Một số điểm nổi bật về chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã trong BLHS năm 2015
Ở Việt Nam những quy định về bảo vệ động vật hoang đã được quy định chặt chẽ hơn trong pháp luật hình sự qua các thời kỳ, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham gia điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Đến Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, chính sách liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã, quý hiếm đã có những thay đổi tích cực, nhằm bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm có hiệu quả hơn.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) là một văn kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống lại các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Công ước liệt kê ra danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ và khuyến nghị biện pháp bảo vệ. Nhiều quốc gia trên thế giới có các cơ quan chính phủ và các tổ chức, thiết chế dành riêng cho bảo tồn động vật hoang dã, hỗ trợ thực hiện chính sách được thiết kế để bảo vệ động vật hoang dã.
Ở Việt Nam những quy định về bảo vệ động vật hoang đã được quy định chặt chẽ hơn trong chính sách pháp luật hình sự qua các thời kỳ, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham gia điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Nếu như trong BLHS năm 1985, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã chỉ được quy định chung với hành vi bảo vệ rừng, thì BLHS năm 1999 đã có riêng một điều luật về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm (Điều 190); đến nay, BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 có hai điều luật quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, đó là Điều 234 Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (tại Chương XVIII BLHS năm 2015 – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), Điều 244 Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (tại Chương XIX BLHS năm 2015- Các tội phạm về môi trường).
Những thay đổi quan trọng về chính sách hình sự liên quan đến xử lý tội phạm về động vật hoang dã trong BLHS năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài vật này. BLHS năm 2015 ra đời có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đã khắc phục những vướng mắc, bất cập của BLHS năm 1999 đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn trong việc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. BLHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định theo hướng chi tiết hơn, rõ ràng hơn trên cơ sở lượng hóa cụ thể các tình tiết định khung, nhằm đảm bảo tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được chính xác, thay cho quy định mang tính chung chung như trước đây. Việc sửa đổi theo hướng: mở rộng phạm vi đối tượng các loài động vật hoang dã được bảo vệ; mở rộng hành vi khách quan; quy định mức định lượng loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, sản phẩm, bộ phận cơ thể của động vật nguy cấp, quý hiếm; nâng mức hình phạt; quy định các tình tiết định khung được lượng hóa như: số lượng cá thể hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loài của động vật; giá trị tang vật vi phạm; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Cụ thể là:
1.Về đối tượng bảo vệ
Trước đây tại Điều 190 BLHS năm 1999 quy định “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, theo đó đối tượng bảo vệ của Điều luật này là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Danh mục loài được ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung Điều 190 của BLHS năm 1999 theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng các loài động vật hoang dã được bảo vệ tại Điều này, không chỉ đối với động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – là loài nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, mà còn đối với cả các cá thể thuộc nhóm IB ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3//2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). BLHS năm 2015 bổ sung một tội danh mới, độc lập, đó là Điều 234- Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, để có chính sách xử lý hình sự các hành vi phạm tội xâm hại nhóm động vật hoang dã thuộc nhóm IIB (Nghị định số 32/2006/NĐ-CP), phụ lục II của Công ước Cites hoặc động vật hoang dã thông thường khác. Hiện nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018, hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS, trong đó xác định thế nào là động vật nguy cấp, quý, hiếm; một số tình tiết định tội cũng như một số tình tiết định khung hình phạt được hướng dẫn khá cụ thể, rõ ràng.
Việc BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi đối tượng các loài động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nâng cao khả năng phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
2.Về hành vi khách quan
Các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm được BLHS năm 2015 quy định chi tiết, cụ thể hơn so với BLHS năm 1999. Trước khi ban hành BLHS năm 2015, các hành vi vi phạm như săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB (là nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP) hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước Cites, chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính do BLHS năm 1999 không quy định các hành vi nêu trên là tội phạm. Điều này dẫn tới việc gia tăng các hành vi khai thác, buôn bán, giết các động vật hoang dã gia tăng, nếu không ngăn chặn kịp thời và không có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn thì sẽ dẫn đến khả năng một số loài động vật hoang dã rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Để tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao khả năng phòng ngừa vi phạm cũng như xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt nhằm ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, BLHS năm 2015 bổ sung tội danh mới (Điều 234) quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm hại nhóm động vật hoang dã thuộc nhóm IIB, Phụ lục II của Công ước Cites hoặc động vật hoang dã thông thường khác.
Trước đây, một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm xảy ra tương đối phổ biến trên thực tế, có tính chất và mức độ nguy hiểm rất nghiêm trọng như: tàng trữ sản phẩm, bộ phận cơ thể động vật, chế biến, tiêu thụ động vật hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, quý, hiếm nhưng lại chưa có cơ chế để xử lý đối với người có hành vi vi phạm, bởi lẽ BLHS năm 1999 chưa quy định đây là các hành vi phạm tội. Điều này dẫn tới một thực tế là các hành vi vi phạm chưa được xử lý triệt để, làm hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Để khắc phục hạn chế, bất cập này, BLHS năm 2015 đã hình sự hóa hành vi tàng trữ trái phép cá thể (đã chết), bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc loài quy định tại nhóm IB và Phụ lục I của Công ước Cites (Điều 234, Điều 244) . Đây là điểm bổ sung mới so với BLHS năm 1999, nhằm bảo đảm xử lý triệt để các hành vi phạm tội, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã trong thực tiễn.
BLHS năm 2015 quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02kg đến dưới 20kg, sừng tê giác từ 50 gram đến dưới 01kg (không phân biệt chủng loại voi và tê giác) được xem là nhóm đối tượng được bảo vệ đặc biệt (điểm c khoản 1 Điều 244); quy định trách nhiệm hình sự những hành vi vi phạm đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm có số lượng dưới mức quy định tại điểm c,d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Với chính sách xử lý nghiêm và triệt để các hành vi phạm tội, BLHS năm 2015 cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
3.Về hình phạt
BLHS năm 1999 chưa có sự thống nhất trong chính sách xử lý động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP với loài nguy cấp, quý, hiếm khác cũng có nguy cơ tuyệt chủng và cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại không có trong danh mục này. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, đối với loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước Cites, mặc dù không phân bố trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại thường xuyên bị vận chuyển, mua bán hoặc trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam ví dụ như: sừng tê giác, ngà voi Châu phi…khi có hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng các quy định tại Điều 153 (Tội buôn lậu), Điều 154 (Tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) BLHS năm 1999 để xử lý với tính chất là buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 244 BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết tăng nặng “buôn bán, vận chuyển qua biên giới” để khắc phục tình trạng xảy ra trong thực tiễn khi xử lý loại tội này, đó là cùng một hành vi phạm tội buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới nhưng lại áp dụng các quy định khác nhau để xử lý, nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xử lý tội phạm.
Để bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử áp dụng thống nhất các quy định pháp luật trong xử lý tội phạm, Điều 244 BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định cụ thể mức định lượng của động vật, cá thể, sản phẩm, bộ phận cơ thể không thể tách rời của động vật, cụ thể là: (1) Đối với động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật không phân biệt số lượng đều bị xử lý hình sự; (2) Ngà voi có khối lượng từ 02 kg; (3) Sừng tê giác có khối lượng từ 50 gram; (4) Đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB và Phụ lục I Công ước Cites thì số lượng từ 03 cá thể là lớp thú, từ 07 cá thể là lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể là động vật lớp khác.
Theo quy định của BLHS năm 1999 (Điều 190), mức hình phạt tiền áp dụng đối với người phạm tội là từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng và mức cao nhất của hình phạt tù là đến 07 năm tù. BLHS năm 2015 (Điều 244) nâng mức hình phạt tiền, phạt tù đối với người thực hiện tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm: nâng mức cao nhất của hình phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; nâng mức cao nhất của hình phạt tù từ 07 năm (khoản 2 Điều 190 BLHS 1999) lên 15 năm (khoản 3 Điều 244 BLHS 2015). Trên thực tế số lượng tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất và với hậu quả nghiêm trọng mà tội phạm ra cho môi trường, đa dạng sinh học, và với tính chất là loại tội phạm có tính quốc tế, liên quan đến nhiều loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, tài trợ khủng bố, buôn bán vũ khí…, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh. Do vậy, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nâng mức phạt tiền và phạt tù đối với tội phạm này là phù hợp nhằm đảm bảo chính sách xử lý hình sự phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và tình hình thực tiễn hiện nay. Theo đó, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo BLHS 2015, đã được điều chỉnh từ tội phạm nghiêm trọng (BLHS năm 1999) thành tội phạm rất nghiêm trọng.
4. Xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Một trong những định hướng quan trọng xây dựng BLHS 2015 được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” mà một biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào BLHS chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện một số tội phạm do BLHS quy định trong đó có các tội liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời quy định rõ các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự và hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Bên cạnh việc xác định chủ thể của tội phạm liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm không chỉ có thể nhân (người phạm tội), mà lần đầu tiên trong pháp luật hình sự, BLHS năm 2015 đã ghi nhận chủ thể của tội phạm này còn có cả pháp nhân thương mại. Việc ghi nhận này có ý nghĩa quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã trong tình hình mới do pháp nhân thương mại gây ra. Việc quy định chỉ pháp nhân thương mại mới là chủ thể của tội phạm chứ không phải bất kỳ pháp nhân nào dựa trên mục đích hoạt động chủ yếu của chủ thể này là mục đích sinh lợi. Điều 75 Bộ luật dân sự quy định: “Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, pháp nhân thương mại bao gồm các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác“.
Căn cứ vào tình hình hình thực tiễn hiện nay, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi vi phạm các quy định của BLHS về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm vào thời điểm này là cần thiết và đúng, bởi lẽ: (1) Tình hình vi phạm pháp luật về các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm của pháp nhân thương mại ở Việt Nam trong những năm gần đây diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế – xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn loại hành vi này; (2) Hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, hạn chế khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại trong lĩnh vực nêu trên, nhất là các bất cập liên quan đến mức xử phạt hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục của việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay nghĩa vụ phải tự mình chứng minh thiệt hại trong thủ tục đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự đang làm cho việc xử lý đối với những hành vi vi phạm do pháp nhân gây ra không hiệu quả. Vì vậy, trách nhiệm xử lý pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật hình sự phải thuộc về Nhà nước, chủ thể có đầy đủ sức mạnh, nguồn lực và thẩm quyền để thực hiện; (3) Trong quá trình toàn cầu hóa, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong xử lý pháp nhân thương mại khi có vi phạm pháp luật, đồng thời tránh bỏ lọt tội phạm; (4) Hình sự hóa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phù hợp với xu hướng chung cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực thi các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, đó là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Cites); (5) Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tạo cơ sở pháp lý, quy định trình tự, thủ tục tố tụng hình sự chặt chẽ để xử lý những pháp nhân thương mại vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, can thiệp vào hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Với chủ trương mở rộng áp dụng hình phạt tiền được nêu tại Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, BLHS năm 2015 đã bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với hầu hết các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trong đó có Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã), Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm). Chế tài xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể phải chịu các hình phạt chính như bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng (phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm (Điều 244). Pháp nhân thương mại hoạt động nhằm mục đích sinh lời, việc thực hiện các hành vi phạm tội quy định tại Điều 234, Điều 244 BLHS năm 2015 cũng là nhằm mục đích sinh lời. Do đó, chế tài hình sự áp dụng đối với chủ thể này chủ yếu là hình phạt tiền là phù hợp, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cao trong thực tiễn áp dụng.
Việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm không chỉ là nhiệm vụ, là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho một tổ chức hay một quốc gia nào mà là nhiệm vụ của toàn thế giới. Bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng chính là bảo vệ môi trường sống của loài người. Các quy định về xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm trong BLHS năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài vật này, đã thể hiện tính răn đe nghiêm khắc, xử lý triệt để các hành vi phạm tội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đấu tranh phòng, chống các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm một cách có hiệu quả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận