Miễn chấp hành hình phạt – Vướng mắc và đề xuất

Miễn chấp hành hình phạt là không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt mà Tòa án đã tuyên đối với họ. Vấn đề này được quy định tại Điều 62 Bộ luật BLHS 2015, nhưng áp dụng trong thực tế còn có những vướng mắc.

1.Cơ sở pháp lý

Theo quy định tại Điều 62 BLHS 2015, người bị kết án được miễn hình phạt trong trường hợp được đặc xá hoặc đại xá (khoản 1).

Người bị kết án có thể được miễn chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát và Tòa án quyết định nếu:

  • Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt nếu thuộc một trong các trường hợp: Lập công lớn sau khi bị kết án; mắc bệnh hiểm nghèo; chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 2).
  • Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt mà đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 3).
  • Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt và trong thời gian này đã lập công lớn hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 4).
  • Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại được hoặc lập công lớn (khoản 5).
  • Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, khi đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt (khoản 6).

Qua quy định trên, ta có thể thấy ngoài các điều kiện về hình phạt như cải tạo không giam giữ, phạt tù, phạt tiền…, điều kiện về thời gian chấp hành hình phạt… thì trước khi đề nghị miễn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án Viện trưởng Viện kiểm sát phải đánh giá, xem xét các điều kiện sau (thỏa mãn một hoặc hai điều kiện tùy theo quy định của từng khoản):

Thứ nhất, người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo.

Thứ hai, người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Thứ ba, người kết án có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc lâm vào tình cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn.

Thứ tư, người bị kết án lập công lớn.

Thứ năm, người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, cải tạo tốt.

Đây là các điều kiện mà pháp luật quy định nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo và tạo cơ hội cho người phạm tội có cơ hội sớm hòa nhập lại với cộng đồng và rèn luyện bản thân trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, các quy định mang tính định tính này do chưa được nhận thức một cách thống nhất trong thực tiễn áp dụng nên còn tồn tại một số vướng mắc.

2.Một số vướng mắc

Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định miễn chấp hành hình phạt theo BLHS 2015 nên thực tế hiện nay cơ quan có thẩm quyền áp dụng dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP (NQ 01/2007) ngày 02/10/2007 của HĐTP TANDTC về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS (BLHS 1999) về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Theo đó, những vướng mắc còn tồn tại cụ thể như sau:

Một là, xác định trường hợp người bị kết án lập công lớn.

Theo quy định tại mục 2 của NQ 01/2007 thì “Lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã … có những phát  minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Qua quy định trên cho thấy, khái niệm có giá trị ở đây mang tính trừu tượng. Vậy, thế nào là phát minh, sáng kiến có giá trị? Điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền xác nhận và thời gian xác nhận là bao lâu? Những vấn đề này vẫn chưa được các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể nên tạo ra tính tùy nghi khi áp dụng của cơ quan có thẩm quyền xác nhận những phát minh, sáng kiến này. Việc đánh giá có giá trị hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan này. Vì vậy, thực tế áp dụng còn tồn tại nhiều sai sót chủ quan trong quá trình nhận xét, đánh giá người bị kết án từ đó dẫn đến việc đề nghị người không đủ điều kiện cũng như không đề nghị người có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hai là, xác định trường hợp người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt.

Tại tiểu mục 2.3, mục 2 NQ 01/2007 quy định: “Cải tạo tốt được chứng minh bằng việc chấp hành nghiệm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập” việc xác định người bị kết án có cải tạo tốt hay không phụ thuộc vào sự đánh giá của các cơ quan, tổ chức như chính quyền địa phương, tổ dân phố hoặc công an khu vực. Tuy nhiên, các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ để đánh giá người bị kết án cải tạo tốt hay không còn chưa được phổ cập cũng như nhận thức đồng đều dẫn đến việc đánh giá còn chưa hoàn toàn chính xác. Hơn nữa, trong quy định trên đánh giá như thế nào là thành thực, tích cực cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đánh giá tình tiết này cần chú ý đến thái độ của người bị kết án trong quá trình chấp hành hình phạt, có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và cũng cần đề phòng trường hợp người bị kết án giả vờ thành thực, tích cực để hưởng cơ chế khoan hồng của Nhà nước để rồi tiếp tục phạm tội.

Ba là, xác định các điều kiện kép.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 thì người bị kết án ngoài thỏa mãn các điều kiện cần là lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cần phải thỏa mãn điều kiện đủ là người đó không còn nguy hiểm cho xã hội. Về trường hợp người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo và còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng đánh giá một cách nhanh chóng và chính xác. Ví dụ như căn cứ vào các bệnh lý khiến người bị bệnh không thể tự mình hoạt động được, mọi hoạt động thường nhật phải phụ thuộc vào người thân thì thông qua thực tế nhìn nhận có thể khẳng định rằng người này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, trường hợp người bị kết án lập công lớn thì việc đánh giá người này còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không còn gặp nhiều khó khăn, thực tế hiện nay việc đánh giá chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố niềm tin cộng chính sách nhân đạo để hướng người phạm tội đến một cuộc sống có ích cho xã hội, một công dân gương mẫu.

3.Đề xuất hoàn thiện

Qua các vướng mắc trên, tác giả đưa ra một số đề xuất hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng.

Các vướng mắc nêu trên đều xuất phát từ việc các quy định hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền còn chưa cụ thể dẫn đến áp dụng chưa thống nhất. Theo đó, tác giả đề nghị xây dựng các thông tư liên tịch giữa TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BYT về việc đánh giá người bị mắc bệnh hiểm nghèo, sự phối hợp của các cơ quan trong đánh giá người phạm tội chấp hành tốt pháp luật, cải tạo tốt, lập công lớn và xác định không còn nguy hiểm đối với xã hội.

Thứ hai, cùng với sự ra đời của BLHS mới thì yêu cầu cấp thiết nhất chính là việc ban hành những văn bản hướng dẫn mới kèm theo. Việc ban hành các văn bản này sẽ giải quyết được những thắc mắc liên quan đến những quy định về miễn chấp hành hình phạt. Tác giả đề xuất, HĐTP TANDTC ban hành nghị định hướng dẫn thay thế NĐ 01/2007 trên cơ sở tổng hợp, sửa đổi những những quy định vẫn còn khả năng áp dụng từ những văn bản cũ và bổ sung các quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn với chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua đó, sửa cụm từ “khó có phương thức chữa trị” tại điểm a, tiểu mục 2.1 của NĐ 01/2007 thành “có phương thức chữa trị phức tạp hoặc không có phương pháp điều trị”. Sửa đổi này giúp quy định được chặt chẽ hơn vì theo như quy định thì từ “khó” có thể hiểu theo nghĩa là khó nhưng không thể không chữa trị được.

 

TAND tỉnh xét xử Bắc Kạn xét xử vụ án xử dụng trái phép chất ma túy - Ảnh: Bùi Văn Khiêm

 

LÊ NGỌC NAM (Tòa án quân sự khu vực - Quân khu 4)