Một số khó khăn, vướng mắc khi xác định tội danh theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015
Trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật còn có nhiều quan điểm khác nhau về xác định hành vi, tội danh theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Bài viết nêu ra một số vướng mắc và kiến nghị.
Theo tên gọi và cấu trúc của Điều luật, thì đây là quy định đối với tội ghép của bốn tội. Điều 207 BLHS năm 2015 chưa có hướng dẫn cụ thể, nên trong thực tiễn khi áp dụng còn có những nhận định khác nhau về tội danh, người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) cùng có hành vi tương tự nhưng mỗi Tòa án áp dụng thì khác nhau, có Tòa án thì xét xử tất cả các hành vi, có Tòa án thì chỉ xét xử một hành vi (qua nghiên cứu một số bản án được đăng trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, như Bản án số 291/2019/HS-PT ngày 23/5/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Bản án số 02/2020/HS-ST ngày 09/01/2020 của TAND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, Bản án số 82/2020/HS-ST của TAND TP Hồ Chí Minh, Bản án số 56/2021/HSST ngày 22/7/2021 của TAND tỉnh Bắc Ninh…).
Vướng mắc từ vụ án cụ thể như sau: Khoảng giữa tháng 01/2021, Đặng Văn T bán cho người đàn ông không rõ lai lịch một chiếc xe máy hiệu Honda Vario 150 với giá 26 triệu đồng. Khi kiểm tra lại số tiền khách trả thì T phát hiện trong tổng số tiền 26 triệu đồng có 16 tờ tiền giả, mỗi tờ có mệnh giá 500 nghìn đồng, tổng số tiền có giá trị tương ứng là 8 triệu đồng. Sau khi phát hiện tiền giả, T cất giữ riêng trong ví tiền của mình.
Vào tối 21/1/2021, thông qua mạng xã hội Facebook, T hứa cho Trương Vĩnh T1 5 triệu đồng tiền giả và yêu cầu T1 cho người đến nhận trực tiếp. T1 nhờ Nguyễn Thanh D nhận giúp số tiền giả trên mang về thị trấn K, huyện P giao cho T1 thì D đồng ý.
Vào ngày 23/1/2021, T đến đưa cho D một phong bì, bên trong có 8 tờ tiền giả, tương ứng 4 triệu đồng. Ngày 1/2/2021, D mang 4 triệu đồng tiền giả về thị trấn K, huyện P giao cho T1. Lúc này, có Lê Hoàng S cùng ở với T1, S xin T1 01 tờ tiền giả thì T1 đồng ý. Số tiền còn lại là 7 tờ tiền, T1 bỏ vào trong ví của mình.
Vào ngày 2 và 6/2/2021, Trương Vĩnh T1 cho Nguyễn Thành L 6 tờ tiền giả. L sử dụng tiền này để mua ma túy. Ngày 8/2/2021, T1 đưa cho S 1 tờ tiền giả, và bảo S cầm tiền này đi mua ma túy về để sử dụng. S sử dụng tờ tiền này đến cửa hàng xăng dầu M để lưu hành tiền giả bằng cách mua 30 nghìn đồng tiền xăng rồi nhận số tiền trả lại là 470 nghìn đồng tiền thật. S sử dụng số tiền này để mua card điện thoại, mua ma túy đá.
Sau khi phát hiện và nghi ngờ tờ tiền mà S mua xăng là tiền giả, quản lý cửa hàng xăng dầu M trình báo sự việc với Công an huyện P, đồng thời, giao nộp cho Công an huyện P tờ tiền giả có mệnh giá 500 nghìn đồng cùng dữ liệu hình ảnh bán xăng cho S từ camera an ninh của cửa hàng xăng dầu M. Căn cứ kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Q đã kết luận đó là tiền giả. Hành vi của Đặng Văn T, Trương Vĩnh T1, Lê Hoàng S, Nguyễn Thanh D và Nguyễn Thành L phạm tội gì, hiện nay có hai quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi nêu trên của Đặng Văn T đã phạm vào tội “tàng trữ, vận chuyển tiền giả” quy định tại khoản 2 Điều 207 BLHS năm 2015. Hành vi của Trương Vĩnh T1, Lê Hoàng S và Nguyễn Thành L phạm tội “tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015. Hành vi của Nguyễn Thanh D phạm tội “tàng trữ, vận chuyển tiền giả” quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015. Để lý giải cho quan điểm này họ cho rằng đối tượng vi phạm hành vi nào thì phải truy cứu hết các hành vi nhưng cùng một tội chứ không truy cứu các tội độc lập.
- Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Hành vi nêu trên của Đặng Văn T đã phạm vào tội “tàng trữ, vận chuyển tiền giả” quy định tại khoản 2 Điều 207 BLHS năm 2015. Vì T có hành vi tàng trữ 8 triệu đồng tiền giả và vận chuyển 4 triệu đồng tiền giả để đưa cho D. Hành vi của Trương Vĩnh T1 phạm tội “tàng trữ, lưu hành tiền giả” quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015. Vì T1 có hành vi tàng trữ 4 triệu đồng tiền giả, sau đó đưa cho S và L với mục đích là để lưu hành (mặc dù T1 không trực tiếp lưu hành tiền giả, nhưng T1 đã đồng phạm với S và L về hành vi lưu hành), còn hành vi vận chuyển tiền giả của T1 mục đích là để lưu hành.
Hành vi của Lê Hoàng S và Nguyễn Thành L phạm tội “lưu hành tiền giả” quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015. Vì hành vi tàng trữ, vận chuyển tiền giả của S và L mục đích là để lưu hành. Hành vi của Nguyễn Thanh D phạm tội “vận chuyển tiền giả” quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015. Vì D tàng trữ tiền giả mục đích là để vận chuyển tiền giả về đưa cho T1. Đối với quan điểm này thì hành vi của các đối tượng thực hiện nhiều hành vi phạm tội, nhưng những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về một tội độc lập.
Từ vướng mắc nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC có văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 207 BLHS năm 2015 giống như hướng dẫn các điều luật về vật liệu nổ như sau:
Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định tại Điều 207 của BLHS năm 2015, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về một tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt chung, cụ thể như sau:
- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội, mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng, thì chỉ bị truy cứu TNHS về một tội.
- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau, thì bị truy cứu TNHS về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện và khi xét xử, sẽ áp dụng Điều 55 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt chung.
Trên đây là các quan điểm khác nhau về việc định tội danh của Đặng Văn T, Trương Vĩnh T1, Lê Hoàng S, Nguyễn Thanh D và Nguyễn Thành L, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Bài liên quan
-
Tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, sử dụng hóa chất độc hại và nguy hiểm
-
Nguyễn Văn B phạm tội tàng trữ trái phép súng săn
-
Khánh Hòa dẫn đầu tăng trưởng quan tâm, khởi động chu kỳ mới của thị trường
-
Về các tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận