Ly hôn với một bên đang bị truy nã
Ly hôn với một bên đang bị truy nã có thuộc trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật không? Và trường hợp khi một bên vợ hoặc chồng đang bị truy nã mà bên còn lại xin ly hôn thì việc giải quyết ly hôn như thế nào?
1.Các ý kiến khác nhau về giải quyết ly hôn với một bên đang bị truy nã
Vấn đề giải quyết ly hôn với một bên đang bị truy nã, hiện nay đang có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) 2014 không có quy định cụ thể thủ tục giải quyết cũng như căn cứ cho ly hôn đối với trường hợp có một bên đang bị truy nã. Do đó, khi một bên vợ/chồng xin ly hôn với bên chồng/vợ đang bị truy nã thì trước khi giải quyết ly hôn, phải thực hiện tuyên bố một người mất tích.
Trường hợp quá thời hạn 02 năm, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã, bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị truy nã mất tích theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.
Khoản 1 Điều 68 BLDS 2015 quy định: “Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích”.
Sau khi quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực pháp luật thì bên còn lại khởi kiện yêu cầu ly hôn theo quy định tại điều 51 LHNGĐ 2014 và Tòa án áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật HNGĐ 2014 để giải quyết, cụ thể là: “2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” .
Quan điểm thứ hai cho rằng: Do người bị truy nã không còn ở tại địa phương và không xác định được địa chỉ của họ, do đó, căn cứ đoạn thứ 3 điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, Tòa án trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý giải quyết với lý do không có địa chỉ của bị đơn[1]; trường hợp đã thụ lý thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015[2]. Việc giải quyết ly hôn chỉ có thể giải quyết được khi người bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt.
Theo tác giả, cả hai quan điểm nêu trên đều không đúng. Bởi lẽ, “truy nã” là việc cơ quan có thẩm quyền quyết định truy tìm tung tích, bắt giam trở lại đối với người vi phạm pháp luật hình sự (bị can, bị cáo, bị án) bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả[3]. Mặc dù, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thế nào là “biệt tích” nhưng có thể hiểu “biệt tích” trong chế định tuyên bố một người mất tích là yếu tố khách quan và người biệt tích không cố ý bỏ trốn, lẩn tránh, còn truy nã là trường hợp người phạm tội (bị can, bị cáo, bị án) cố tình lẩn trốn, hoàn toàn do ý chí chủ quan của họ.
Theo Điều 68 BLDS 2015, thời hạn biệt tích 2 năm trong tuyên bố một người mất tích được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Trong khi đó, Điều 27 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định: “Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”. Điều này có nghĩa là, thời gian họ trốn tránh và bị truy nã không được trừ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, không thể xem thời gian đã truy nã như căn cứ “đã biệt tích 02 năm” để tuyên bố người đó là mất tích và giải quyết ly hôn như quan điểm thứ nhất được.
Thực tiễn xét xử, Tòa án không tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết trong trường hợp người đó đang bị truy nã hoặc Tòa án có tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết trong trường hợp người đó đang bị truy nã thì quyết định của Tòa án cũng bị kháng nghị, bị Tòa án cấp trên hủy vì lý do người đó đang bị truy nã[4].
Mặt khác, có thể thấy ly hôn là một trong các quyền cơ bản của quyền con người. Quyền này được quy định tại khoản 1 Điều 36 Hiến pháp năm 2013 như sau: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn…”. Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, khoản 1 Điều 39 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn,…”; khoản 1 Điều 51 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Với quy định này, quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền ly hôn nói riêng chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật và việc hạn chế đó phải là trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Khoản 2 Điều 51 LHNGĐ 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Với quy định này của Luật HNGĐ 2014 thì người chồng không có quyền khởi kiện xin ly hôn trong các trường hợp: Vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong các trường hợp này, nếu người chồng nộp đơn khởi kiện xin ly hôn thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015[5].
Từ các quy định nêu trên, có thể khẳng định quyền ly hôn với một bên đang bị truy nã không thuộc trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, không thể có việc một bên đang bị truy nã, bên còn lại không thể ly hôn mà phải chờ tới khi bên bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt mới giải quyết như quan điểm thứ hai được.
Vậy, vấn đề đặt ra là trường hợp khi một bên vợ hoặc chồng đang bị truy nã mà bên còn lại xin ly hôn thì việc giải quyết ly hôn như thế nào?
2.Giải quyết ly hôn với một bên đang bị truy nã
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, pháp luật tố tụng dân sự trước đây cũng như BLTTDS 2015 không quy định thủ tục giải quyết vụ án đối với trường hợp người bị kiện, bị đơn đang bị truy nã. Tuy nhiên:
Đoạn thứ hai điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung”.
Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án dân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiên, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án có hướng dẫn “Về địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” như sau: “3. Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh”.
Như đã nêu ở trên, người bị truy nã là người đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả. Vì vậy, cần xác định, người bị truy nã là người bỏ trốn, cố tình giấu địa chỉ; khi có đơn khởi kiện của bên còn lại xin ly hôn, Tòa án hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại đoạn thứ hai điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Về căn cứ cho ly hôn, Điều 56 Luật HNGĐ 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2.Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3.Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Do đó, theo tác giả, khi giải quyết yêu cầu ly hôn với một bên đang bị truy nã, Tòa án căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ 2014 để giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phân biệt các trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Trước khi bị truy nã, có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn không phụ thuộc vào thời gian đã bị truy nã.
Trường hợp thứ hai: Trước khi bị truy nã, không có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án phải xem xét thời gian đã bị truy nã là bao lâu. Tòa án căn cứ vào việc người bị truy nã đã vi phạm nghĩa vụ chung sống với nhau của vợ, chồng quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật HNGĐ 2014[6] để giải quyết. Theo tác giả, trong trường hợp này nên áp dụng việc xác định thời hạn vi phạm nghĩa vụ chung sống của vợ chồng để cho ly hôn tương tự với thời gian biệt tích trong tuyên bố một người bị mất tích. Nghĩa là Tòa án giải quyết chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn khi thời gian truy nã từ đủ hai năm trở lên.
Ly hôn là quyền cơ bản của con người và việc một bên xin ly hôn đối với bên đang bị truy nã không bị hạn chế theo quy định của luật nhưng lại chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể, rõ ràng về thủ tục giải quyết cũng như căn cứ để giải quyết ly hôn. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
[1] Đoạn thứ 3 điểm e Điều 192 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện”.
[2] Điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định: “g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;”
[3] Xem Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.
[4] Xem bài “Hủy quyết định tuyên đối tượng trong vụ án Tân Trường Sanh đã chết” đăng trên Báo Thanh niên điện tử, link: https://thanhnien.vn/thoi-su/huy-quyet-dinh-tuyen-doi-tuong-trong-vu-an-tan-truong-sanh-da-chet-859029.html
Xem bài “Trốn truy nã mà được Tòa tuyên đã chết – VKSND cấp cao 3 kháng nghị” đăng trên Tạp chí Kiểm sát điện tử, link: http://kiemsat.vn/tron-truy-na-ma-duoc-toa-tuyen-da-chet-8211-vksnd-cap-cao-3-khang-nghi-45229.html
[5] Điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định:
“Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện
Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;”
[6] Khoản 2 Điều 19 Luật HNGĐ 2014 quy định:
“2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
1 Bình luận
Hoàng Anh
07:03 10/01.2025Trả lời