.jpg)
Lê Hà Vũ A phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Công ty TNHH Y - Bệnh viện P
Sau khi nghiên cứu bài viết “Lê Hà Vũ A có phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Công ty TNHH Y - Bệnh viện P hay không?” của tác giả Lê Bá Trường, tôi đồng thuận với quan điểm thứ nhất khi cho rằng anh Lê Hà Vũ A phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Công ty TNHH Y - Bệnh viện P và đồng thời có một số ý kiến bổ sung, làm rõ quan điểm này.
Thứ nhất, anh Lê Hà Vũ A và Công ty TNHH Y - Bệnh viện P (sau đây viết tắt là Công ty) đã có các thoả thuận liên quan đến nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo như sau:
- Hợp đồng đào tạo dài hạn số 180/HĐ-ĐT với Công ty TNHH Y - Bệnh viện P có nội dung: Cử anh Lê Hà Vũ A đi học cao học quản trị kinh doanh tại Trường đại học T, thời gian học từ ngày 01/8/2020 đến ngày 01/8/2022, học vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Trong quá trình anh Lê Hà Vũ A đi học, bệnh viện chi trả toàn bộ học phí đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học, anh Lê Hà Vũ A phải có nghĩa vụ làm việc cho Bệnh viện gấp 03 lần thời gian đào tạo, nếu không hoàn thành nghĩa vụ thì anh Lê Hà Vũ A phải bồi thường 300% chi phí đào tạo gồm chí phi học phí, tiền lương căn bản hàng tháng, tiền đóng bảo hiểm.
- Hợp đồng đào tạo ngắn hạn số 214/HĐ-ĐT, nội dung hợp đồng: Bệnh viện cử anh Lê Hà Vũ A học lớp quản lý bệnh viện tại Công ty cổ phần Q, từ ngày 16/8/2022 đến ngày 21/8/2022, hình thức online từ 18 giờ đến 21 giờ, bệnh viện chi trả học phí 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm nghìn đồng). Nghĩa vụ của anh Lê Hà Vũ A sau khi học xong phải làm việc cho bệnh viện là 05 năm. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ thì anh Lê Hà Vũ A phải bồi thường 300% chi phí đào tạo.
- Hợp đồng đào tạo ngắn hạn số 74/HD-ĐT, cho anh Lê Hà Vũ A học lớp quản lý chất lượng bệnh viện tại Công ty cổ phần Q. Nội dung hợp đồng: Học từ ngày 19/4/2023 đến ngày 24/4/2023, hình thức online từ 18 giờ đến 21 giờ, bệnh viện chi trả học phí 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm nghìn đồng). Sau khi hoàn thành khóa học, anh Lê Hà Vũ A có nghĩa vụ phải làm việc cho bệnh viện trong thời gian là 05 năm, trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ thì anh Lê Hà Vũ A phải bồi thường 300% chi phí đào tạo.
Nhìn chung, nội dung thoả thuận về nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo là hợp pháp1 (trừ mức bồi thường cần điều chỉnh để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019[2]) tuân theo quy định của BLDS 2015, BLLĐ 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014[3] và có giá trị ràng buộc nghĩa vụ của các bên, trong đó có nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo theo mức bồi thường được quy định bởi BLLĐ 2019 khi Anh A vi phạm nghĩa vụ về thời hạn làm việc cho Công ty sau khi hoàn thành các khoá học (trừ trường hợp Hợp đồng đào tạo có các thoả thuận miễn trừ, các trường hợp miễn trừ nghĩa vụ bồi thường).
BLLĐ 2019 quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động phải bồi hoàn chi phí đào tạo[4] nhưng BLLĐ 2019, BLDS 2015 cũng không có quy định cấm các bên có thoả thuận về trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đào tạo đúng pháp luật. Điều 7 BLLĐ 2019 quy định quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Tại thời điểm thoả thuận đào tạo được xác lập, các bên hoàn toàn tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lợi ích hai bên. Về nguyên tắc, thoả thuận đào tạo này cũng không vi phạm Điều 8 BLLĐ 2019 về các hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ lao động. Đồng thời, thoả thuận về nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo như trong vụ việc này đang phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (trừ mức bồi thường).
Trong vụ việc này dù thoả thuận bồi thường chi phí đào tạo ở mức cao nhưng Công ty chỉ yêu cầu số tiền bồi thường với tổng số tiền là 161.894.958 đồng. Đối chiếu với Điều 62 BLLĐ 2019 quy định chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Trong trường hợp này, nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho số tiền yêu cầu là 161.894.958 đồng thuộc về Công ty TNHH Y.
Thứ hai, khi xét đến việc miễn trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ thì Điều 351 BLDS 2015 quy định (BLLĐ 2019 không quy định nên áp dụng quy định của BLDS 2015[5]):
Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Theo định nghĩa của BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Việc điều trị thoái hóa cột sống của Anh A khi Công ty TNHH Y - Bệnh viện P đã mời anh Lê Hà Vũ A lên động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để tiếp tục công tác thì khó có thể được xem là sự kiện bất khả kháng. Công ty kinh doanh trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nên khó có thể có sự việc Công ty đánh giá người lao động không còn khả năng có thể làm việc nhưng vẫn cố tình giữ lại, bởi vị trí công việc Anh A đang đảm nhiệm không phải là vị trí không ảnh hưởng nhiều đến Công ty (ngày 01/9/2022, Công ty TNHH Y - Bệnh viện P bổ nhiệm anh Lê Hà Vũ A giữ chức vụ Phó Trưởng phòng hành chính quản trị).
Vì vậy, Anh A khó có khả năng đáp ứng điều kiện về việc miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Điều 351 BLDS 2015 (miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo).
Thứ ba, trong thực tiễn xét xử, nhiều Toà án đang theo quan điểm chấp nhận yêu cầu khởi kiện về tranh chấp bồi thường chi phí đào tạo trong những vụ việc tương tự như Bản án số 23/2017/LĐ-PT ngày 29/9/2017 của TAND tỉnh Đ về tranh chấp bồi hoàn chi phí đào tạo[6]; Bản án lao động phúc thẩm số 03/2019/LĐ-PT ngày 28/3/2019 về việc tranh chấp bồi thường chi phí đào tạo của TAND thành phố H giữa ông Dương Xuân T và Bệnh viện T[7]… Như các căn cứ pháp lý đã phân tích ở trên, tác giả cho rằng quan điểm xét xử này trong thực tiễn là phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, lao động và cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người sử dụng lao động - chủ thể đã đầu tư chi phí nhằm mục đích đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Chi phí này chỉ được thu hồi, sinh lợi khi người lao động quay trở lại phục vụ như đã cam kết và trong trường hợp người lao động vi phạm thoả thuận, khoản đầu tư này là một khoản thiệt hại đối với người sử dụng lao động và cần thiết phải có nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo từ phía người lao động. Trong khi đó, nhìn ở góc độ người lao động, khi đã được trang bị thêm những kỹ năng nghề này, việc tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, mang lại lợi ích hơn, và lợi ích “đủ lớn” để người lao động từ bỏ vị trí việc làm cũ thì việc bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động cũng là một phương thức để hài hoà lại lợi ích của các bên. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vấn đề bồi thường chi phí đào tạo, rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
1 Xem thêm quy định tại Điều 62 BLLĐ 2019.
[2] Bởi theo nguyên tắc logic khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bồi thường ở mức x thì khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật không thể phải bồi thường ở mức x+ 1.
[3] Xem thêm khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
[4] Xem thêm Điều 40 BLLĐ 2019.
[5] Xem thêm Điều 4 (áp dụng BLDS) của BLDS 2015.
[6] Bản án số 23/2017/LĐ-PT ngày 29/9/2017 của TAND tỉnh Đ đã chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty cổ phần D về “tranh chấp chi phí đào tạo nghề” đối với ông Ngô Văn L.
Buộc ông Ngô Văn L có nghĩa vụ thanh toán chi phí đào tạo nghề tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 10/2009 đến tháng 9/2013 cho Công ty cổ phần D số tiền là 32.879.016đ (ba mươi hai triệu tám trăm bảy mươi chín nghìn không trăm mười sáu đồng).
[7] Bản án số 03/2019/LĐ-PT của TAND thành phố H tuyên buộc ông Dương Xuân T phải bồi thường cho Bệnh viện T chi phí đào tạo bao gồm học phí và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học là 33.725.000 đồng.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận