Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Bài viết bàn về trường hợp đương sự khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự nhằm làm rõ những quy định pháp luật hiện hành, nêu lên các vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện nhằm áp dụng một cách thống nhất trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự.

Đương sự trong vụ án dân sự là chủ thể được Tòa án xác định và đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án dân sự hay việc dân sự vì họ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự hay việc dân sự đó. Đương sự tham gia vào vụ, việc dân sự nhằm tự bảo vệ hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đương sự cũng có thể tham gia vụ, việc dân sự nhưng không nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho chính mình mà nhằm mục đích bảo vệ lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng hoặc lợi ích Nhà nước trong một số trường hợp do pháp luật quy định.

Theo quy định của BLTTDS năm 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

1. Quy định của pháp luật

Bị đơn trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 68 BLTTDS năm 2015 là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. Như vậy, bị đơn trong vụ án dân sự có thể là cá nhân hoặc là cơ quan, tổ chức. Trường hợp bị đơn là cá nhân thì tại Điều 586 BLDS năm 2015 quy định:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường;

Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Tại Điều 6, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trường hợp bị đơn là cá nhân: Cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể bị khởi kiện bởi nguyên đơn, khi đó họ được xác định là bị đơn. Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân bị khởi kiện thì doanh nghiệp tư nhân không phải là bị đơn mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định là bị đơn.

 Trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức: Theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, nếu nguyên đơn cho rằng cơ quan, tổ chức đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà nguyên đơn có nhiệm vụ bảo vệ thì khi đó, cơ quan, tổ chức là bị đơn. Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức không phải là bị đơn. Cũng có trường hợp cơ quan, tổ chức bị nguyên đơn khởi kiện và xác định cơ quan, tổ chức là bị đơn mặc dù cơ quan, tổ chức không trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Đó là các trường hợp: người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì pháp nhân được xác định là bị đơn; người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, thì cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ được xác định là bị đơn; người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học được xác định là bị đơn; người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian được bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác được xác định là bị đơn; người làm công, người học nghề gây ra thiệt hại trong khi thực hiện công việc được pháp nhân giao thì pháp nhân giao việc được xác định là bị đơn.

2. Thực trạng và vướng mắc

Khi thụ lý, giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải xác định đúng, chính xác đương sự, nhất là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong trường hợp xác định không đúng, đầy đủ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, phán quyết của Tòa án có thể bị Tòa án cấp trên hủy theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nhìn chung, khi xử lý đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án sau khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án xác định đúng, đầy đủ đương sự trong vụ án thông qua việc yêu cầu đương sự xác định, kiểm tra, đánh giá chứng cứ do đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do người khởi kiện xác định không đúng; tài liệu, chứng cứ thu thập được không phản ánh đúng thực tế khách quan, dẫn đến việc Tòa án xác định thừa, không đúng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa quy định rõ trường hợp đương sự khởi kiện không đúng, thừa bị đơn thì cách thức giải quyết như thế nào nên gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trong thực tiễn tố tụng, có nhiều trường hợp nguyên đơn khởi kiện không đúng bị đơn. Vậy đối với trường hợp xác định không đúng bị đơn này sẽ được xử lý như thế nào?

Cụ thể, ngày 26/9/2024, Tòa án nhân dân thành phố C đã giải quyết vụ án dân sự về việc yêu cầu di dời đường điện giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Ngọc L và bị đơn là Điện Lực thành phố C. Bà L cho rằng trên phần không gian thuộc quyền sử dụng đất của bà L có đường dây trung thế do Điện lực thành phố C kéo ngang để hạ thế bán điện cho Doanh nghiệp tư nhân Quang Đ. Nay bà L có nhu cầu xây nhà trên đất nhưng bị vướng đường điện trên. Do đó, bà L khởi kiện yêu cầu Điện lực thành phố C di dời đường dây trên ra khỏi phần đất của bà. Qua xem xét tài liệu chứng cứ và quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định Điện lực thành phố C là đơn vị trực thuộc của Tổng công ty điện lực miền N, điện lực thành phố C không có tư cách pháp nhân. Đường dây điện kéo qua phần đất của bà L thuộc quyền sở hữu của Tổng ty điện lực miền N. Việc bà L khởi kiện Điện lực thành phố C là không đúng bị đơn nên Tòa án nhân dân thành phố C đã bác đơn khởi kiện của bà L. Qua vụ án trên có 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 về quyền khởi kiện vụ án: Cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự gửi trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải có một trong các quyết định: Thụ lý nếu thuộc thẩm quyền và trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Trong trường hợp này bà Võ Thị Ngọc L khởi kiện Điện lực thành phố C là không đúng bị đơn, mà bà L phải khởi kiện Tổng công ty Điện lực miền N. BLTTDS năm 2015 có quy định các trường hợp trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192. Tuy nhiên đối với trường hợp nguyên đơn khởi kiện vụ án không đúng bị đơn như vụ án nêu trên thì không quy định. Bởi vậy, Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 217 BLTTDS năm 2015 không có quy định. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân thành phố C bác đơn khởi kiện của bà L là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án nhân dân thành phố C thụ lý và giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật. Trong vụ án này việc bà L khởi kiện Điện lực thành phố C là không đúng bị đơn. Do vậy, trường hợp này này bà L chưa đủ điều kiện khởi kiện. Theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015, Tòa án cần trả lại đơn khởi kiện. Nếu đã thụ lý vụ án thì phải đình chỉ giải quyết theo Điều 217 BLTTDS.

Các tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ nhất. Bỡi lẽ, BLTTDS năm 2015 và văn bản hướng dẫn không quy định cách thức xử lý trong trường hợp đương sự xác định không đúng, đưa thừa bị đơn. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp Tòa án gặp khó khăn về cách thức xử lý khi người khởi kiện xác định không đúng bị đơn trong đơn khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án hoặc trong quá trình giải quyết. Tại Điều 186 BLTTDS năm 2015  về quyền khởi kiện vụ án: Cơ quan, tổ chức, có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự gửi trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải có một trong các quyết định: Thụ lý nếu thuộc thẩm quyền và trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trường hợp đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền của Tòa án như BLTTDS 2015 quy định thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng lại khởi kiện không đúng bị đơn: Điều 192 BLTTDS 2015 quy định về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện nhưng không có trường hợp khởi kiện không đúng bị đơn nên trong trường hợp này, Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện được mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 217 BLTTDS năm 2015 không có quy định.

3. Đề xuất, kiến nghị

Từ thực tiễn xét xử và phân tích như trên có thể thấy rằng nhận diện, xác định đúng tư cách đương sự sẽ nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thi hành pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của đương sự trong vụ án. Nhận diện đúng tư cách đương sự là đòi hỏi tiên quyết đối với các chủ thể tố tụng, đóng vai trò quan trọng và tạo điều kiện để các chủ thể đó thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện, tham gia tố tụng. Từ những kết quả phân tích, đánh giá các tác giả kiến nghị TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp đương sự khởi kiện không đúng bị đơn để áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử, cụ thể Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 192 BLTTDS 2015 quy định về các trường hợp trả lại đơn khởi kiện nhưng không có trường hợp khởi kiện không đúng bị đơn. Đồng thời, trường hợp khởi kiện không đúng bị đơn cũng không phải là một trong các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 BLTTDS năm 2015.

ThS. NGUYỄN BÍCH NHƯ - TRẦN HUYỀN TRÂN (Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự năm 2005.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

4. Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

5. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

6. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử vụ án dân sự. ảnh: Duy Linh.