Luật và chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 năm 2025

Từ 01/4/2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã chính thức có hiệu lực thi hành. Cùng với đó là một số chính sách mới liên quan đến dự án nhà ở, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có hiệu lực từ 1/4/2025

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có 09 Chương và 72 Điều 9 (giảm 08 Chương và 101 Điều so với Luật 2015) quy định ngắn gọn hơn, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Luật tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch… tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Sáng ngày 19/2/2025, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với tỷ lệ 96,03% 

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã. Do đó, kể từ ngày 1/4, HĐND cấp xã và UBND cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời thay đổi 01 hình thức từ Quyết định Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành sang hình thức Thông tư. Theo đó, Luật mới có 25 hình thức văn bản quy phạm pháp luật (giảm 01 hình thức) và do 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 02 chủ thể) so với hiện hành.  Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước và quy định giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Chính phủ.

Luật đã quy định đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa mang tính linh hoạt cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, tách quy trình làm chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm. Phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật; bổ sung quy định về tổ chức thi hành luật.

Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận

Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất có hiệu lực từ 01-4. Trong đó quy định việc tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện:

1. Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt;

2. Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua;

3. Có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.

Nghị định số 44/2025/NĐ-CP về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước

Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, ngày 28-2-2025 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.

Nghị định 44 xác định lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên phát triển…

Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông. Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của thành viên hội đồng, kiểm soát viên với tiền lương của ban điều hành.

Nghị định quy định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định nhưng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.

Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 quy định về phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước

Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Nghị quyết quy định nguyên tắc phân bổ gồm: Tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách, giảm các thủ tục hành chính; ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng giao thông, kết nối vùng, chuyển đổi số, năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bố.

Thứ tự phân bố vốn được xác định như sau: Dự án đầu tư công khẩn cấp; chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; hoàn trả vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng; dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn; chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế; dự án PPP theo quy định về đầu tư đối tác công tư.

Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026-2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bố vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm

Nghị định số 60/2025/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.

Về phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP quy định: Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên.

 Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương.

Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên được xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và Nghị định số 60/2025/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy

Nghị định số 23/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy và có hiệu lực từ ngày 10/4/2025.

Nghị định quy định rõ các loại chứng thư chữ ký và nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.

Theo nghị định, chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.

TRIỆU HỒ