
Một số điểm mới về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đề xuất, kiến nghị
Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một phương thức giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính, được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ việc. Mục đích của hoạt động này là giúp các bên tham gia tự nguyện thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí và duy trì mối quan hệ giữa các bên. Thực tế triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
1. Đặt vấn đề
Để bảo đảm việc thực hiện tốt hơn các hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngày 30/6/2025 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 05/2025/TT-TANDTC sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Thông tư số 05/2025). Tại Điều 1 Thông tư số 05/2025 quy định về phạm vi điều chỉnh như sau:
“Thông tư này sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau:
…
2. Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC);
…”.
Như vậy, Thông tư số 05/2025 có sự điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC với các nội dung cụ thể gồm:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC về trách nhiệm của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC về trách nhiệm của Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC như sau:
“1. Tòa án nhân dân khu vực bố trí phòng làm việc của Hòa giải viên, phòng hòa giải, đối thoại và cơ sở vật chất khác phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình. Phòng làm việc của Hòa giải viên và phòng hòa giải, đối thoại được đặt tại trụ sở Tòa án.”.
- Thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại Điều 1.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 7 và các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC.
Việc ban hành Thông tư số 05/2025, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 81/2025/QH15 và thực tiễn thi hành pháp luật. Trong nội dung bài viết này, tác giả tập trung làm rõ quy định sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Nội dung này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 05/2025. Theo quy định mới này, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án có một số điều chỉnh theo hướng giảm bớt so với quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC.
Theo quy định mới này, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm:
- Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách, xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm Hòa giải viên; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân khu vực thuộc tỉnh mình theo quy định của pháp luật.
- Phân công công chức, người lao động tại các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án mình thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này.
- Trên cơ sở tài sản và kinh phí được Tòa án nhân dân tối cao phân bổ để giao kinh phí cho các đơn vị dự toán thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng quy định, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; hướng dẫn sử dụng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản và kinh phí.
- Định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức rút kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân khu vực.
- Xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh về việc buộc thôi làm Hòa giải viên đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân khu vực.
- Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của các Tòa án nhân dân khu vực thuộc tỉnh mình.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng các hình thức khác nhau.
- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khác về hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình theo quy định.
Theo đó, một số nội dung quy định thuộc trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC được bãi bỏ, gồm:
- Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với mỗi vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
- Phân công Thẩm phán khác tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thể tham gia vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
- Phân công Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
- Bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác để tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
- Tổ chức việc hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình.
- Đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên làm việc tại Tòa án mình.
Nghiên cứu, so sánh quy định của Thông tư số 05/2025 và Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC thì thấy, những nội dung bãi bỏ này được chuyển về Điều khoản quy định về trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về trách nhiệm của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp Chánh án thực hiện những trách nhiệm nêu trên và những trách nhiệm sau đây:
- Lập dự toán, tổng hợp dự toán, quản lý kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình;
- Quản lý, theo dõi vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Quản lý, cập nhật danh sách Hòa giải viên, việc sử dụng thẻ của Hòa giải viên, kết quả giải quyết vụ việc của Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân khu vực;
- Nắm bắt thông tin về trình độ, năng lực thực tiễn, nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân khu vực, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng;
- Xây dựng báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo sự phân công của lãnh đạo Tòa án
So sánh với quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC thì quy định về trách nhiệm của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng bị bãi bỏ một số nội dung. Về cơ bản, những nội dung bãi bỏ trong quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được chuyển sang cho Tòa án nhân dân khu vực.
3. Quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 05/2025 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC về trách nhiệm của Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 02 khoản với những nội dung chủ yếu, theo hướng bổ sung thêm trách nhiệm cho Tòa án nhân dân khu vực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, điều khoản quy định gồm các nội dung:
- Tổ chức thực hiện việc tuyển chọn, tiếp nhận hồ sơ và lập danh sách những người đủ điều kiện để đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét bổ nhiệm Hòa giải viên, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh khen thưởng hoặc xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên theo quy định của pháp luật.
- Phân công công chức, người lao động tại các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án mình thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này.
- Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với mỗi vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
- Phân công Thẩm phán khác tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thể tham gia vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
- Phân công Thẩm phán xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
- Tổ chức việc hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
- Đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên.
- Bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác để phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại.
- Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động hòa giải, đối thoại; hỗ trợ việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên.
- Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của Tòa án cấp trên.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng các hình thức khác nhau.
- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khác về hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình theo quy định.
Như vậy, theo quy định tại Thông tư số 05/2025 thì trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm những nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC và những nội dung được chuyển từ quy định về trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC. Sự điều chỉnh mới này là phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 81/2025/QH15.
Thứ hai, về trách nhiệm của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân khu vực được quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 05/2025 gồm: tham mưu, giúp Chánh án thực hiện những trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu trên và những trách nhiệm sau đây:
- Chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chi trả thù lao cho Hòa giải viên; thu, chi và quyết toán chi phí hòa giải, đối thoại;
- Tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, xác định vụ việc đủ điều kiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Giao, nhận hồ sơ vụ việc trong quá trình hòa giải, đối thoại và trong quá trình xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án;
- Quản lý, theo dõi vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Lập dự toán, quản lý tài sản, kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án của đơn vị;
- Quản lý, cập nhật danh sách Hòa giải viên, việc sử dụng thẻ của Hòa giải viên, kết quả giải quyết vụ việc của Hòa giải viên;
- Đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của Hòa giải viên, báo cáo Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao;
- Lưu trữ các giấy tờ, tài liệu trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên tại Tòa án mình theo từng tháng;
- Xây dựng báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo sự phân công của lãnh đạo Tòa án.
Như vậy, quy định về trách nhiệm của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân khu vực cũng có những sửa đổi, bổ sung nhất định theo hướng tăng nội dung trách nhiệm mà các cơ quan trong bộ máy giúp việc phải thực hiện. Sự sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi năm 2025.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Theo quy định, Tòa án nhân dân có trách nhiệm tổ chức, quản lý, hỗ trợ và hướng dẫn hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trách nhiệm của Tòa án nhân dân là phải đảm bảo việc hòa giải, đối thoại được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia. Để bảo đảm hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án được tiến hành hiệu lực, hiệu quả, Thông tư số 05/2025 ra đời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án như phân tích ở trên giúp bảo đảm tính kịp thời, phù hợp trong tình hình thực tiễn hiện nay.
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực, tác giả xin nêu một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực cần kịp thời nắm bắt, vận dụng chính xác các quy định của Thông tư số 05/2025, nhất là những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung so với quy định của Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC nhằm bảo đảm thực hiện tốt hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình, bảo đảm tính chính xác, kịp thời.
Thứ hai, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC và Thông tư số 05/2025, trước hết, việc tuyền truyền, phổ biến này được thực hiện tại chính Tòa án mình, sau đó, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng khắp tới người dân, bảo đảm mọi công dân đều được tiếp cận các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thứ ba, với việc sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại Thông tư số 05/2025 là những sửa đổi, bổ sung quan trọng, theo hướng tăng trách nhiệm cho Tòa án cấp khu vực. Để bảo đảm thực hiện tốt hơn hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tác giả kiến nghị các Tòa án cần sớm tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động hòa giải, đối thoại; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên. Việc tổ chức rút kinh nghiệm này có thể được thực hiện trực tuyến với những đánh giá, báo cáo cụ thể của từng Tòa án trong thực tiễn triển khai, thực hiện để các Tòa án trong cả nước trao đổi, thảo luận, đưa ra những đề xuất, sáng kiến để áp dụng chung trong toàn ngành.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020;
2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi năm 2025;
3. Thông tư số 05/2025/TT-TANDTC ngày 30/6/2025 của Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
4. Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bàn về thực tiễn Tòa án xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để giao cho cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Áp dụng pháp luật hay áp dụng “nhận thức” pháp luật
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 12 – khóa XIII
-
Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp: Giữ vững ''phên dậu'' Tổ quốc!
Bình luận