Một số vướng mắc các biện pháp giảm sát, giáo dục trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
Các biện pháp giảm sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự có ý nghĩa trong việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thể hiện tính nhân đạo, tính giáo dục, đảm bảo được quyền trẻ em nhưng cũng mang tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật chúng tôi thấy vẫn còn nhiều vướng mắc.
1.Quy định của Bộ luật Hình sự 2015
Quy định của BLHS năm 2015 về các biện pháp giảm sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm có 4 điều luật (từ Điều 92 đến Điều 95). Căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự Tòa án có thể áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục được quy định tại mục 2 chương XII của BLHS năm 2015, gồm: Khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
Về điều kiện chung: Điều kiện để áp dụng biện pháp giảm sát, giáo dục được quy định tại Điều 92 BLHS 2015, có thể thấy việc áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục chỉ được thực hiện nếu có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Đây là điều kiện rất quan trọng để quyết định áp dụng hay không việc miễn TNHS và biện pháp phi hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi chỉ khi người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý áp dụng thì mới nâng cao tính tự giác chấp hành, đảm bảo các biện pháp này được thực hiện có hiệu quả trên thực tế, đáp ứng yêu cầu giúp người 18 tuổi nhận thức được lỗi lầm, phòng chống việc tái phạm.
Về thẩm quyền: Điều 92 BLHS năm 2015 xác định cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Về đối tượng áp dụng: Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015:
Khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điểm 134, 141,171, 240, 240, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 42, 44, 150, 15, 168, 101, 248 249 250, 251 và 252 của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”
Các biện pháp giám sát, giáo dục chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS theo các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015. Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS theo Điều 29 BLHS năm 2015 thì người dưới 18 tuổi phạm tội không bị áp dụng các biện pháp phi hình phạt.
2.Những vướng mắc trong áp dụng
2.1. Về điều kiện có sự “đồng ý” của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội
Điều 92 BLHS 2015 quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này”. Theo quy định trên, việc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) và áp dụng một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cần có sự “đồng ý” của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người đó. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ ràng về quy định này dẫn đến thực tế áp dụng có thể gặp một số vướng mắc cụ thể như sau:
Một là: Thủ tục xác định sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội chưa được quy định cụ thể. Do đó, có thể hiểu việc đồng ý có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Tuy nhiên, điều kiện về sự đồng ý của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ đối với việc áp dụng các biện pháp phi hình phạt là điều kiện quan trọng, một trong những điều kiện mang tính chất quyết định để cơ quan tiến hành tố tụng miễn TNHS và áp dụng biện pháp phi hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, việc đồng ý áp dụng biện pháp này cần được thể hiện bằng văn bản.
Hai là: BLHS năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định ý kiến của bản thân người phạm tội hay người đại diện hợp pháp của họ có giá trị cao hơn để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định. Theo đó, việc áp dụng quy định này trên thực tế có thể gặp vướng mắc vì có thể nảy sinh trường hợp người phạm tội đồng ý nhưng người đại diện hợp pháp không đồng ý hoặc người đại diện hợp pháp đồng ý nhưng người phạm tội không đồng ý.
Theo quan điểm của tác giả thì hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục chủ yếu dựa vào sự tự giác chấp hành của chính bản thân người được giám sát, giáo dục. Do đó, trong trường hợp không có sự thống nhất về ý kiến của người dưới 18 tuổi và người đại diện hợp pháp của họ thì ý kiến của người dưới 18 tuổi mang tính chất quyết định.
2.2. Về điều kiện “có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả”
Khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 quy định một trong những điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS theo khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 là người dưới 18 tuổi “có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả”. Có thể hiểu nhiều tình tiết giảm nhẹ là trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, tự nguyện khắc phục hậu quả là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.
Như vậy, vấn đề đặt ra là tình tiết tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả có nằm trong điều kiện về “có nhiều tình tiết giảm nhẹ” hay việc miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp này là “tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả”. Bên cạnh đó, việc hiểu thế nào là “tự nguyện” khắc phục hậu quả có thể hiểu theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 Mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Tuy nhiên việc xác định thế nào được coi là “đã khắc phục được phần lớn” hậu quả do hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi gây ra chưa được hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn áp dụng dễ dẫn đến tình trạng không thống nhất, không đảm bảo sự công bằng.
Theo quan điểm của tác giả, quy định này nên được hiểu theo hướng để được miễn TNHS thì người dưới 18 tuổi cần tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả là điều kiện độc lập, không nằm trong điều kiện “có nhiều tình tiết giảm nhẹ”.
2.3. Về trường hợp người được giám sát, giáo dục không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ
BLHS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chỉ quy định các nghĩa vụ đối với người được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục mà không quy định trường hợp người được giám sát, giáo dục không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ thì xử lý như thế nào. Chỉ có quy định tại khoản 5 Điều 22 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định về trường hợp người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vắng mặt tại nơi cư trú mà không tuân thủ đúng quy định về việc xin phép, thông báo, khai báo tạm vắng thì thời gian vắng mặt không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Mặc dù việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội lấy giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa là chính, nhưng cũng phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nếu quá nghiêng về giáo dục sẽ làm nhòa đi yếu tố không thể thiếu là trừng trị.
Do đó, theo quan điểm tác giả cần quy định cụ thể hậu quả của việc không tuân thủ đúng nghĩa vụ với người dưới 18 tuổi phạm tội.
3.Một số đề xuất , kiến nghị
Từ thực tiễn áp dụng, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể thủ tục xác định sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần ban Nghị quyết để hướng dẫn đối với các biện pháp giảm sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, cần quy định rõ tiêu chí chung về tính chất mức độ lỗi, hậu quả của tội phạm, nhân thân của người phạm tội và các yếu tố khác có liên quan để làm cơ sở cho việc miễn TNHS quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, hạn chế việc “có thể để tránh tùy tiện trong việc áp dụng và đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý tội phạm”. Bởi vì, khi xác định được các căn cứ để miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan có thẩm quyền có thể ra Quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục để thay thế cho hình phạt một cách đầy đủ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, tính chất, mức độ hành vi của người phạm tội.
Thứ ba, về các điều kiện áp dụng cho các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cần được nghiên cứu, chỉnh sửa để phù hợp. Mặt khác, cần nghiên cứu để đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn khi áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các nhà làm luật đưa ra nhiều điều kiện quá, dẫn đến việc trong một số trường hợp khi không đáp ứng được các điều kiện đó thì sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy, cần sửa đổi, hoặc có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện áp dụng đối với các biện pháp giám sát, giáo dục trong BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn.
TAND Quận 8 TPHCM đã tổ chức phiên tòa xét xử theo mô hình phiên tòa thân thiện đối với người chưa thành niên là bị cáo dưới 18 tuổi. Ảnh: TAND Q8
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận