Lấy lại xe đã cho người khác thuê không phạm tội

Sau khi nghiên cứu bài viết “Lấy xe đã cho người khác thuê phạm tội gì?” bài của tác giả Nguyễn Anh Dũng đăng ngày 15/7 /2020, tôi có cho rằng hành vi của A không cấu thành tội phạm.

Trước tiên theo dữ liệu tác giả nêu đó là việc cho thuê xe nhưng hết hạn hợp đồng không liên lạc được với người thuê. Ít ngày sau, chủ xe thấy xe của mình trên đường nên đưa xe về nhà. Hành vi đó có cấu thành tội phạm không?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì hành vi đó không cấu thành tội phạm.

Qua nghiên cứu nội dung cụ thể của sự việc và các quan điểm xung quanh việc giải quyết cũng như quan điểm của tác giả, tôi có quan điểm đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết đó là hành vi của A không cấu thành bất kỳ tội phạm nào được quy định trong BLHS. Ngoài lý do mà tác giả đã nêu, tôi xin  phân tích đưa ra một số luận giải bổ sung thêm cho lý do cho rằng A không phạm tội và cũng xin được phản biện lại với quan điểm thứ nhất khi cho rằng: “Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”, quy định tại Điều 173 BLHS” là không phù hợp, cụ thể như sau:

Một là, theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS thì: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá…”. Như vậy, theo quy định của điều luật thì hành vi của người nào đó thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác mới thỏa mãn của cấu thành tội phạm. Trong khi đó, việc A lấy tài sản là chiếc xe mà chủ sở hữu là của mình thì hành vi này không thỏa mãn của cấu thành tội phạm.

Hai là, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền sở hữu của của chủ tài sản có ba quyền năng đó là: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt, cụ thể tại các Điều 186, 189 và Điều 192. Trở lại vụ việc cho chúng ta thấy mặc dù ngày 10/5/2020, B đến thuê của A 01 xe ô tô có lập hợp đồng, thời hạn thuê 02 (hai) ngày, với số tiền 1.000.000 đ/ngày. Sau đó, B điều khiển xe ô tô đi. Đến ngày 12/5/2020, kết thúc hợp đồng thuê xe nhưng B không mang xe đến trả cho A và cũng không thông báo cho A về việc có tiếp tục thuê xe của A nữa hay không mà B giao xe ô tô này cho vợ chồng C sử dụng. Vấn đề quan trọng mấu chốt của sự việc ở đây là chiếc xe ô tô theo định giá tài sản là 580.000.000 đồng chủ sở hữu chiếc xe này là của A. Do vậy, mặc dù A đã cho B thuê; tức là B có quyền chiếm hữu, sử dụng trong thời hạn thuê 02 (hai) ngày từ ngày 10/5/2020 đến ngày 12/5/2020 theo hợp đồng thuê xe và đến hạn trả lại chiếc xe theo hợp đồng thì B phải có trách nhiệm bàn giao chiếc xe cho A nhưng thực tế B đã không bàn giao lại cho A mà lại giao xe cho C, do trước đó B có vay C tiền và việc giao chiếc xe này là để làm tin.

Đây là hành vi lạm quyền, vượt quyền có dấu hiệu của việc lạm dụng tín nhiệm chiểm đoạt tài sản. Rõ ràng, B không có quyền định đoạt chiếc xe này của A; kể cả chiếc xe này mà B thuê vẫn trong thời hạn hợp đồng thì B cũng không có quyền giao lại chiếc xe cho C. Việc, B giao xe cho C là hành vi trái pháp luật đây được xem là giao dịch dân sự vô hiệu giữa B và C. Do vậy hành vi điều khiển xe của A sau khi thấy chiếc xe ô tô của mình về nhà, không thỏa mãn cấu thành tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS cũng như không cấu thành bất kỳ tội phạm nào theo quy định của BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi  đối với bài viết “Lấy xe đã cho người khác thuê phạm tội gì?” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

Dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái tại Đà Lạt – Ảnh:  Amazing ĐL

 

 

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)