Khánh Hòa: Mua lò gạch do Hợp tác xã bán đấu giá vẫn không được cấp sổ đỏ

Hợp tác xã bán khu lò gạch cho dân, nhưng khi ông Xuân là người mua lại tài sản này đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ thì Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng tìm đủ cách để từ chối. Đếnnay ông Xuân chết, vợ ông – bà Phạm Thị Tuyết (70 tuổi) vẫn kiên trì thực hiện lời trăn trối "xin cấp sổ" của chồng.

Nguồn gốc đất đầy đủ, hồ sơ rõ ràng

Bà Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953, ngụ thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vừa gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng các cấp về việc Phòng Tài nguyên và Môi trường từ chối cấp Giấy CNQSDĐ thiếu căn cứ và hành vi của ông Nguyễn Công Hoàng Chương.

Theo đơn bà Tuyết, năm 1990 Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Ninh Hưng tổ chức bán đấu giá cơ sở sản xuất gạch ngói và ông Võ Đình Cường mua trúng đấu giá. Đến năm 1992, ông Võ Đình Cường chuyển nhượng lại toàn bộ cơ sở sản xuất gạch ngói cho ông Lưu Văn Xuân và vợ là bà Phạm Thị Tuyết. Toàn bộ hồ sơ hóa giá từ hợp tác xã cho ông Cường, và từ ông Cường sang vợ chồng bà Tuyết đều được UBND xã Ninh Hưng chứng thực. Thửa đất Lò Gạch hiện tại là thửa số 23, tờ bản đồ số 8, tại thôn Tân Hưng, xã Ninh Hưng, và một cái ao chứa nước với số thửa là 24.

 

Ông Võ Đình Cường sang nhượng lại cho ông Lưu Văn Xuân được UBND xã Ninh Hưng xác nhận

Sau khi nhận chuyển nhượng, vợ chồng bà Tuyết tiếp tục sản xuất gạch ngói, cùng với đó là thế chấp toàn bộ bất động sản nói trên ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Argibank Ninh Hòa) 2 lần, lần lượt là 50 triệu và 100 triệu đồng để có nguồn vốn vận hành lò gạch. Mãi đến năm 2017 bà Tuyết mới giải chấp được toàn bộ khoản vay.

“Để vay được tiền từ Ngân hàng thì điều kiện tiên quyết là chính quyền xã Ninh Hưng phải xác nhận cho gia đình tôi. Đính kèm hồ sơ xác nhận vay vốn Ngân hàng, quý cơ quan có thể xác minh tại Argibank Ninh Hòa”, trích đơn khiếu nại của bà Tuyết gửi cơ quan chức năng các cấp.

Tuy giấy tờ, nguồn gốc đầy đủ, nhưng từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương từ chối cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Tuyết, ông Xuân với đủ mọi lý do.

Những lý do lạ lùng!

Tính từ năm 2017 đến hiện tại, bà Tuyết, ông Xuân và người được ủy quyền đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ khoảng 10 lần. Ngoài những lần trong năm 2017 và năm 2018 (mỗi năm nộp hồ sơ 3 lần, tại Bộ phận 1 cửa UBND thị xã Ninh Hòa bị trả không lý do) thì những lần khác đều có một lý do khác nhau.

Lý do thứ nhất có thể kể đến là việc ông Đinh Văn Phụng (thời điểm năm 2020 là Chủ tịch xã Ninh Hưng) ký báo cáo số 245/BC-UBND ngày 25/8/2020 gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa để báo cáo về trường hợp đất của ông Lưu Văn Xuân rằng có tranh chấp ở một thửa đất khác.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí TAND thì thửa đất khác mà ông Phụng nhắc tới là thửa số 24 (là thửa đất ao, dùng để cung cấp nước làm gạch). Và từ việc tranh chấp với UBND xã Ninh Hưng thửa đất 24 (thửa đất này có một số hộ dân lấn chiếm một phần và đã được cấp Giấy CNQSDĐ), nên ông Xuân, bà Tuyết cũng bị từ chối luôn việc cấp sổ cho thửa đất số 23 (không tranh chấp).

Sau đó, đến khi ông Nguyễn Công Hoàng Chương lên làm Chủ tịch xã Ninh Hưng thì ông Chương lại cho rằng “hợp tác xã chỉ bán lò gạch chứ không bán đất”.

 

Biên bản và so đồ lò gạch đã ghi rõ tổng diện tích 

Ở lý do thứ 2 này, có thể theo ý ông Chương là người dân mua cái lò gạch thì phải tháo dỡ lò gạch đi chỗ khác chứ đất đó là thuộc quản lý của địa phương?! Thế nhưng theo hồ sơ địa chính và sổ mục kê đều ghi rõ thửa số 23 tên người sử dụng là ông Lưu Văn Xuân. Bên cạnh đó, hồ sơ mua bán từ hợp tác xã qua ông Cường và từ ông Cường sang vợ chồng bà Tuyết ông Xuân cũng thể hiện rất rõ diện tích. Nếu chỉ bán cái lò gạch, không bán đất thì ghi diện tích để làm gì?

Sau khi lý do thứ 2 không được “thuyết phục cho lắm” thì Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng ông Nguyễn Công Hoàng Chương tiếp tục đưa ra lý do thứ 3: “Đất có 4100m2 nằm trong quy hoạch giao thông nên không cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Lưu Văn Xuân”.

Trả lời PV Tạp chí TAND thời điểm còn là Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (phụ trách đất đai), bà Nguyễn Thị Hồng Hải khẳng định rằng việc quy hoạch giao thông hay bất cứ quy hoạch gì đều không ảnh hưởng đến việc cấp sổ. “Quy hoạch thì quy hoạch, cấp sổ thì vẫn cấp. Đến khi quy hoạch khởi động thì ra quyết định thu hồi đất”.

Và lý do hiện tại ông Nguyễn Công Hoàng Chương đang sử dụng chính là đề nghị “xem xét lại nguồn gốc đất rộng rãi trong nhân dân”. Đề nghị này của 3 ông gồm Nguyễn Ngâu, Ngô Xuân Thăng và ông Nguyễn Văn Tới. Trong đó, kỳ lạ nhất là ông Ngô Xuân Thăng, bởi ông này cũng chính là người có tên trong hội đồng bán tài sản của Hợp tác xã cho người dân.

Tất nhiên ý kiến của người dân phải được xem xét, cân nhắc, nhưng trong việc này các ông Ngâu, Thăng, Tới chỉ nói miệng mà không đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào thuyết phục. Trong khi đó, hồ sơ của bà Tuyết có đầy đủ cơ sở để được cấp sổ thì lại bị ông Nguyễn Công Hoàng Chương bỏ qua. 

Phiên tổng kết bất thường 

Ý kiến của ông Ngâu, Thăng và ông Tới nói trên được xuất phát từ Hội nghị tổng kết thôn Tân Hưng ngày 27/1/2022. Biên bản hội nghị này rất kỳ lạ! Bởi đây là Hội nghị tổng kết để “đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua” (năm 2022 – PV) và “Triển khai công tác chuẩn bị đón Tết nguyên đán năm Nhâm dần 2022”, nhưng nội dung 2 mục chính này không được thể hiện.

Thay vào đó, nội dung chính của biên bản họp thôn Tân Hưng chỉ ưu tiên ghi ý kiến của ông Ngâu, ông Thăng và ông Tới là: “Yêu cầu UBND xã Ninh Hưng cần phải làm rõ nguồn gốc sử dụng đất lò gạch tại thôn Tân Hưng để bà con được biết. Vì hiện nay qua thông tin là hộ ông Lưu Văn Xuân đã làm giấy quyền sử dụng đất”.

PV Tạp chí TAND đã tìm gặp người viết biên bản “Hội nghị tổng kết” này. Người viết biên bản cho biết hôm “hội nghị” chỉ có 3 ông nói trên đến dự (thôn Tân Hưng có gần 1000 hộ dân – PV) và cả 3 ông này cùng 1 ý kiến. Người này cũng cho biết thêm, sau khi kết thúc “hội nghị” thì bà được yêu cầu trích rõ phần ý kiến của 3 hộ dân vào Biên bản để gửi lên UBND xã Ninh Hưng.

Đến ngày 17/2/2022, UBND xã Ninh Hưng mời ông Nguyễn Ngâu, Ngô Xuân Thăng, Nguyễn Văn Tới lên làm việc. Và lập tức trong ngày 17/2, Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng Nguyễn Công Hoàng Chương ra Thông báo từ chối giải quyết hồ sơ (số 08/TB-UBND) với lý do: “Do yêu cầu của người dân trong thôn Tân Hưng họp lại Khu dân cư để làm rõ và lấy ý kiến về nguồn gốc đất của ông Xuân (Theo hồ sơ đề nghị cấp giấy chưa đầy đủ, cần làm rõ nguồn gốc đất ở đâu ông Võ Đình Cường có để sang nhượng lại cho ông Xuân). Vì vậy hồ sơ của ông Xuân hiện chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ”.

 

Văn bản thể hiện việc ông Ngô Xuân Thăng tham gia vào quá trình bán đấu giá lò gạch

“Hội nghị tổng kết thôn Tân Hưng chỉ có ông Ngâu, Thăng và ông Tới. Làm việc tại UBND xã Ninh Hưng do Chủ tịch Nguyễn Công Hoàng Chương chủ trì về đất của tôi cũng chỉ 3 ông này mà không mời tôi. Biên bản hội nghị thôn chỉ chăm chăm vào đất của tôi. Phải chăng cái gọi là hội nghị này nhằm tạo ra một cái cớ thứ nhất để giúp ông Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng Nguyễn Công Hoàng Chương tạo ra cái cớ thứ 2 là tổ chức buổi làm việc ngày 17/2/2022 và lấy đó làm lý do để ra thông báo từ chối giải quyết hồ sơ của tôi? Và sau đó là Thông báo từ chối giải quyết hồ sơ của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa cũng xuất từ cái cớ này!”, trích một phần đơn khiếu nại của bà Tuyết gửi cơ quan chức năng các cấp tỉnh Khánh Hòa.

“Và văn bản của ông Nguyễn Công Hoàng Chương thể hiện việc “cần phải xác minh nguồn gốc đất”, vậy từ tháng 2/2022 đến nay đã là 1 năm 9 tháng thì chính quyền xã Ninh Hưng, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa đã xác minh hay chưa? Kết quả xác minh như thế nào? Sao không thông báo cho người dân được biết? Sao không trả lời ông Nguyễn Ngâu, Ngô Xuân Thăng, Nguyễn Văn Tới được biết?”, bà Tuyết đặt câu hỏi.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí TAND, trong cùng ngày Hợp tác xã bán Lò gạch cho ông Võ Đình Cường thì còn bán 2 tài sản khác là Nhà trẻ  175 và Vườn dừa lần lượt cho ông hộ ông Chín Tuấn và hộ ông Trọng. Cả 2 hộ dân này đã được cấp Giấy CNQSDĐ từ lâu.

Như vậy, cùng một đơn vị bán, thủ tục bán như nhau, tại sao hai người đã được cấp sổ đất trơn tru, còn hộ ông Lưu Văn Xuân lại bị dùng khước từ quyền lợi chính đáng? Cần phải nói thêm rằng trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thuộc về UBND cấp quận, huyện chứ không phải UBND cấp xã phường.

Phải chăng đã đến lúc UBND tỉnh Khánh Hòa nên  thanh - kiểm tra để khắc phục những tồn tại, hạn chế của chính quyền cấp dưới, cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, để tránh khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

 

THẾ MỸ