Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại
Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là một chế định đã được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng đã nảy sinh một số vướng mắc khi điều luật này quy định giới hạn về thời điểm mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu của mình.
Theo quy định của Điều 105 BLTTHS năm 2003 thì người đã yêu cầu khởi tố vụ án chỉ có quyền rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, việc rút này sau thời điểm này (tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm) đều không được chấp nhận. Quy định này tạo ra việc các Tòa án vẫn phải xét xử vụ án mà không được đình chỉ vụ án. Với tinh thần càng ít phải xét xử càng tốt và bảo đảm quyền của người bị hại trong trường hợp họ có yêu cầu khởi tố vụa án, BLTTHS năm 2015 đã quy định tại khoản 2 Điều 155: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã không còn giới hạn về thời điểm rút yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại, họ có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án bất cứ lúc nào và nếu việc rút yêu cầu đó là hoàn toàn tự nguyện, đúng với ý muốn thì vụ án phải được đình chỉ.
Đây là một quy định mới, mở rộng hơn quyền của bị hại khi họ có yêu cầu khởi tố vụ án về các tội phạm cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS.
TANDTC đã ban hành Công văn số 254/TANDTC- PC ngày 26 /11/ 2018 để hướng dẫn áp dụng về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS.
Theo đó tại giai đoạn xét xử sơ thẩm “… Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án; trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì tòa án phải hướng dẫn làm đơn kháng cáo để tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm”.
Với hướng dẫn này, chúng tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi.
Một là: Nếu tại phiên tòa, người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 299 quyết định đình chỉ vụ án là đúng và phù hợp.
Hai là: Nếu đã hết thời hạn kháng cáo (việc kháng nghị không liên quan vì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nhiều hơn thời hạn kháng cáo) mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án mới có yêu cầu rút gọn yêu cầu khởi tố thì giải quyết thế nào? Công văn không đề cập đến vấn đề này. Theo chúng tôi có thể giải quyết như sau:
Yêu cầu rút yêu cầu khởi tố khi đã hết thời hạn kháng cáo cũng được coi như kháng cáo quá hạn và phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục của kháng cáo quá hạn. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận thì việc rút yêu cầu khởi tố do Tòa án cấp phúc thẩm quyết định. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận thì án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Nếu vẫn tiếp tục yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án thì do cấp giám đốc thẩm quyết định.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, công văn hướng dẫn là:
“Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn, căn cứ khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm.”
Về hướng dẫn nêu trên, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một là: Khi hướng dẫn “tại giai đoạn xét xử phúc thẩm” thì phải hiểu được hiểu là trước khi xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm
-Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được ra quyết định đình chỉ vụ án, tức là việc đình chỉ vụ án thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Do đó dù rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì phiên tòa phúc thẩm vẫn phải được mở.
– Tại phiên tòa phúc thẩm mà người yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử không thể xét xử.
Hai là: Điều 359 BLTTHS quy định;
“1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2.Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3,4,5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Điều luật không có quy định đối với trường hợp người yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu khởi tố (khoản 2 Điều 155 BLTTHSS) là một trong các căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Chúng tôi cho rằng đó là một thiếu sót trong quy định của Điều 359 BLTTHS. Do đó, TANDTC hướng dẫn được áp dụng Điều 359, đúng ra là khoản 2 Điều 359 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án tuy là đúng thực tiễn nhưng cần xem xét lại.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận