Một số vướng mắc, bất cập về việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ
Trong bài viết này, bên cạnh việc phân tích những nội dung mới của quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ, chỉ ra những vướng mắt, bất cập còn tồn tại, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 có sửa đổi, bổ sung quan trọng về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.
1. Một số hạn chế, bất cập
Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình thì “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Như vậy, luật đã không dự liệu được trường hợp có những phụ nữ không có tử cung và dự trữ buồng trứng của họ cũng không có trứng (noãn). Với những trường hợp này, để thực hiện mang thai hộ họ phải đi xin trứng của người khác thế nhưng Luật chưa có quy định.
Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về việc người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải là người không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau. Thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng, thậm chí là cả hai vợ chồng bị bất thường di truyền về chuyển đoạn gen khiến người vợ thường bị sảy thai hoặc không có thai được thì sẽ phải xin noãn, hoặc đi xin phôi của người khác mới có thể nhờ người mang thai hộ được. Như vậy, việc quy định về vấn đề này vô tình tức đi quyền làm cha mẹ của những người thuộc trường hợp nêu trên.
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định áp dụng mang thai hộ tại Việt Nam cho cả người Việt Nam và người nước ngoài nhưng tại khoản 2 Điều 5 thì người cho noãn chỉ áp dụng với người Việt Nam và Việt kiều. Còn những trường hợp xin tinh trùng lại không đề cập tới. Vậy có áp dụng mang thai hộ cho người nước ngoài được không? Vấn đề này vẫn chưa được quy định cụ thể trong Nghị định.
Tại điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện để được nhờ người mang thai hộ là: Vợ chồng đang không có con chung. Nói cách khác là chỉ có những cặp vợ chồng chưa có người con chung nào mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Và đây chính là bất cập, là rào cản đối với những cặp vợ chồng tuy đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Bên cạnh đó, mặc dù khoa học trong lĩnh vực y khoa đã phát triển nhanh nhưng trong thực tế vẫn còn không ít trường hợp vì sự can thiệp thủ thuật mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung, cắt bỏ buồng trứng... nên họ không thể có con nếu không cho phép mang thai hộ. Thậm chí ở một bệnh viện đã xảy ra trường hợp có bệnh nhân được chẩn đoán là bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ lại cắt nhầm buồng trứng... Và với những trường hợp này thì nhu cầu có con là hoàn toàn chính đáng.
Tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: “Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ…”; khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.
Thực tiễn thi hành quy định về điều kiện của người mang thai hộ theo quy định định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay quá chặt chẽ, như có những cặp vợ chồng có con chung rồi nhưng đứa trẻ ấy lại mắc bệnh hiểm nghèo và cũng không tìm được người thân thích mang thai hộ, nên giờ đây cơ hội có con là vô cùng khó khăn. Vì quy định quá chặt chẽ nên đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, thậm chí là trái pháp luật. Thời gian gần đây, đã có những trường hợp vi phạm pháp luật về mang thai hộ bị khởi tố, xét xử. Điều này cho thấy mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đang bị biến thành hoạt động thương mại do chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện đối với người mang thai hộ.
2. Một số kiến nghị khắc phục
Theo tác giả cần phải sửa đổi một số quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng bỏ điểm b khoản 2 Điều 95 “Vợ chồng đang không có con chung” và điểm b khoản 2 Điều 95 “Đã có con và chỉ được mang thai hộ một lần”. Tuy quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 hạn chế được tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ nhân đạo, nhưng vô tình tạo ra những khó khăn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Giả xử trong trường hợp nhà có ba chị em gá,i hai chị đầu đều hiếm muộn nhờ em gái mang thai hộ mà cô em chỉ có thể mang thai hộ một lần thì sẽ khó khăn trong việc lựa chọn người chị nào mà mình sẽ mang thai giúp. Có những trường hợp người mang thai hộ không muốn có con nhưng vì tình cảm gia đình muốn mang thai hộ giúp người thân thì cũng không được. Ngoài ra, cần mở rộng về chủ thể được nhờ mang thai hộ, không chỉ cặp vợ chồng vô sinh mà có thể cho phép các cặp vợ chồng khác hoặc phụ nữ độc thân cũng được thực hiện quyền này. Đồng thời cần quy định cụ thể các trường hợp vợ chồng được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật về mang thai hộ.
Tại điểm d khoản 2 Điều 95 cần được sửa đổi như sau: “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” nên được sửa thành “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng (trừ trường hợp chồng của người mang thai hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi)” vì trong thực tế tồn tại nhiều trường hợp trường hợp người chồng mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì không thể có khả năng thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý để vợ thực hiện mang thai hộ, khi đó, yêu cầu về bản xác nhận nêu trên trong hồ sơ là không có cơ sở. Điều này tạo ra những khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế cho cả các bên tham gia cũng như cơ sở y tế khi thẩm định hồ sơ. Vì với điều kiện “cứng” này thì văn bản thể hiện sự đồng ý của người chồng của người mang thai hộ là bắt buộc, dẫn đến hệ quả là người mang thai hộ dù đủ các điều kiện khác nhưng không có văn bản đồng ý của người chồng thì cũng không thể thực hiện được.
Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) triển khai kỹ thuật mang thai hộ, cháu bé ra đời giữa đại dịch Covid-19- Ảnh: Anh Thư/ BNLĐ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận