Lê Văn Th phạm tội gì?

Th nói "đánh dằn mặt thôi nhé" nhưng V lại dùng mã tấu hành hung khiến nạn nhân bị thương tật 61%. V bị kết luận phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS 1999, còn Th phạm tội Giết người hay Cố ý gây thương tích?

Khoảng 8 giờ ngày 13/3/2014, ông Lê Văn H và con trai là Lê Văn Th lái xe ô tô hiệu Ford đi ăn sáng. Khi đỗ xe tại quán cà phê Mai thuộc thị xã M tỉnh H, do không để ý nên khi đỗ xe ông H chạm nhẹ vào đuôi xe ô tô Camry đã đỗ trước của ông Q. Ông Q chạy ra, hai bên lời qua tiếng lại, ông Q đã đấm ông H khiến ông H xây xát nhẹ ở mặt, chủ quán cà phê Mai ra can ngăn, dàn hòa nên sự việc xô xát, cãi vã đã chấm dứt. Thấy bố bị đánh, Th gọi điện báo cho V (là con rể của ông H) báo “Ba bị ông Q đánh đau”. Khi nghe tin, V đi rủ P để cùng đi đánh ông H. Khi đi, V và P lấy ở nhà P hai cây mã tấu, bỏ vào túi vợt cầu lông rồi mang theo. Khoảng 16 giờ ngày 19/3/2014, V chở P đến quán nhậu, gọi điện cho Th đến nhậu cùng. Tại quán nhậu, Th nói với V “Ba bị ông Q đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau. V hỏi Th địa chỉ nhà ông Q và đặc điểm nhận dạng ông Q. Nghe Th nói xong, V nói với P “Tý nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông Q”, Th nói với V: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Sau đó, Th về trước, V và P vẫn tiếp tục nhậu.

Sau khi nhậu xong, V nói với P “Bây giờ tao với mày đi đánh ông Q, người dân ra thì mày chặn lại”, P đồng ý và lên xe máy để V chở đến nhà ông Q. Sau khi chạy lòng vòng quanh nhà ông Q, lấy vải nilon che biển số xe rồi V và P đến phía ngoài nhà ông Q đứng đợi. Đến khoảng 19 giờ, khi V chở P vòng xe quay lại đến trước nhà ông Q thì thấy ông Q đang cúi người mở cổng. V dừng xe, mở túi vợt cầu lông lấy ra cây mã tấu có lưỡi hình răng cưa rồi chạy đến chém liên tiếp vào đầu, mặt, lưng, chân và tay ông Q làm ông Q bị ngã gục xuống đất. Do nhiều người dân xung quanh nhìn thấy hô hoán và chạy đến nên P cầm mã tấu đe dọa, ngăn chặn, tạo điều kiện cho V chạy đến chỗ để xe máy và tẩu thoát. Khi đã thoát ra quốc lộ, V gọi điện thoại cho Th hỏi về tình trạng thương tích của ông Q. Th hỏi lại V “Thế em có chém ông Q không? Ông Q đi Bệnh viện rồi”. Ông Q được người dân đưa cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện, 5 ngày sau thì được ra viện.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm giám định Pháp y tỉnh H kết luận: Ông Q bị đa vết thương phần mềm vùng đầu, vai trái khủy tay trái, đùi trái, mặt, để lại sẹo; đứt gần lìa bàn 1 tay trái; tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%.

Tòa án nhân dân tỉnh H đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; Điều 18; khoản 3 Điều 52; điểm b,p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 xử phạt V 13 năm tù, P 12 năm tù về tội: “Giết người”. Áp dụng khoản 2 Điều 93; Điều 18; khoản 3 Điều 52; điểm b,p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999, xử phạt Th 07 năm tù về tội: “Giết người”.

Bản án nói trên đã có hiệu lực pháp luật. Trong vụ án này, việc Tòa án kết tội V và P phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ” thì không ai có ý kiến khác. Bởi vì, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa ông H và ông Q mà V và P đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên hành vi phạm tội của V và P thuộc trường hợp phạm tội giết người với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ” là phù hợp, tuy nhiên, đối với Th thì sau khi Tòa xử xong vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tội danh và hình phạt

Quan điểm 1: Th phạm tội giết người, bởi lẽ Th là người trực tiếp gọi điện thoại báo cho V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc ăn nhậu cùng V và P vào tối ngày 19/01/2015, biết V và P có ý định đi đánh ông Q để trả thù, Th nói “Ba bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”, đã củng cố ý thức và quyết tâm của V trong việc đi đánh ông Q. Th cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và Th biết để V và P có thể thực hiện hành vi đánh ông Q. Khi nghe V và P bàn bạc kế hoạch đi đánh ông Q, Th không can ngăn mà nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông Q. Sau đó, Th bỏ về trước. V đã dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay ông Q làm ông Q gục ngay tại chỗ. Do mọi người can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Q không chết. Sau khi chém ông Q, V đã gọi điện thoại cho Th để hỏi về thương tích của ông Q. Mặc dù, Th không biết trước việc V dùng mã tấu chém liên tiếp vào những vùng trọng yếu trên cơ thể ông Q, nhưng Th đã thống nhất ý chí với V và P trong việc đánh ông Q, chấp nhận hậu quả xảy ra. Do đó, Tòa án kết án Th đồng phạm với V và P về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS 1999 là có căn cứ.

Quan điểm 2: Mặc dù là người gọi điện báo cho V biết bố của Th và V bị ông Q đánh, Th cũng là người chỉ đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và P và biết V và P sẽ đi đánh ông Q. Tuy nhiên Th đã nói rõ với V và P là “chỉ nên đánh dằn mặt thôi” “dằn mặt” ở đây có nghĩa là có sự giới hạn nhất định, nó mang ý nghĩa như là sự cảnh cáo. Việc V và P sử dụng mã tấu chém vào đầu, mặt ông Q là hành vi vượt quá ý chí của Th, do Th không biết V và P mang mã tấu đi chém ông Q nên Th không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá đó. Th biết V và P sẽ đánh ông Q và đánh ở mức độ “dằn mặt” lại ông Q vì ông đã đánh ông H bố Th, nên Th phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả thực tế xảy ra đối với ông Q, do đó Th chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999.

Tác giả nhất trí với quan điểm 1, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đọc giả của Tạp chí TAND điện tử.

NGUYỄN TUẤN TÚ