Không áp dụng án treo đối với các bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội với lỗi cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Qua nghiên cứu bài viết “Các bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội Giết người có được hưởng án treo hay không?” của các tác giả Hà Viết Toàn – Thái Thị Mỹ Nga, đăng ngày 9/5/2022, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện được áp dụng đội với người bị phạt tù không quá 3 năm, được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Để xác định người phạm tội đủ điều kiện được hưởng án treo phải đáp ứng đủ các yếu tố áp dụng tại khoản 1 Điều 65 BLHS, Điều 2 Nghị quyết 02/2018-HĐTP đồng thời không thuộc trường hợp theo Điều 3 Nghị quyết này.

Qua nội dung vụ án, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất vì những lý do sau:

Thứ nhất, Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, các bị cáo Y Khoan, Y Henri và Y Si Ngôn đã phạm tội thuộc trường hợp không cho hưởng án treo. Đó là có tính chất côn đồ, cố ý gây hậy quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù đang là người chưa thành niên nhưng tôi cho rằng đã đủ yếu tố để áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với các bị cáo.

Thứ hai, Căn cứ vào nội dung áp dụng pháp luật vào vụ án trên, tôi cho rằng quyết định hình phạt đối với các bị cáo Y Si Ngôn (2 năm 6 tháng tù), Y Henri, Y Khoan (2 năm tù) không vi phạm nội dung quy định tại khoản 3 Điều 102 BLHS, đó là mức hình phạt cao nhất đối với các nhóm đối tượng trên đều không quá ½ mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 BLHS; ⅓  mức hình phạt quy định tại Điều 99, 100 và 101 BLHS.

Quyết định hình phạt đối với các nhóm đối tượng trên còn căn cứ vào các yếu tố dựa trên tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS. Các tình tiết được xác định là tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả; mức độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của các đối tượng sẽ khác nhau.

 Thứ ba, Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đúng nguyên tắc, phù hợp sẽ dẫn đến kết quả xử lý công việc được chính xác và ngược lại, nếu áp dụng văn bản quy phạm pháp luật sai nguyên tắc thì sẽ dẫn đến sai sót, làm ảnh hưởng đến đối tượng bị áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Áp dụng quy định chung tại Điều 4, khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khiến cho văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo nhau.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật văn bản chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật quy định chung có sự chồng chéo.

Căn cứ vào đó, tôi cho rằng Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo là văn bản dưới luật để áp dụng quy định tại Điều 4, khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chưa hợp lý.

 Ngoài ra, Người dưới 18 tuổi phạm tội Giết người hoàn toàn có đủ yếu tố được hưởng án treo, áp dụng nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi để xác định theo khoản 2 Điều 91 BLHS.

Việc xác định nguyên tắc áp dụng luật hết sức cần thiết, bởi thực tiễn trong ban hành luật luôn tồn tại vấn đề văn bản đặt ra quy định chung và văn bản hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực chuyên ngành. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cần bổ sung trong nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này.

Trên đây là trao đổi của tôi về vụ án và một số nội dung liên quan, mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử về tội giết người – Ảnh: CTV

DUY LINH (Tòa án quân sự quân khu 3)