe đó. Như vậy, hợp đồng mua chiếc xe chỉ có hiệu lực khi cậu con trai là H được cấp giấy phép lái xe[9].
Theo một quan điểm khác “điều kiện” trong “hợp đồng có điều kiện” là những sự kiện được các bên thoả thuận khi xác lập hợp đồng, và có thể xảy ra hoặc không xảy ra trong thực tế sau khi hợp đồng được xác lập mà hậu quả của nó là hợp đồng phát sinh, thay đổi hoặc huỷ bỏ[10]. Theo một quan điểm khác nữa: “Khi nói giao dịch dân sự có điều kiện theo quy định tại Điều 120 BLDS 2015 (Điều 125 BLDS 2005) là những điều kiện do các bên tham gia giao dịch đã thoả thuận, thống nhất, hai bên lựa chọn điều kiện, đặt ra điều kiện làm phát sinh giao dịch hoặc huỷ bỏ giao dịch. Điều kiện đó bao gồm những vấn đề gì, nội dung cụ thể của các điều kiện như thế nào là tuỳ thuộc vào ý chí của các bên, do các bên thống nhất đưa vào giao dịch với ý nghĩa là điều kiện phát sinh hoặc huỷ bỏ giao dịch chứ không phải điều kiện do bên ngoài áp đặt…(…)[11].
Trong khoa học pháp lý cũng có quan điểm về khái niệm của điều kiện như sau: “điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện trước hoặc sau khi nhận tài sản tặng cho. Thông thường, điều kiện tặng cho do bên tặng cho đưa ra và được sự chấp thuận của bên được tặng cho.”[12] Tuy nhiên, khái niệm này được xác định chỉ trong nội dung của hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Qua phân tích các nội dung trên, điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện cũng chính là nghĩa vụ mà một bên phải thực hiện vì lợi ích của bên kia. Vì vậy, tìm hiểu khái niệm về điều kiện phải xét đến khái niệm về “nghĩa vụ” trong quan hệ hợp đồng. Điều kiện trong hợp đồng có điều kiện chính là nghĩa vụ mà một hoặc nhiều bên cam kết thực hiện đối với bên kia. Điều này cũng đã được thể hiện trong quy định tặng cho tài sản có điều kiện tại Điều 462: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho.”
Trong BLDS, khái niệm nghĩa vụ được quy định như sau: Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều của thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền) (Điều 274 BLDS 2015). Điều 276 BLDS 2015 quy định về đối tượng của nghĩa vụ bao gồm tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện. Trước đây, Trong BLDS 2005, Điều 282 quy định đối tượng của nghĩa vụ phải đáp ứng được ba điều kiện: (i) tính xác định; (ii) tính có thể đem giao dịch được (đối với tài sản) hay tính có thể thực hiện được (đối với công việc phải làm); và (iii) tính hợp pháp. Điều 276 BLDS 2015 đã lược bỏ các đặc tính này, chỉ giữ lại là đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định. Sự lược bỏ này chẳng qua là để không nhắc lại các quy định đã tồn tại mang tính chất đương nhiên. Bởi lẽ giữa các đối tượng của nghĩa vụ được quy định tại Điều 276 phải phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 117 BLDS. Vậy, xem xét đến tính hợp pháp của nội dung trong hợp đồng, các điều khoản trong hợp đồng thì cũng chính là việc xét đến đối tượng của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (được hiểu tài sản, công việc phải làm hoặc không được làm).
Nhìn chung, các quan điểm chỉ nêu nội dung của loại điều kiện, chứ chưa đưa ra khái niệm điều kiện trong hợp đồng có điều kiện. Dựa trên cơ sở nghiên cứu, xét theo quy định của BLDS và trên cơ sở quan điểm của các nhà nghiên cứu pháp luật, tác giả sẽ phân tích thêm nội dung của các loại “điều kiện” trong hợp đồng có điều kiện dưới đây.
3.Phân loại điều kiện trong hợp đồng có điều kiện
Điều kiện là sự kiện pháp lý. Theo đó, “sự kiện pháp lý” được hiểu là “những sự kiện, hoàn cảnh, tình huống của đời sống thực tế”. Theo một quan điểm: “không phải mọi sự kiện xảy ra trong thực tế đều là sự kiện pháp lý mà chỉ những sự kiện làm phát sinh những hậu quả pháp lý nhất định mới là sự kiện pháp lý có thể là hiện tượng tự nhiên hoặc là hành vi của con người…(…)… Sự kiện pháp lý trong quan hệ pháp luật dân sự nói chung là những sự kiện xảy ra trong thực tế được pháp luật dân sự dự liệu, quy định làm phát sinh hậu quả pháp lý: phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự”.[13]
Về mặt lý luận trong khoa học pháp lý nhiều quan điểm đều cho rằng sự kiện pháp lý có thể được phân loại thành sự biến pháp lý; hành vi pháp lý; xử sự pháp lý; thời hạn và thời hiệu[14], ngoài ra còn có thể là bản án hoặc quyết định của Toà án[15]. Như vậy, điều kiện trong hợp đồng có thể là một trong những sự kiện pháp lý nêu trên.
Theo đó từ “điều kiện” chính là sự kiện mà quyền và nghĩa vụ của các bên phụ thuộc vào đó. Sự kiện như vậy có thể là hiện tượng, sự việc hoặc là hành vi của một trong các bên giao kết hợp đồng, hành vi của bên thứ ba, hoặc bất kỳ sự kiện nào khác trong thế giới thực của chúng ta. Căn cứ vào hậu quả pháp lý, sự kiện pháp lý là điều kiện của hợp đồng có điều kiện có thể phân thành.
Sự kiện làm phát sinh hợp đồng có điều kiện: đây là những sự kiện thực tế hợp pháp mà khi xuất hiện những sự kiện đó thì làm phát sinh hợp đồng có điều kiện. Ví dụ: A thoả thuận sẽ giao kết hợp đồng mua bán căn hộ khi căn hộ đã có chủ quyền. Như vậy, việc hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến căn hộ là điều kiện phát sinh hợp đồng mua bán căn hộ giữa A và B.
Sự kiện làm thay đổi hợp đồng có điều kiện: là những sự kiện thực tế hợp pháp mà khi xuất hiện những sự kiện đó có thể làm thay đổi nội dung của hợp đồng. Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng thuê nhà với thời hạn 3 năm với giá là 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, A thoả thuận với B là A sẽ tăng giá nhà 3,5 triệu đồng/tháng sau khi sửa nhà xong và B đồng ý. Như vậy, “nhà sửa xong” sẽ tăng giá là điều kiện làm thay đổi nội dung hợp đồng.
Sự kiện làm chấm dứt quan hệ hợp đồng: là những sự kiện thực tế mà khi xuất hiện những sự kiện đó thì làm chấm dứt quan hệ hợp đồng. Ví dụ: A thoả thuận với B là tặng cho B căn nhà nhưng với điều kiện B nuôi dưỡng A suốt đời, nếu B vi phạm điều kiện thì hậu quả là hợp đồng tặng cho bị huỷ bỏ, nghĩa là chấm dứt hợp đồng, hoặc một ví dụ khác: A thoả thuận với B cho B ở nhờ nhà cho đến khi B học xong đại học. Vậy “học xong đại học” là sự kiện chấm dứt hợp đồng cho ở nhờ nhà.
+Căn cứ vào tính ý chí trong quan hệ pháp luật dân sự, có thể chia điều kiện thành:
Sự kiện pháp lý phát sinh theo ý chí của chủ thể: Đây là những hành vi pháp lý có ý thức của con người. Ví dụ: A thoả thuận sẽ tặng B chiếc xe ô tô nếu B quản lý nhà giúp A khi A phải ra nước ngoài 3 năm. Như vậy, thoả thuận này hoàn toàn xuất phát từ ý chí tự nguyện của A, A sẽ thực hiện việc tặng cho nếu B hoàn thành điều kiện A yêu cầu.
Sự biến pháp lý: Là sự xuất hiện và diễn biến của sự vật, hiện tượng hoàn toàn không phụ thuộc vào ý thức của con người. Đó có thể là sự kiện bất khả kháng – là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép[16]. Thông thường, về nguyên tắc chung trong quan hệ hợp đồng “trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015). Ví dụ: A vận chuyển cho B 10 tấn hàng bằng tàu thuỷ, trong hợp đồng A thoả thuận với B nếu có thiệt hại xảy ra trong quá trình vận chuyển thì A sẽ bồi thường thiệt hại cho B kể cả trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng xảy ra, vậy sự kiện bất khả kháng vẫn là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
+Căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tồn tại các loại điều kiện như: điều kiện phát sinh (là điều kiện làm phát sinh hợp đồng có điều kiện), điều kiện huỷ bỏ (là loại sự kiện tồn tại cũng trên cơ sở sự thoả thuận giữa các bên, theo đó khi điều kiện là sự kiện huỷ bỏ xảy ra thì hợp đồng bị huỷ bỏ). Theo đó, khoản 1 Điều 120 BLDS 2015 quy định về giao dịch dân sự có điều kiện như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Như vậy việc quy định thêm các điều kiện cho một giao dịch dân sự hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và sự thống nhất của các chủ thể tham gia giao dịch.
Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu điều kiện trong giao dịch dân sự có thể do một bên đưa ra (hành vi pháp lý đơn phương) hoặc do các bên thỏa thuận (hợp đồng). Ví dụ: A thỏa thuận với B rằng A sẽ mua con ngựa của B nếu con ngựa đó thắng trong cuộc đua ngày hôm sau hoặc trong di chúc người để lại di sản đưa ra điều kiện để hưởng di sản của người thừa kế… Ví dụ khác: A thoả thuận sẽ mua loại mỹ phẩm dưỡng da B bán sau thời hạn dùng thử và thấy hiệu quả, vậy, nếu sau thời gian sử dụng, mỹ phẩm có hiệu quả đối với A thì sẽ làm phát sinh hợp đồng mua bán giữa A và B. Bên cạnh đó, điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện có thể là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng, ví dụ: A cho B vay 100 triệu đồng, A thoả thuận với B nếu năm nay việc kinh doanh của A thuận lợi, A sẽ miễn trách nhiệm trả nợ cho B. Vậy, “việc kinh doanh thuận lợi” là điều kiện để “miễn trách nhiệm trả nợ” hay nói cách khác là chấm dứt hợp đồng vay.
Tuy nhiên, BLDS chỉ dừng lại ở việc liệt kê về loại điều kiện, chưa có khái niệm cũng như quy định nội dung của các loại điều kiện này. Nhìn chung, các vấn đề pháp lý xoay quanh điều kiện trong hợp đồng có điều kiện nói riêng và điều kiện của loại hợp đồng này nói chung chỉ tồn tại trong các quan điểm của các chuyên gia.
4.Phân biệt nghĩa vụ là điều kiện và nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng
Điều kiện là nghĩa vụ đã được thoả thuận và bảo đảm thực hiện bởi các bên. Một điều kiện phát sinh là một sự kiện hoặc sự việc được yêu cầu trước khi tồn tại nghĩa vụ kế tiếp. Trong pháp luật hợp đồng, điều kiện phát sinh là sự kiện phải xảy ra (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), trước khi đến hạn thực hiện hợp đồng, nghĩa là trước khi hợp đồng có hiệu lực. Còn nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng đã tồn tại, đã được cam kết và bên có nghĩa đã chịu sự ràng buộc bởi hợp đồng đã có hiệu lực. Ví dụ 1: A ký hợp đồng cho B vay 200 triệu vào ngày 1.2.2017 và B hứa với A thời điểm trả nợ là ngày 1.2.2018. Thoả thuận này tồn tại quyền của A và nghĩa vụ của B, nhưng “lời hứa” của B đối với A trong trường hợp này không phải là điều kiện phát sinh của hợp đồng, bởi lẽ thời điểm 1.2.2018 là một khoảng thời hạn mà B phải thực nghĩa vụ trong hợp đồng vay khi đến hạn, không được xem xét như một lời hứa. Ví dụ 2: A cam kết sẽ bán nhà cho B nếu có quyết định chuyển công tác của đơn vị từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đây là thoả thuận “lời hứa” có điều kiện và điều kiện “bán nhà” không chắc chắn sẽ xảy ra. Điều này có thể hiểu rằng cho đến khi “sự kiện thực tế” xảy ra hay phát sinh là A “đã có quyết định chuyển công tác” thì hợp đồng mua bán nhà mới được xác lập. Như vậy, trước khi tồn tại mối quan hệ pháp lý, giữa các bên tồn tại quyền và nghĩa vụ mang tính chất điều kiện, điều này trái ngược với quyền và nghĩa vụ mang tính bắt buộc.
5.Pháp luật nước ngoài
Theo một số quy định của pháp luật nước ngoài về khái niệm nghĩa vụ có điều kiện, BLDS Pháp quy định về các loại điều kiện trong hợp đồng có điều kiện với nội dung cụ thể. Điều 1168 BLDS Pháp quy định về nghĩa vụ có điều kiện, là nghĩa vụ phụ thuộc vào một sự kiện trong tương lai không chắc chắn sẽ xảy ra, theo đó chỉ khi nào sự kiện đó xảy ra thì mới thực hiện nghĩa vụ hoặc huỷ bỏ nghĩa vụ. Điều 1181 BLDS Pháp quy định: Nghĩa vụ được cam kết theo điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ, là nghĩa vụ phụ thuộc vào một sự kiện tương lai không chắc sẽ xảy ra hoặc vào một sự kiện hiện tại đã xảy ra nhưng các bên chưa biết. Điều 1183 BLDS Pháp quy định: Điều kiện huỷ bỏ là điều kiện mà khi xảy ra thì nghĩa vụ bị huỷ bỏ và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu như chưa từng có cam kết[17]. Pháp luật Anh Mỹ cũng quy định về khái niệm của điều kiện trong hợp đồng này: “Một điều kiện phát sinh là sự kiện có ảnh hưởng, phải tồn tại trước khi có một vài quan hệ pháp luật mà chúng ta quan tâm. Quan hệ pháp luật phổ biến nhất trong nhận thức khi thuật ngữ này được sử dụng là nghĩa vụ thực hiện tức thì và dứt khoát bởi người hứa hẹn hoặc nghĩa vụ phái sinh là chi trả bồi thường thiệt hại khi vi phạm nghĩa vụ thực hiện như vậy”[18].
6.Kết luận
Từ những nội dung phân tích trên, tác giả đưa ra khái niệm điều kiện như sau: Điều kiện trong hợp đồng có điều kiện là nghĩa vụ mà theo đó một hoặc nhiều bên trong hợp đồng cam kết thực hiện theo thoả thuận. Điều kiện là sự kiện mà quyền và nghĩa vụ của các bên phụ thuộc vào đó. Điều kiện là nghĩa vụ có thể là tài sản, công việc phải làm hoặc không được làm vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác và phải xác định được. Điều kiện không được vi phạm điều cấm của luật, không được trái đạo đức xã hội.
[1] Trường Đại học Luật TpHCM, Giáo trình hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tái bản, có sửa đổi, bổ sung), Điều 117 BLDS 2015 quy định: 1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. 2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
[2] Điều 402 BLDS 2015 quy định các loại hợp đồng chủ yếu bao gồm:
Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:
- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;
- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ;
- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ;
- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính;
- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó;
- Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
[3] Điều 385 BLDS 2015
[4] Điều 398 BLDS 2015 quy định nội dung của hợp đồng:
- Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
- Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
- a) Đối tượng của hợp đồng;
- b) Số lượng, chất lượng;
- c) Giá, phương thức thanh toán;
- d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
[5] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp.Hồ Chí Minh, năm 2005, tr. 921.
[6] Nguyễn Lân (2004), Từ điển và từ ngữ Việt Nam, Nxb. Tp.HCM, Tp. Hồ Chí Minh, tr.629.
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, Nxb. CAND, Hà Nội, năm 2003, tr.107-108.
[8] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, Nxb. CAND, Hà Nội, năm 2003, tr.107- 108.
[9] Hoàng Thế Liên, Bình luận Khoa học BLDS năm 2005 (tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2013, tr.243 -244.
[10] Lê Minh Hùng, “Hợp đồng tặng cho nhà ở có điều kiện trong pháp luật Việt Nam hiện hành”, Tài liệu toạ đàm khoa học Giao dịch dân sự về nhà ở, năm 2012, tr.55.
[11] Tưởng Duy Lượng, Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử (tái bản lần thứ năm, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr.69-70.
[12] Nguyễn Văn Cừ – Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học BLDS 2015, Nxb. Công an nhân dân, Hà nội, năm 2017, tr. 690.
[13] Trường Đại học Luật Tp. HCM, Giáo trình những quy định chung về luật dân sự, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, năm 2018, tr. 75-76.
[14] Trường Đại học Luật Tp. HCM, Giáo trình những quy định chung về luật dân sự, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, năm 2018, tr. 76-84.
[15] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2017, tr.75-77.
Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, năm 2010, tr.49-52.
[16] Điều 156 BLDS 2015.
[17] Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (Organisation Internationale de la Francophonie), Bộ Luật Dân sự Pháp, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, năm 2005.
[18] Arthur Corbin, Conditions in the law of contract, Yale Law School Legal Scholarship Repository.
https://pdfs.semanticscholar.org/b76e/daa2c2bea2828479eeec7a4688e31b1dca6c.pdf
truy cập lúc 23giờ00 phút ngày 2 tháng 3 năm 2020
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận