Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
Luật Tổ chức TAND năm 2024 có nhiều sửa đổi, bổ sung mang tính đổi mới, đặc biệt là việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, do đó, BLTTDS năm 2015 cũng phải sửa đổi, bổ sung tương thích với Luật Tổ chức TAND mới.
1. Quy định đổi mới về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự
Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, tác giả tóm tắt thành 06 bước như sau1:
Bước 1. Tòa án đóng vai trò hướng dẫn. Theo đó, Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.
Bước 2. Tòa án yêu cầu. Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định: Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.
Bước 3. Tòa án hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Theo đó, Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
Bước 4. Tòa án tiếp nhận. Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định: Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp.
Bước 5. Tòa án kiểm tra, thẩm định. Theo đó, Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
Bước 6. Tòa án giải quyết vụ việc. Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định: Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Như vậy, theo quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 thì Tòa án không có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự mà trách nhiệm này thuộc về các bên trong vụ việc “các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật”2.
Từ quy định nêu trên, có sự khác biệt so với BLTTDS năm 2015, theo đó, BLTTDS năm 2015 đề cập trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, thậm chí bản án sơ thẩm có thể bị cấp phúc thẩm hủy án với lý do chưa thu thập đầy đủ chứng cứ. Do đó, BLTTDS năm 2015 cần có định hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp, tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024.
2. Định hướng sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 về thu thập tài liệu, chứng cứ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự
Thứ nhất, loại trừ trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự. Các điều khoản cần rà soát để sửa đổi, bổ sung trong BLTTDS năm 2015 bao gồm3: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định” (khoản 2 Điều 6); “4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc” (khoản 4 Điều 91); “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự” (khoản 1 Điều 96); “2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; c) Trưng cầu giám định; d) Định giá tài sản; đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ; e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này” (khoản 2 Điều 97); “2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn. Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập” (khoản 2 Điều 106).
Thứ hai, không xác định việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập được tài liệu, chứng cứ đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được làm căn cứ hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Điều luật có liên quan là khoản 1 Điều 310 BLTTDS năm 2015 “Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được”.
Như vậy, quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 đặt ra yêu cầu các bên liên quan trong vụ việc dân sự phải chủ động thu thập, cung cấp và giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Điều này thúc đẩy các bên nâng cao trách nhiệm và sự chủ động trong việc chuẩn bị chứng cứ, từ đó giảm bớt công việc cho Tòa án. Các bên phải tích cực thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình, giúp cho quá trình giải quyết vụ việc được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, các bên sẽ tự chịu trách nhiệm về việc cung cấp chứng cứ đầy đủ, chính xác, giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót hoặc thiếu sót trong quá trình giải quyết, xét xử. Điều này cũng giúp Tòa án có được đầy đủ thông tin cần thiết để ra quyết định, từ đó nâng cao tính công bằng trong giải quyết, xét xử vụ việc dân sự.
Quy định mới này có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên và Tòa án. Các bên phải phối hợp tốt trong việc cung cấp chứng cứ và tài liệu, đồng thời Tòa án sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra tính hợp lệ của các chứng cứ được cung cấp. Sự hợp tác này giúp bảo đảm các chứng cứ được đưa ra giải quyết, xét xử đúng quy định và đạt yêu cầu pháp lý.
Tóm lại, trên cơ sở quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024, BLTTDS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, theo đó cần loại trừ trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án và yêu cầu tăng tính chủ động cho các bên trong vụ việc, không chỉ nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên mà còn góp phần vào việc cải cách quy trình tố tụng, cải cách tư pháp, từ đó nâng cao hiệu quả và sự công bằng trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự.
1 Điều 15 Luật Tổ chức TAND năm 2024.
2 Khoản 1 Điều 15 Luật Tổ chức TAND năm 2024.
3 Khoản 2 Điều 6, khoản 4 Điều 91, khoản 1 Điều 96, khoản 2 Điều 97, khoản 2 Điều 106 BLTTDS năm 2015.
TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm kết hợp số hóa, trình chiếu chứng cứ vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”- Ảnh: Nguyên Hạnh
Bài liên quan
-
Quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông B và Công ty A phải căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015
-
Ủy ban Tư pháp khảo sát "Việc chấp hành Luật Tổ chức TAND 2014" tại một số Tòa án
-
Xác định việc bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập theo quy định của BLTTDS 2015
-
Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cá nhân theo BLTTDS 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận