Khi cầm cố, xe bị thanh lý không còn có định giá được không?
Nghiên cứu bài viết “Xe cầm cố bị thanh lý, bán cho người khác và không rõ bán cho ai. Cơ sở nào để tính số tiền bồi thường cho chủ xe?” của tác giả Nguyễn Thành Phục, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tôi xin có ý kiến trao đổi.
Thứ nhất, Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về thời hạn cầm cố tài sản: Điều 329 BLDS 2005 quy định: “Thời hạn cầm cố tài sản do các bên tự thỏa thuận, trong trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố”. Trong BLDS 2015 không có điều luật riêng quy định về thời hạn cầm cố tài sản nhưng thời hạn cầm cố vẫn được xác định thông qua các quy định về quyền, nghĩa vụ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Theo đó, hợp đồng cầm cố tài sản chấm dứt kể từ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc trường hợp bên nhận cầm cố hủy hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của luật.
Thời hạn cầm cố sẽ được xác định theo thời hạn của Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và có lãi, được quy định tại khoản 2, Điều 469 BLDS 2015: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Do đó, anh Nguyễn Trường Thịnh là chủ tiệm cầm đồ chỉ được bán tài sản cầm cố của anh Lê Tấn Phương, khi anh Thịnh đã yêu cầu anh Phương thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong thời gian hợp lý, nhưng hết thời hạn đó, anh Phương không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho mình. Việc anh Thịnh tự ý bán tài sản cầm cố đã vi phạm khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố là: “Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác”.
Trường hợp bên nhận cầm cố bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trái với quy định trên thì bên cầm cố có quyền đòi lại tài sản đó và yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp bên cầm cố không có quyền đòi lại tài sản từ bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho…thì bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Căn cứ vào các quy định trên, do tài sản cầm cố là chiếc xe máy là động sản thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu. Do đó, anh Lê Tấn Phương có quyền yêu cầu hiệu cầm đổ phải hoàn trả lại lại tài sản cầm cố là chiếc xe máy và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Thứ hai, Chiếc xe máy mà anh Phương cầm cố cho anh Thịnh vào thời điểm tháng 2 năm 2017, tính từ lúc mua trên thực tế đã trải qua thời gian là 02 năm. Do đó, chiếc xe cũng bị hao mòn theo thời gian và giá trị của xe trên thị trường cũng không còn như thời điểm mua ban đầu. Vì vậy tôi đồng tình với quan điểm của tác giả là xác định giá trị của chiếc xe từ thời điểm mua đến thời điểm thực hiện việc cầm cố thì giá trị của chiếc xe NOVO còn lại có giá trị là bao nhiêu để từ đó, có cơ sở khách quan cho việc giải quyết vụ án./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận