Lê Hoàng D phạm tội giết người, cướp tài sản

Sau khi đọc bài viết “Định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Lê Hoàng D” đăng trên Tạp chí điện tử TAND ngày 07/01/2025, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất D phạm tội cướp tài sản.

Căn cứ nội nội dung vụ án đưa ra thể hiện “D lén lút lại tủ của bà L lục lấy 450.000 đồng, số tiền này D đã bỏ vào túi quần trước bên phải.

Như vậy, đối với hành vi lén lút lại tủ của bà L lấy trộm được 450.000 đồng và bỏ vào túi quần bên phải. Hành vi này của D đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “trộm cắp tài sản”.

Xét về mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản: Người phạm tội có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lén lút là hành vi thực hiện một cách bí mật, che giấu nhằm tránh bị phát hiện; hậu quả: Tài sản bị chiếm đoạt, làm giảm giá trị tài sản của chủ sở hữu; mối quan hệ nhân quả: Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tài sản bị mất.

Tuy nhiên, khi vừa bỏ tiền vào túi, D nghe tiếng động phát ra từ giường nơi bà L đang nằm, tưởng rằng bà L tỉnh dậy phát hiện và sẽ la lên nên D rút dao ra đâm nhiều nhát vào người bà L. Bà L bị đâm bất ngờ nên cố vùng vẫy, rơi từ trên giường xuống đất, D tiếp tục đâm thêm 01 cái nữa và bỏ chạy. Sáng ngày 13/7/2024, D bị bắt. Kết quả giám định thương tích của L là tổn hại 40% sức khỏe. Hành vi này của D đã không còn dừng lại là trộm cắp tài sản như ban đầu, mà đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội giết người và cướp tài sản (trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích làm rõ hành vi cướp tài sản của D).

Điều 168 BLHS 2015 về tội cướp tài sản quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm…”.

Khách thể: Hành vi cướp tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, hành vi đó còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở việc thực hiện hành vi tội phạm.

Trong tình huống đưa ra, D có hành vi cướp tài sản là số tiền 450.000 đồng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bà L.

Chủ thể: Chủ thể của tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự: D đủ tuổi theo luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: D thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Mong muốn chiếm đoạt bằng được số tiền 450.000 đồng của bà L.

Mặt khách quan: Bao gồm hành vi dùng vũ lực; hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản.

Trong tình huống đưa ra, D không có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản nên chúng ta sẽ tập trung phân tích hành vi dùng vũ lực và hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc.

Hành vi dùng vũ lực: Người phạm tội dùng sức mạnh vật chất để tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm xóa bỏ sự phản kháng, lấn át của người cản trở để chiếm đoạt tài sản đó.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tại thời điểm phạm tội, được thể hiện bằng lời nói hoặc cử chỉ hành động đe dọa sẽ tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Đối chiếu với tình huống đưa ra, khi đã chiếm đoạt được số tiền 450.000 đồng của bà L, D nghe thấy tiếng động phát ra từ phòng bà L, vì sợ bị phát hiện D sẽ không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên D đã sử dụng vũ lực ngay tức khắc bằng cách dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà L. Từ hành vi dùng vũ lực của D đối với bà L đã có sự chuyển hóa về tội phạm từ “trộm cắp tài sản” sang tội “cướp tài sản”. Và thực tế, từ hành vi dùng vũ lực đối với bà L thì D đã chiếm đoạt được số tiền 450.000 đồng và bỏ trốn. Hành vi dùng vũ lực của D diễn ra quyết liệt với mục đích chiếm đoạt bằng được tài sản của bà L là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS. Do vậy, cần truy tố, xét xử D về hai tội là tội cướp tài sản và tội giết người.

Tác giả không nhất trí với quan điểm thứ hai cho rằng D không phạm tội, hành vi dùng vũ lực là nhằm tẩu thoát.

Theo hướng dẫn tại Mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về tình tiết “Hành hung để tẩu thoát” của tội trộm cắp tài sản như sau: Khi áp dụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (điểm đ khoản 2 Điều 136điểm a khoản 2 Điều 137điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS) cần chú ý:

6.1. Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.

6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.

Thông tư liên tịch trên đã hết hiệu lực thi hành, tuy nhiên có thể áp dụng tinh thần của thông tư để giải quyết trong một số trường hợp nhất định. Căn cứ quy định của thông tư, hành vi của D không thỏa mãn tình tiết dùng vũ lực để tẩu thoát. Bởi lẽ, khi nghe thấy tiếng động phát ra từ phòng bà L, sợ bị bà L phát hiện là xuất phát từ ý thức chủ quan của L. Theo nội dung vụ án đưa ra, không có tình tiết bà L phát hiện ra D đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của mình dẫn đến việc D hành hung bà L để tẩu thoát. Hơn nữa, giả sử có bị bà L phát hiện mà D đã ngay tức khắc dùng dao đâm nhiều nhát vào người bà L với mục đích chiếm đoạt bằng được tài sản của bà L cũng đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.

PHÙNG HOÀNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1)

TAND tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội Giết người, Cướp tài sản - Ảnh: Đỗ Mạnh Dũng.