Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được quy định tại Phần thứ VII BLTTDS. Nhằm góp phần tạo thống nhất trong nhận thức chung, bài viết phân tích, lý giải các quy định của BLTTDS đang còn có ý kiến khác nhau về thủ tục này.
Thực tiễn giải quyết loại yêu cầu này trong nhiều năm vừa qua cho thấy số lượng đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài phát sinh không nhiều và không đồng đều tại các Tòa án tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Do đó, hiện nay đang tồn tại một số ý kiến khác nhau liên quan đến một số quy định của tố tụng về thủ tục thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu. Tác giả tập trung phân tích, lý giải các quy định của BLTTDS đang còn có ý kiến khác nhau sau đây:
- Người có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài;
- Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài;
- Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
- Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam;
- Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
- Nghĩa vụ chứng minh của người được thi hành và người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
1. Về người có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 432 của BLTTDS, người có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài bao gồm: Người được thi hành; Người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của người được thi hành. Tuy nhiên, Bộ luật này không có quy định định nghĩa về những chủ thể có quyền nộp đơn nêu trên.
Như vậy, để xác định từng loại chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu, trước hết, Tòa án cần phải căn cứ vào bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Nếu bản án, quyết định đó xác định một bên đương sự là người được hưởng quyền, lợi ích cụ thể (quyền, lợi ích về tài sản hoặc được đương sự khác thực hiện một công việc cụ thể), thì bên đương sự được hưởng quyền, lợi ích đó là người được thi hành. Đây là căn cứ để Tòa án xác định người đứng tên trong đơn yêu cầu có phải là người được thi hành hay không. Tùy thuộc vào bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, người được thi hành có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn.
Trong trường hợp người đứng tên trong đơn yêu cầu không phải là đương sự được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, thì Tòa án phải căn cứ vào các tài liệu, giấy tờ gửi kèm theo đơn yêu cầu để xác định người đứng tên trong đơn yêu cầu đó là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hay là người đại diện hợp pháp của họ.
Nếu giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu có nội dung xác nhận người đứng tên trong đơn yêu cầu là người kế thừa quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành, thì Tòa án xác định người đứng tên trong đơn yêu cầu đó là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan.
Các giấy tờ, tài liệu này có thể là di chúc của người được thi hành hoặc giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước ngoài xác nhận người đứng tên trong đơn yêu cầu là người thừa kế của người được thi hành theo quy định pháp luật.
Trường hợp người được thi hành và người kế thừa quyền, lợi ích của người được thi hành đều là tổ chức, thì giấy tờ, tài liệu phải có nội dung xác nhận tổ chức đó là người kế thừa quyền, lợi ích của người được thi hành trên cơ sở pháp lý như: sáp nhập, chia tách, chuyển đổi quyền sở hữu tài sản...
Đương nhiên, các giấy tờ, tài liệu nêu trên phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc chứng thực người đứng tên trong đơn yêu cầu là người kế thừa quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành trong bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Đồng thời, giấy tờ, tài liệu đó phải được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ví dụ 1: Trong một vụ án dân sự, Tòa án của nước A ra bản án buộc bị đơn C có địa chỉ tại Việt Nam phải trả cho nguyên đơn B là công dân nước A một số tiền cụ thể. Sau khi Tòa án của nước A ra bản án, nguyên đơn B chết. Tuy nhiên, trước khi chết, nguyên đơn B đã lập di chúc theo quy định của nước A cho người con là D được hưởng số tiền mà bị đơn C phải trả cho nguyên đơn B theo bản án của Tòa án nước A. Trong trường hợp này, D là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan.
Ví dụ 2: Trong một vụ án kinh doanh, thương mại, Tòa án của nước A ra bản án buộc bị đơn doanh nghiệp C có trụ sở tại Việt Nam phải trả cho nguyên đơn doanh nghiệp B, có trụ sở tại nước A một số tiền cụ thể. Sau khi Tòa án của nước A ra bản án, doanh nghiệp B bị sáp nhập vào doanh nghiệp D có trụ sở tại nước A. Theo quy định pháp luật của nước A thì doanh nghiệp D là doanh nghiệp kế thừa quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp B. Trong trường hợp này doanh nghiệp D là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan.
Đối với người phải thi hành, thì đương sự có nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự đối với đương sự khác theo bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chính là người phải thi hành. Trong các trường hợp khác, người phải thi hành là người kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của đương sự trong bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo quy định của pháp luật điều chỉnh về quan hệ kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự đó.
Bên cạnh đó, thực tế có thể phát sinh trường hợp Tòa án nước ngoài tuyên trong bản án, quyết định dân sự về việc các bên đương sự phải có nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự đối với nhau. Theo đó, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của bên đương sự này là quyền, lợi ích hợp pháp của bên đương sự kia và ngược lại. Trong trường hợp này, tùy thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của từng bên đương sự mà đương sự đó có thể là người được thi hành (người nộp đơn yêu cầu) hoặc là người phải thi hành. Cụ thể như sau:
- Nếu nội dung bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tuyên bên đương sự này phải thực hiện nghĩa vụ trước, bên đương sự kia thực hiện nghĩa vụ sau trong một thời hạn cụ thể, thì bên đương sự đã thực hiện nghĩa vụ trước có quyền nộp đơn yêu cầu nếu bên đương sự phải thực hiện nghĩa vụ sau không thực hiện nghĩa vụ đó khi đến hạn;
- Nếu bên đương sự phải thực hiện nghĩa vụ trước không thực hiện nghĩa vụ đó, thì bên đương sự phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền nộp đơn yêu cầu;
- Nếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không tuyên đương sự nào phải thực hiện nghĩa vụ trước, thì bên đương sự thực hiện xong nghĩa vụ có quyền nộp đơn yêu cầu nếu bên đương sự còn lại không thực hiện nghĩa vụ của họ.
- Trường hợp bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tuyên các bên đương sự phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau nhưng một bên đương sự từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên đương sự kia, thì bên đương sự muốn thực hiện nghĩa vụ có quyền nộp đơn yêu cầu.
2. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Theo quy định tại Điều 432 của BLTTDS thì trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó.
Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.
Từ quy định nêu trên của BLTTDS một số vấn đề pháp lý đặt ra là: Tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu hoặc đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hay vẫn thụ lý giải quyết trong trường hợp đương sự nộp đơn sau thời hạn 03 năm nhưng không chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn quy định? Tòa án có phải tuân thủ quy định tại Điều 184 BLTTDS về việc không được tự động áp dụng thời hiệu nộp đơn yêu cầu nếu không có đề nghị của một hoặc các bên đương sự?
Theo tác giả, trong trường hợp này, Tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu hoặc ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Bởi lẽ, thời hiệu nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không phải là một loại thời hiệu thuộc nhóm thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 184 của BLTTDS. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, bản chất của việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là việc Tòa án Việt Nam xem xét chấp nhận đề nghị của đương sự về việc “chuyển đổi” hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thành có hiệu lực như bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam để làm cơ sở cho việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó tại Việt Nam theo thủ tục thi hành án dân sự. Bởi lẽ, theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế về bình đẳng chủ quyền quốc gia, thì bản án, quyết định của Tòa án nước nào chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước đó. Vì vậy, đương sự có quyền, lợi ích hợp pháp trong bản án, quyết định dân sự phải có đơn yêu cầu Tòa án của nước nơi người có nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự có địa chỉ hoặc tài sản công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Đồng thời, chỉ khi được Tòa án của nước nơi người phải thi hành bản án, quyết định đó có địa chỉ hoặc có tài sản chấp nhận “chuyển đổi” hiệu lực bằng quyết định công nhận và cho thi hành, thì quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự theo bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mới có cơ hội được bảo đảm trên thực tế. Điều này đã được khẳng định tại quy định tại khoản 1 Điều 427 của BLTTDS.[1]
Thứ hai, pháp luật quốc tế nói chung, BLTTDS (khoản 4 Điều 438) Việt Nam nói riêng đều quy định Tòa án không được xét xử lại vụ việc đã được Tòa án nước ngoài giải quyết bằngbản án, quyết định.
Trên tinh thần đó, việc xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài thực chất là một thủ tục “hành chính – tư pháp” đặc biệt. Theo đó, thay vì xét xử lại vụ việc, Tòa án chỉ “kiểm tra, đối chiếu” bản án, quyết định đó với các quy định liên quan của pháp luật trong nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài.
Như vậy, thủ tục này khác hoàn toàn với thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – thủ tục mà Tòa án Việt Nam được quyền thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp, yêu cầu.
Tóm lại, với tính chất, đặc điểm đặc biệt như đã phân tích ở trên, có thể khẳng định thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không phải là một loại thời hiệu cụ thể trong nhóm thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Điều 184 của BLTTDS.
Do đó, Tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nếu xác định thấy đương sự nộp đơn yêu cầu không đúng thời hạn và đương sự không chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn quy định.
3. Về bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
Điều 423 BLTTDS quy định Tòa án Việt Nam xem xét thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với 03 loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài:
- Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Việt Nam là thành viên;
- Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
- Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
Theo tác giả, tinh thần chung của quy định nêu trên là Tòa án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành các loại bản án, quyết định sau đây:
(1). Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà trong đó Tòa án nước ngoài đã giải quyết nội dung tranh chấp, yêu cầu của đương sự;
(2). Quyết định về nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự về tài sản hoặc có tính chất hình phạt về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài.
Ví dụ: Các bản án, quyết định dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài sau đây được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
- Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài xác định cụ thể quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ, trách nhiệm của các đương sự về vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
- Quyết định của Tòa án nước ngoài công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự về vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
- Quyết định của Tòa án nước ngoài về chi phí, bao gồm chi phí tố tụng của vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
- Quyết định về bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài.
- Quyết định về bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài.
- Quyết định hình phạt tiền trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài.
(Còn nữa)
TAND huyện Cờ Đỏ, Tp Cần Thơ tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, số hóa hồ sơ vụ án dân sự - Ảnh: Hoàng Hải
[1] Khoản 1 Điều 427 của BLTTDS quy định: “1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự”.
Bài liên quan
-
Thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Tây Ninh: Bản án có hiệu lực đã 2 năm, người dân mòn mỏi chờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
Chủ tịch nước Tô Lâm: Chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, chất lượng của nền tư pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận