Lợi ích của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong tương quan so sánh với tố tụng
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2021, đã tạo ra một cơ chế hòa giải, đối thoại mới để người dân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án. Vậy tại sao các bên tranh chấp, khiếu kiện lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại mới? Bài viết này phân tích những lợi ích của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong tương quan so sánh với tố tụng.
1. Tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên
Trước hết, phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc được ghi nhận là một nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án[1]. Sự linh hoạt trong thủ tục giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên, thể hiện ở những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, các bên có quyền lựa chọn Hòa giải viên cho vụ việc của mình
Các bên có quyền lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh[2]. Quyền lựa chọn Hòa giải viên đã tăng thêm sự chủ động và sự tin tưởng vào Hòa giải viên của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, làm tăng cơ hội hòa giải thành, đối thoại thành.
Trong tố tụng: Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên[3]. Như vậy, trong tố tụng, các bên không có quyền lựa chọn Thẩm phán giải quyết cho vụ việc của mình.
Thứ hai, các bên có thể chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải, đối thoại phù hợp
Hòa giải viên có thể gặp gỡ các bên trong giờ hành chính hoặc ngoài giờ hành chính, tại trụ sở hoặc ngoài trụ sở Tòa án phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu của các bên. Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên[4]. Riêng phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại thì tổ chức tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, có sự tham gia của Thẩm phán[5].
Trong tố tụng: Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án theo quy định[6]. Như vậy, địa điểm tổ chức phiên tòa do Tòa án quyết định và các bên không có quyền lựa chọn.
Thứ ba, hòa giải, đối thoại được tiến hành nhanh chóng và dành quyền chủ động cho các bên
Theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thời gian từ lúc Tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến lúc chỉ định Hòa giải viên là khoảng 15 ngày. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày; các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng. Như vậy, tổng thời gian giải quyết trung bình của một vụ việc thông qua hòa giải, đối thoại là khoảng 1,5 tháng. Việc kéo dài thời gian chỉ trong trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất yêu cầu. Các bên cũng có quyền chấm dứt việc hòa giải, đối thoại vào bất cứ lúc nào[7].
Ngoài ra, thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật này không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng[8].
Trong tố tụng, thời hạn giải quyết trung bình đối với một vụ án dân sự, hành chính là khoảng 07 tháng (từ khi Tòa án nhận đơn đến khi ban hành bản án sơ thẩm), nếu vụ việc được xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm thì thời gian giải quyết vụ án còn dài hơn nữa.
Như vậy, chỉ so sánh với riêng thủ tục xét xử sơ thẩm trong tố tụng thì hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã tiết kiệm được gần 80% thời gian cho các bên.
2. Tiết kiệm chi phí
Nhà nước khuyến khích hòa giải, đối thoại nên rất tiết kiệm chi phí cho các bên. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây[9]:
- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án là 2.000.000 đồng/1 vụ việc[10].
- Các chi phí khác, bao gồm: chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Các chi phí này phát sinh trong một số ít trường hợp theo thực tế và lựa chọn của các bên.
Như vậy, trong phần lớn các vụ việc được hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các bên không phải chịu chi phí thủ tục. Mặt khác, việc tiết kiệm thời gian, công sức cũng là tiết kiệm chi phí cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Trong tố tụng: các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đều phải chịu án phí, lệ phí từ 300.000 đồng trở lên, án phí kinh doanh, thương mại là từ 3 triệu đồng trở lên. Tùy giá trị tranh chấp mà án phí có thể được cộng thêm với 0,1 – 5% giá trị tranh chấp. Do đó, án phí dân sự, kinh doanh thương mại có thể lên tới hàng tỉ đồng nếu giá trị tranh chấp lớn[11].
Có thể thấy, lựa chọn hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên tiết kiệm được hầu hết các chi phí so với tố tụng. Điều này xuất phát từ cơ chế linh hoạt, nhanh gọn của hòa giải, đối thoại, cũng như sự khuyến khích của Nhà nước để phát huy vai trò, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại và xã hội nói chung.
3. Bảo mật thông tin cho các bên
Về nguyên tắc, các thông tin trong hòa giải, đối thoại được bảo mật: Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của các bên. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép[12].
Nguyên tắc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại xuất phát từ bản chất của hòa giải, đối thoại là dành quyền tự quyết, tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên đóng vai trò trợ giúp cho các bên như phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất. Cũng từ sự bảo mật thông tin giúp các bên có thể cởi mở, bày tỏ tất cả những tâm tư, nguyện vọng để cảm thông, chia sẻ với nhau. Đây là chìa khóa cho hòa giải thành, đối thoại thành và là ưu việt lớn của hòa giải, đối thoại so với phương thức giải quyết công khai theo tố tụng dân sự, hành chính[13].
4. Hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên
Với sự hỗ trợ của Hòa giải viên giàu tâm huyết và năng lực, các bên có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác… Đặc biệt, trong hòa giải tranh chấp hôn nhân và gia đình, trường hợp đoàn tụ thành đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình; trường hợp thuận tình ly hôn cũng giúp các bên giữ được hòa khí, vợ chồng thống nhất được người nuôi con, phương thức nuôi dạy con phù hợp và cùng hỗ trợ hợp tác trong việc nuôi con sau ly hôn. Đây là ý nghĩa rất lớn của hòa giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường tố tụng không có được.
Ngay cả trong trường hợp hòa giải, đối thoại không thành thì thông qua hòa giải, đối thoại, các bên đã được Hòa giải viên giải thích quyền và nghĩa vụ, các bên đã hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia tố tụng một cách tích cực và hiệu quả hơn.
5. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận và có hiệu quả thi hành cao
Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận bằng thủ tục nhanh gọn và có giá trị thi hành như bản án khi có yêu cầu của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án[14]. Các bên không phải trả lệ phí cho thủ tục xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Thực tiễn thí điểm cho thấy, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại thường được các bên tự nguyện thi hành, thậm chí là thi hành ngay tại phiên hòa giải do các bên tự thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Trong tố tụng, bên phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành bản án. Hàng năm, cơ quan thi hành án giải quyết được khoảng 60% so với tổng số phải thi hành. Số bản án không có điều kiện thi hành án chiếm khoảng hơn 20%[15].
Như vậy, việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thường nhanh chóng và hiệu quả cao hơn so với việc thi hành bản án của Tòa án.
Kết luận
Giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng. Các bên nên lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tạo điều kiện cho mình cũng như các bên trong tranh chấp, khiếu kiện tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện nếu thực sự mong muốn có được kết quả hài hòa lợi ích các bên./.
[1] Khoản 6 Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[2] Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[3] Điều 197 Bộ luật Tố tụng, Điều 127 Luật Tố tụng hành chính.
[4] Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[5] Khoản 2 Điều 27, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[6] Điều 223 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 150 Luật Tố tụng hành chính.
[7] Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[8] Khoản 9 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[9] Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[10] Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03-3-2021 quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.
[11] Danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016.
[12] Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[13] Nguyên tắc xét xử công khai được quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 16 Luật Tố tụng Hành chính.
[14] Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được quy định tại các điều từ 32 đến 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[15] Xem Báo cáo thống kê của Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp tại https://thads.moj.gov.vn/noidung/thongbao/Lists/BaoCaoThongKeTongCuc/View_Detail.aspx, truy cập ngày 25-4-2021.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận