Lê Trung A phạm tội Giả mạo trong công tác
Sau khi nghiên cứu bài viết "Lê Trung A phạm tội gì?" của tác giả Vũ Văn Hoàng, đăng ngày 14/3/2022, tôi đồng ý với quan điểm Lê Trung A phạm tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS năm 2015.
Khoản 1 Điều 359 BLHS quy định về hành vi giả mạo trong công tác như sau: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”.
Căn cứ quy định trên và xem xét nội dung vụ án ta thấy:
Thứ nhất, về mặt chủ thể
Người phạm tội giả mạo trong công tác là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm, cấp giấy tờ giả hoặc để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác. Hành vi phạm tội của người này là “trong công tác”, tức là hành vi phạm tội thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người phạm tội.
Lê Trung A, Giám đốc phòng khám đa khoa B (chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện X, được Sở Y tế thành phố cấp giấy phép hoạt động) là người có thẩm quyền ký xác nhận lên các giấy khám sức khỏe thể hiện giá trị của các giấy khám sức khỏe.
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe, thì Giấy khám sức khỏe do phòng khám đa khoa B cấp cho người không đến khám sức khỏe thực tế (dù có chữ ký, con dấu của các bác sĩ và phòng khám là thật) đã vi phạm quy định về thủ tục khám sức khỏe, và là giấy khám sức khỏe giả.
Thứ hai, về hành vi khách quan
Ông A đã có hành vi lợi dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cấp giấy khám sức khỏe giả cho khách hàng (khách hàng chỉ cần đưa thông tin, ảnh chân dung của khách hàng chứ không cần thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu).
Dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chính là cơ sở để phân biệt tội Giả mạo trong công tác và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” (theo quan điểm thứ hai). Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo; nếu không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thực hiện được hành vi phạm tội. Trong tình huống này, nếu ông A không phải là Giám đốc phòng khám đa khoa B, không có thẩm quyền ký và cấp giấy khám sức khỏe cho khách hàng thì không thực hiện được việc làm, cấp giấy khám sức khỏe giả (Giấy khám sức khỏe giả nhưng có chữ ký, con dấu của các bác sĩ và phòng khám là thật). Do đó, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng A tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Mặt khác, tôi cũng không đồng ý với quan điểm A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT thì thẩm quyền cấp Giấy khám sức khỏe là của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện việc khám sức khỏe. Vì thế, theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thì hành vi “Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu” bị xử phạt vi phạm hành chính và đối tượng bị xử phạt chính là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thẩm quyền cấp Giấy khám sức khỏe mà chỉ có thẩm quyền ký xác nhận lên Giấy khám sức khỏe đó. Như vậy, trong tình huống trên Phòng khám đa khoa B (chi nhánh Công ty cổ phần Bệnh viện X) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính còn ông Lê Trung A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối hành vi phạm tội của mình.
Thứ ba, về lỗi và động cơ
Lê Trung A thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. A biết được việc cấp giấy khám sức khỏe giả, được sử dụng để đi xin việc, thấy trước được hậu quả của hành vi của mình, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ phạm tội của A là vì động cơ vụ lợi, mỗi giấy khám sức khỏe giả thu lợi với giá 300.000 vnđ/ giấy khám sức khỏe.
Như vậy, có cơ sở để xác định Lê Trung A phạm tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS năm 2015.
Trên đây quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các độc giả và đồng nghiệp.
Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ án giả mạo trong công tác - Ảnh: NV
Bài liên quan
-
Các số điện thoại gọi xưng danh đơn vị thuộc Bộ TT&TT nhưng không hiển thị tên định danh là giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo
-
Dùng thiết bị giả mạo trạm phát BTS để xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông
-
Phát hiện gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội giả mạo lực lượng Công an nhân dân
-
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận