Lê Văn Th phạm tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS là hợp lý
Qua nghiên cứu nội dung bài viết Lê Văn Th phạm tội gì? của tác giả Nguyễn Tuấn Tú đăng trên Tạp chí Tòa án online ngày 17/7/2018. Tôi cho rằng, theo chế định đồng phạm thì Lê Văn Th phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS năm 1999 với vai trò là người xúi giục còn V và P phải chịu trách nhiệm với hành vi vượt quá về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS năm 1999.
Theo quy định tại Điều 20 BLHS thì Đồng phạm “là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm”. Những người tham gia thực hiện có cùng chung hành động. Có nghĩa là: Tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực chung của một số người; hành động của mỗi người là điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của người khác, là một khâu quan trọng trong sự hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm hay nói cách khác, là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Mối quan hệ nhân quả có thể mang tính chất trực tiếp như cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội… Hoặc có thể biểu hiện thông qua nhận thức của người thực hiện hành vi như: Xúi giục người thực hành phạm tội, giúp đỡ họ thực hiện tội phạm.
Trở lại với nội dung vụ án, qua sự việc ông H bị đánh, Th, V và P đã gặp nhau ở quán nhậu, V nói với P “Lát nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông Q”. Th nói “nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Rõ ràng, ở đây đã có sự thống nhất về lý trí ban đầu đó là sẽ đánh ông Q (cố ý gây thương tích cho ông Q) để trả thù .
Trong vụ án này, với vai trò là người xúi giục Th không trực tiếp đi đánh ông Q nhưng Th là người trực tiếp gọi điện thoại báo cho V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc nhậu, Th nói “Ba bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau” điều này đã tác động đến tư tưởng, ý chí của V, thúc đẩy V nảy sinh ý định đi đánh ông Q để trả thù. Hơn nữa, Th cũng chính là người đưa địa chỉ nhà ông Q và đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V biết. Tuy nhiên, Th đã nói với P và V “ nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Rõ ràng ở đây có sự giới hạn nhất định, mục đích đánh “dằn mặt” là chỉ như là sự cảnh cáo chứ không nhằm mục đích tước đi tính mạng của ông Q.
Đối với P và V, lúc ở quán nhậu khi nghe Th nói chỉ đánh dằn mặt thôi cả hai không có ý kiến gì chứng tỏ họ đồng tình với ý kiến của Th là chỉ đánh để cánh cáo thôi chứ không nhằm mục đích tước đi tính mạng của ông Q. Tuy nhiên, với việc sử dụng mã tấu có hình răng cưa (đây được coi là dùng hung khí nguy hiểm); có hành vi chém vào những vị trí như đầu, mặt, lưng (đây là vị trí xung yếu trên cơ thể con người); với mức độ nhanh, mạnh (chém liên tiếp) thì hành vi của P và V đã cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS 1999. Đây chính là hành vi vượt quá của P và V với vai trò là người thực hành.
Bộ luật hình sự năm 1999 chưa quy định về hành vi vượt quá của người thực hành trong đồng phạm (điều này đã được BLHS năm 2015 bổ sung). Tuy nhiên, cần căn cứ vào các yếu tố cấu thành để xác định tội phạm một cách chính xác, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Với những phân tích trên về cấu thành tội phạm cũng như chế định đồng phạm vận dụng vào nội dung vụ án, tôi cho rằng quan điểm Lê Văn Th phạm tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS là hợp lý.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận