Khẳng định vai trò cung ứng vốn chủ lực cho Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, các chính sách tín dụng đối với ngành lúa gạo luôn được các Chi nhánh Agribank tại đây ưu tiên triển khai, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành lúa gạo.
Với những lợi thế tự nhiên sẵn có, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún đất. Những yếu tố này không chỉ làm giảm diện tích đất canh tác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng lúa gạo.
Tính đến 31/3/2025, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo của các Chi nhánh Agribank tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 40.500 tỷ đồng với 39.443 khách hàng, tăng trên 3.800 tỷ đồng so với đầu năm 2025
Đặc biệt, đầu năm 2025, ngành lúa gạo trong nước đối mặt khó khăn lớn khi thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Trước tác động của tình hình thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng bị suy giảm do giá liên tục đi xuống. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình cấp bách này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 04/3/2025 về điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo về việc cung ứng vốn tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thua mua tạm trữ và xuất khẩu gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện các chỉ đạo này, Agribank đã khẩn trương ban hành văn bản yêu cầu các Chi nhánh trong toàn hệ thống đẩy mạnh cung ứng vốn tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Dư nợ cho vay lúa gạo của các Chi nhánh Agribank trong khu vực được phân bổ cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể, dư nợ cho vay trồng lúa đạt 4.035 tỷ đồng; cho vay sản xuất, chế biến lúa gạo đạt 6.610 tỷ đồng; cho vay bán buôn, bán lẻ lúa gạo nội địa đạt 28.751 tỷ đồng và cho vay xuất khẩu lúa gạo đạt 1.104 tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng đã giúp cho người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường đẩy mạnh cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này được thể hiện qua kết quả xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị, đạt trên 9 triệu tấn đem về 5,75 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 13% về lượng và 23% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn, đưa giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm qua tăng ấn tượng, tăng trên 28%.
Đặc biệt, Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn thí điểm đến hết năm 2025 và tiếp tục triển khai chương trình đến hết năm 2030; hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng theo từng đối tượng khách hàng; đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong liên kết lúa gạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Thời gian qua, các Chi nhánh Agribank trong khu vực đã tích cực triển khai cho vay theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Nổi bật như Chi nhánh Tiền Giang và Chi nhánh Hậu Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tại địa phương về việc thực hiện Đề án. Các Chi nhánh còn lại cũng đang trong quá trình hoàn thiện để tiến hành ký kết toàn diện với Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh.
Trải qua 37 năm hình thành và phát triển, Agribank luôn duy trì tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển “Tam nông” với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đạt khoảng 65% trên tổng dư nợ. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lên tới 82% tổng dư nợ.
Với bề dày kinh nghiệm cũng như sự gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực lúa gạo nói riêng, Agribank sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được để đóng góp tích cực vào việc thực hiện thành công Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó mang lại sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam cũng như khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên thế giới.
Ngày 04/4/2025, tại Cần thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. Agribank là nhà tài trợ chính của hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo và các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, logistics, hợp tác xã và nông dân… Hội thảo hướng đến mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Việc đồng hành cùng Hội thảo là một trong những giải pháp thiết thực của Agribank hỗ trợ ngành lúa gạo giải quyết những vấn đề khó khăn, hướng tới sự phát triển bền vững hơn và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận