Luật Cán bộ, công chức 2025- chính thức đưa vào luật quy định về cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, nhiều quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 có hiệu lực thi hành (trừ quy định về đánh giá công chức tại Mục 3 Chương IV có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2026).

 Chính sách trọng dụng nhân tài (Cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ)

Có thể nói chính sách thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ là chính sách nổi bật nhất của Luật Cán bộ, công chức 2025. Lần đầu tiên đưa vào luật quy định cụ thể về cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài, đây là điểm mới nổi bật, phản ánh tinh thần đổi mới về nhân sự trong cơ quan Nhà nước.

Tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định về cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ nêu rõ:

- Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị, hiệu quả cao cho tổ chức, ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước hoặc địa phương.

- Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

- Căn cứ vào quy định của Chính phủ và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chiến lược, trọng tâm của quốc gia, địa phương, người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan trung ương hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xác định ngành, lĩnh vực cần ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn và quyết định chính sách đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức.

- Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương được huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chính sách.

Trước đây, Luật số 22/2008/QH12 và Luật sửa đổi 52/2019/QH14 không có điều khoản riêng về cơ chế trọng dụng người tài mà chỉ đề cập rất chung về “chính sách ưu đãi trong tuyển dụng”.

Cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2025

Đây là một điểm mới nổi bật có trong Luật Cán bộ, công chức năm 2025, theo Luật cũ thì không có quy định này.

Bỏ quy định thi nâng ngạch bằng cơ chế bố trí vào vị trí việc làm

Theo Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (hết hiệu lực từ 1/7/2025) quy định:

- Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

- Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

- Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.

Theo Điều 20 Luật Cán bộ, công chức năm 2025 quy định: 

Việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua các phương thức sau đây: Thi tuyển; Xét tuyển đối với một số nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ.

- Ngoài việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận vào làm công chức đối với các đối tượng sau đây:

+ Chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc được thu hút vào làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;

+ Người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, đang là viên chức, người hưởng lương trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tổ chức cơ yếu mà không phải là công chức và các trường hợp khác đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

- Cơ quan quản lý công chức thực hiện tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan sử dụng công chức thực hiện.

- Người được tuyển dụng được bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Ngạch công chức và việc xếp ngạch công chức

Theo Điều 24 Luật Cán bộ, công chức năm 2025 quy định:

-Việc xếp ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Người được tuyển dụng vào vị trí việc làm;

+ Công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bố trí vào vị trí việc làm mà vị trí việc làm đó được xếp ngạch công chức tương ứng khác với ngạch công chức đang giữ.

Như vậy, theo quy định Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã bỏ quy định về thi nâng ngạch, mà thay vào đó sẽ bố trí vào vị trí việc làm mà vị trí việc làm.

Ngoài ra, tại Điều 18 Luật Cán bộ, công chức năm 2025 quy định: Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Quản lý theo vị trí việc làm

Theo khoản 2 Điều 23 Luật Cán bộ công chức năm 2025 quy định như sau:

Phân loại vị trí việc làm gồm 03 loại

- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;

- Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ;

- Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Ngoài ra, căn cứ xác định vị trí việc làm như sau:

- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức;

- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ;

- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Luật Cán bộ, công chức năm 2025 gồm 45 Điều. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 7 năm 2027, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng trước 1/7/2025, tức là ngày Luật Cán bộ, công chức năm 2025 có hiệu lực thi hành.

NGỌC CHI