Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm xem xét sửa đổi
Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam (LHHVN) và Hội chăn nuôi Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, thú y, thủy sản…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch LHHVN cho rằng: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật gốc có tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến vấn đề đảm bảo chất lương, an toàn và thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt nam.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch LHHVN phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh Quang Thành)
Hai luật này được Bộ KH&CN xây dựng và Quốc hội thông qua từ năm 2006 đối với Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và năm 2007 với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đến nay đã gần 20 năm, nên đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung mà Quốc hội đã đưa vào chương trình các Luật sửa đổi trong năm 2024-2025.
“Để thống nhất các ý kiến, kiến nghị với cơ quan soạn thảo và Quốc hội những vấn đề tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội thảo về nội dung “Một số tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.
Chủ tịch LHHVN mong rằng, với sự tham gia của các quý đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có nhiều kinh nghiệm, sẽ giúp Hội thảo chỉ ra được những ý kiến, kiến nghị tốt nhất, hiến kế cho cơ quan soạn thảo và Quốc hội sớm hoàn thiện thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi phù hợp nhất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tại hội thảo TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng rãi, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật phải có tính khoa học cao, tính quy phạm và đại diện cao, hạn chế thấp nhất vấn đề để các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành lạm dụng làm mất đi tính nhất thể hóa, là sức mạnh tổng hợp trong sản xuất sản phẩm hàng hóa của mỗi quốc gia và gây ra những phiền hà không đáng có cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng chủ trì Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu . (Ảnh Quang Thành)
“Muốn vậy, Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng 2 luật này phải xác định đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Cùng với đó, phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ những tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ tới của phát triển và hội nhập. Đồng thời, cần có sự nghiên cứu, tham khảo thật sự nghiêm túc những quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa của các nước phát triển, các nước có tiềm năng thị trường với Việt Nam để vận dụng. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng rất cần sự khách quan và tranh thủ rộng rãi ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong, ngoài nước, nhất là các hiệp hội ngành hàng”, TS Nguyễn Xuân Dương nêu giải pháp để khắc phục những bất cập và hoàn thiện hơn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy sản xuất và hàng hóa phát triển.
Trình bày tham luận tại Hội thảo lần này, TS Nguyễn Văn Tuế, Phó chủ tịch Hiệp Hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam đề nghị trong thời gian chờ các Luật được sửa đổi ban hành, Bộ NN&PTNT cần rà soát lại các QCVN về thức ăn chăn nuôi, xem xét các chỉ tiêu kỹ thuật trong QCVN về thức ăn chăn nuôi có còn phù hợp không? Trong hơn 10 năm thực hiện có chỉ tiêu nào không bao giờ vượt mức quy định trong QCVN (không có nguy cơ) thì bở bớt các chỉ tiêu đó và có thể bổ sung những chỉ tiêu mới có nguy cơ hơn vào quy chuẩn để quy định có hiệu quả hơn.
Đồng thời bỏ quy định công bố hợp quy trong quy chuẩn thức ăn chăn nuôi cho tương đồng với quy định quản lý chất cấm tại Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT và QCVN trong lĩnh vực thực phẩm (ví dụ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1/2024/BYT về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế ban hành năm 2024, trong đó không quy định sản phẩm phải công bố hợp quy).
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thú y, thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi,… (Ảnh Quang Thành)
Phân tích những bất cập của Luật Chất lượng hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh lĩnh vực thuốc thú y, TS Nguyễn Thị Hương, Phó chủ tịch Hiệp Hội sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho biết, hiện nay, các nhà máy sản xuất và bảo quản thuốc thú y được đầu tư theo tiêu chuẩn rất hiện đại và sản phẩm được kiểm soát chất lượng hết sức chặt chẽ.
Tuy nhiên, nếu làm theo hợp quy nữa, tức là thuốc thú y có thêm một cái “giấy phép con” thì cũng mất rất nhiều chi phí. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng giá thành sản phẩm và người nông dân, người chăn nuôi lại phải chịu.
“Thuốc thú y cũng được nhập khẩu từ nhiều nước nhưng không nước nào có quy định hợp quy. Chúng tôi cũng xuất khẩu thuốc thú y đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng cũng không quốc gia nào yêu cầu chứng nhận hợp quy cả. Chỉ cần chúng tôi có giấy phép lưu hành và nhà máy sản xuất của chúng tôi đạt điều kiện trong quá trình kiểm tra của họ là được. Đề nghị trong Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật thì những sản phẩm nào đã sản xuất theo tiêu chuẩn của ngành thì đừng bắt buộc phải làm công bố hợp quy còn nếu tiêu chuẩn của ngành chưa có thì mới phải công bố”, TS Hương đề nghị.
Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo về vấn đề công bố hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, bà Lê Thị Phương Hoa, đại diện Tập đoàn Cargill cho biết phía đơn vị cũng đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN. Thậm chí cũng đã từng nêu vấn đề này trong cuộc họp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Tháng 7/2024, Cargill với vai trò là Chủ tịch của Ủy ban Nông nghiệp và thực phẩm của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean đã tham dự phái đoàn các doanh nghiệp Mỹ gặp các Bộ thì phía bên Bộ NN&PTNT cho biết quy định hợp quy là do Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quy định nên phải thực hiện. Tuy nhiên, Bộ KHCN lại khẳng định việc này áp dụng theo các Luật chuyên ngành vì Luật chăn nuôi, Luật Thủy sản cũng đã nói rất rõ là các sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản là phải công bố hợp quy. Thế nên các Luật phải đồng bộ với nhau.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh Quang Thành)
“Để tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế thì cần phải tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục. Yêu cầu công bố hợp quy chỉ có Việt Nam, các nước khác họ không cần. Vì điều đó khiến cho hàng hóa của chúng ta rất chậm trễ. Cargill không sợ cạnh tranh với các đối thủ khác nhưng lại sợ cạnh tranh trong chính nội bộ vì chúng tôi là tập đoàn gồm nhiều công ty sản xuất 1 mặt hàng như nhau nhưng nằm ở nhiều quốc gia. Nhưng khi làm thủ tục để xuất khẩu sản phẩm thì lại phải qua bước thủ tục công bố hợp quy rất mất thời gian có khi lên đến 3 hoặc 4 tháng và nhà máy Cargill tại Trung Quốc lại chiếm được đơn hàng của chúng tôi do thủ tục của họ rất nhanh gọn nên chúng ta mất đi lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, tôi mong các Hiệp Hội có ý kiến giúp cho các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, đại diện Tập đoàn Cargill kiến nghị.
Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong vấn đề công bố sản phẩm hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, PGS TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng việc áp dụng tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm là cần thiết nhưng các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm dán nhãn sản phẩm chứ đừng yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái và khâu hậu kiểm là cực kỳ quan trọng.
Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại toàn bộ các quy chuẩn, quy phạm trong lĩnh vực này xem có gì chồng chéo thì loại bỏ đi để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mà vẫn phải quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp, Chủ tịch LHHVN tái khẳng định cần thiết phải sửa đổi những quy định không phù hợp tại các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, thậm chí có thể đưa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thành một chương của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. TSKH Phan Xuân Dũng cũng yêu cầu các Hội, Hiệp hội cần sớm tập hợp các ý kiến, kiến nghị để LHHVN trình các cơ quan liên quan, sớm có những thay đổi tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận