Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án hình sự
Bài viết của tác giả xin tổng hợp một số vấn đề cần rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án hình sự thông qua công tác xét xử giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao.
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự là phải đảm bảo đúng người, đúng tội và áp dụng pháp luật cho đúng. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn bản án của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm bị Tòa án cấp trên sửa một phần bản án hoặc hủy án. Điều đó cho thấy cũng có những vấn đề mà người tiến hành tố tụng cần nghiên cứu rút kinh nghiệm để công tác giải quyết vụ án hình sự được tốt hơn.
1.Chuyển tội danh từ “Cướp tài sản” sang “Trộm cắp tài sản” không đúng quy định(1)
Theo nội dung vụ án, Nguyễn T và Nguyễn H đang điều khiển xe mô tô trên đường thì thấy anh C điều khiển xe chạy lạng lách. Do tức giận nên khi anh C dừng xe đợi đèn xanh thì T và H dùng tay, chân và nón bảo hiểm đánh anh C làm anh C chạy thoát thân bỏ lại chiếc xe. Ngay sau đó, T và H lấy chiếc xe của anh C đem bán lấy tiền tiêu xài. Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh B xác định T và H phạm tội “Cướp tài sản” nhưng các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm chuyển tội danh từ “Cướp tài sản” thành “Trộm cắp tài sản”.
Ngày 09/11/2018, TANDCC tại thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh B và giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh B. Với lý do: Các bị cáo công khai dùng vũ lực tấn công bị hại để chiếm đoạt tài sản của bị hại ngay sau đó chứ không lén lút lấy trộm tài sản của bị hại. Đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biện tội “trộm cắp tài sản và tội “Cướp tài sản”.
2Tòa án tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước xe mô tô của các bị cáo là không đúng, vì không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội(2)
Theo nội dung vụ án, các bị cáo Phúc, Loan, Dũng, Hường, Cương và Sương hẹn đánh bạc. Khi đến nơi thì các bị cáo gửi xe tại bãi giữ xe do Phượng quản lý rồi đi vào sòng bạc để đánh bạc. Bản án sơ thẩm của TAND thành phố S tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước 06 xe mô tô của 06 bị cáo vì cho rằng đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Do có 4 bị cáo kháng cáo xin nhận lại xe mô tô nên Tòa án nhân dân tỉnh Đ tuyên trả lại xe cho 01 bị cáo vì xe do vợ bị cáo này đứng tên và tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước 03 xe mô tô của 03 bị cáo còn lại.
Ngày 19/02/2019, TANDCC tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Với lý do, Tòa án hai cấp tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước 05 chiếc xe của 05 bị cáo Phúc, Loan, Hường, Cương, Sương là không đúng quy định theo quy định tại khoản 1 Điều 47 và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015. Vì các bị cáo này không trực tiếp sử dụng xe vào việc đánh bạc do trước đó các bị cáo đã gửi xe tại bãi giữ xe với giá 2.000đ/chiếc nên những chiếc xe này không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Việc các bị cáo có sử dụng hay không sử dụng những chiếc xe này không ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của các bị cáo.
3.Tổng hợp hình phạt tù đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi không đúng quy định (3)
Đặng Văn S, sinh ngày 20/12/1992 phạm nhiều tội khi chưa đủ 18 tuổi và bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều lần. Cụ thể: Ngày 05/11/2010, TAND tỉnh N xử phạt bị cáo 11 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Ngày 27/01/2011, Tòa án nhân dân thành phố PR, tỉnh N xử phạt bị cáo 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Ngày 07/4/2011, TAND huyện T, tỉnh B xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Cuối cùng ngày 03/9/2013, TAND huyện Đ, tỉnh L xử phạt bị cáo 05 năm 06 tháng tù về tội “Cướp tài sản và Cướp giật tài sản”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 20 năm tù.
Ngày 23/5/2018, Hội đồng giám đốc thẩm TANDCC Thành phố Hồ Chí Minh tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm của TAND Đ, tỉnh L về phần tổng hợp hình phạt, tuyên buộc bị cáo S chấp hành hình phạt chung là 18 năm tù. Với lý do, tất cả các lần phạm tội của bị cáo bị đưa ra xét xử đều thực hiện khi bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Tại điều 104 BLHS năm 2015 có quy định “Hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 Bộ luật này”. Điều 103 BLHS năm 2015 quy định “ Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.”. Lẽ ra, TAND huyện Đ, tỉnh L khi quyết định tổng hợp hình phạt thì mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo không được vượt quá 18 năm tù nhưng lại tổng hợp hình phạt buộc bị cáo S chấp hành hình phạt là 20 năm tù là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, gây bất lợi cho bị cáo.
4.Sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ là “Tờ bệnh án cấp cứu” do chính bị cáo cung cấp (4)
Bị cáo Nguyễn Đình T bị TAND huyện Đ, tỉnh Đ 01 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau dó, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp 01 tờ bệnh án cấp cứu (không có con dấu của BV 115) ghi ngày 23/3/2017 do Bác sĩ T khám, chẩm đoán bị cáo bị “Suy tim độ IV”. Tòa án nhân dân tỉnh Đ có văn bản hỏi Trung tâm giám định y khoa tỉnh Đ rằng “Suy tim dộ IV” có nguy hiểm tính mạng không. Trung tâm giám định y khoa tỉnh Đ có văn bản trả lời “Suy tim dộ IV” là bệnh năng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Đ cho tuyên xử bị cáo 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngày 09/11/2018, TANDCC tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đ để xét xử phúc thẩm lại. Với lý do: Lẽ ra trong trường hợp phát hiện chứng cứ mới do đương sự cung cấp thì Tòa án phải đánh giá tính hợp pháp của Tờ bệnh án cấp cứu, đồng thời phải thông qua trình tự thủ tục tố tụng để trưng cầu giám định, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa mới có cơ sở xem xét bị cáo có bị suy tim độ IV thật không (trong khi tờ bệnh án cấp cứu không phải là kết luận của Hội đồng giám định y khoa). Thế nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Đ chỉ yêu cầu cơ quan giám định y khoa giải thích “Suy tim độ IV” là gì để rồi nhận định bị cáo bị bệnh nặng và quyết định cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
5.Áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 không đúng quy định (5)
Bị cáo Sùng Seo L bị TAND huyện S xử phạt 03 tháng 06 ngày về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 (Bản án hình sự sơ thẩm số: 07/2017/HSST ngày 29/9/2017) và bị xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 (Bản án hình sự sơ thâm số 14/2017/HSST ngày 30/11/2017). Ngày 17/4/2018, bị cáo thực hiện hành vi trộm cắp tài và bị Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh L xử phạt Sùng Seo Lử 01 năm 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm o khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 (bản án sơ thẩm số 05/2018/HSST ngày 26/6/2018)
Ngày 15/3/2019, TANDCC tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử giám đốc thâm tuyên sửa bản án sơ thẩm số 05/2018/HSST ngày 26/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh L. Với lý do: Theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 quy định: “Điểu luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng đn treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điễu luật đó có hiệu lực thi hành”. Khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Người từ đủ l6 đến dưới 18 bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”. Như vậy, Bản án hình sự sơ thâm số 07/2017/HSST ngày 29/9/2017 và Bản án hình sự sơ thâm sô 14/2017/HSST ngày 30/11/2017 của TAND huyện S xét xử bị cáo Sùng Seo L về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản l Điều 138 BLHS năm 1999 khi bị cáo chưa đủ 17 tuổi, bị cáo bị kết án đều về tội ít nghiêm trọng nên không được coi là có án tích. Lần phạm tội này, bị cáo có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 5.000.000 đồng nên thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Việc, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo có hai tiền án chưa được xóa án tích để xét xử bị cáo với tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 là không đúng quy định của pháp luật.
6.Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo không đúng quy định(6)
Chiều ngày 16/02/2018, Phan C, Phan L, Phan V1, Phan V2 tổ chức chơi bầu cua thì có một nhóm khác gồm Tô V, Phan M, Nguyễn T chơi bầu cua gần đó. Trong quá trình chơi bầu cua hai nhóm xảy ra mâu thuẫn. Khi Phan C đứng ra can ngăn thì bị nhóm của Tô V đánh trúng mạn sườn phải nên Phan C lấy trong túi quần cao dao dâm trúng ngực trái của Tô V, trúng ngực và hong của Phan M và trúng ngực trái của Nguyễn T. Sau đó, Phan C đến công an tự thú. Kết quà Tô V chết trên đường đi cấp cứu, Nguyễn T bị thương 67%, Phan M bị thương 64%. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh B xử phạt bị cáo Phan C 20 năm tù theo điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.
Ngày 30/11/2018, TANDCC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phan C tù chung thân. Với lý do: Bị cáo Phan C dùng dao dâm liên tiếp làm chết một người và bị thương 02 người. Sau khi gây án, bị cáo đến cơ quan công an “Đầu thú” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo “Tự thú”theo điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là không đúng. Sau khi phạm tội, bị cáo không bồi thường và không tác động gia đình bị cáo bồi thường là thể hiện bị cáo chưa ăn năm hối cải (đến khi xét xử phúc thẩm mới bồi thường 40 triệu đồng). Mặc khác, khi xô xát, bị cáo chưa bị thương tích nhưng sau đó dùng dao đâm liên tiếp các bị hại. Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng “Người bị hại cũng có lỗi” nên áp dụng điểm e, s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là không đúng.
7.Không tiến hành tra cứu tàng thư can phạm, không trích lục tiền án, tiền sự bị can dẫn đến áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo không đúng quy định (7)
Đêm này 10/7/2018, Trần H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Bản án sơ thẩm ngày 20/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh B áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, g, h, p khoản 1 Điều 46; Điều 31 BLHS năm 1999 xử phạt bị cáo 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản”.
Ngày 02/8/2018, TANDCC tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh T. Với lý do: Ngày 27/9/2016, Trần H bị Tòa án nhân dân huyện BĐ, tỉnh B xử phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng lý lịch bị can không thể hiện tình tiết này. Trong quá trình giải quyết vụ án về tội “Trộm cắp tài sản”, cơ quan điều tra không tiến hành tra cứu tàng thư can phạm, không trích lục tiền án, tiền sự bị can nên khi xét xử đã đánh giá không đúng, sai lầm trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “Thành khẩn khai báo” mà bị cáo được hưởng theo quy định tại các điểm h, p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 dẫn đến tuyên bị cáo mức án không phù hợp.
8.Xác định tội “Chống người thi hành công vụ” là không đúng hành vi phạm tội của bị cáo (8)
Ngày 15/4/2017, Trần Mạnh T điều khiển xe ô tô tải lưu thông trên QL.1. Đội cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đ đang làm nhiệm vụ thấy xe có biểu hiện vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng xe nhưng T không chấp hành. Thấy vậy anh M nhờ người dân dùng xe mô tô đuổi theo. Khi đến trạm thu phí, xe anh M vượt lên chặn xe tải lại. Tại đây anh M yêu cầu T xuống xe xuất trình giấy tờ. T xuống xe nhưng không xuất trình được giấy tờ lên đi vòng qua mở cửa lên xe và điều khiển xe bỏ chạy tiếp. Anh M mới chạy bộ đuổi theo dùng đèn pin nhảy lên đánh vỡ kính chiếu hậu bên trái yêu cầu dừng xe. T đánh tay lái về bên trái va chạm vào hong anh M làm anh M té ngã xuống đường bị bánh xe bên trái cán qua ngưới tử vong tại chỗ. Bản án sơ thẩm ngày 05/7/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Đ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 257 xử phạt bị cáo 06 năm tù.
Ngày 09/11/2018, TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm. Với lý do: nguyên nhân chính làm anh M tử vong là do Trần Mạnh T không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, điều khiển xe bỏ chạy để trốn tránh việc xử lý vi phạm. Hành vi bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông của T đã vi phạm khoản 3 Điều 8, Điều 10, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ dẫn đến làm anh M tử vong. Đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với tình tiết định khung tăng nặng là “Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” theo quy địn tại điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Mạnh T tội “Chống người thi hành công vụ” là không chính xác.
(1) Thông báo rút kinh nghiệm số 04/TB-VC3-V1 ngày 28/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Thông báo rút kinh nghiệm số 05/TB-VC3-V1 ngày 28/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Thông báo rút kinh nghiệm số 06/TB-VC3-V1 ngày 28/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Thông báo rút kinh nghiệm số 08/TB-VC3-V1 ngày 28/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh.
(5) Thông báo rút kinh nghiệm số 08/TB-VC1-HS ngày 27/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Hà Nội.
(6) Thông báo rút kinh nghiệm số 13/TB-VC2-V1 ngày 18/02/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Đà Nẵng.
(7) Thông báo rút kinh nghiệm số 42/TB-VC2-V1 ngày 25/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Đà Nẵng.
(8) Thông báo rút kinh nghiệm số 01/TB-VC3-V1 ngày 17/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận