.jpg)
Một số vướng mắc liên quan đến việc bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao
Thực tiễn cho thấy, mặc dù quy định về rút yêu cầu khởi tố đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), không giới hạn về thời điểm bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án. Tuy nhiên, việc rút yêu cầu khởi tố vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì BLTTHS năm 2015 vẫn chưa có điều luật cụ thể quy định.
Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao (Công văn số 254/TANDTC-PC) là văn bản hướng dẫn duy nhất liên quan đến việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Công văn hướng dẫn: “Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm”.
Tuy nhiên, Công văn số 254/TANDTC-PC chưa có hướng dẫn đối với việc giải quyết hậu quả khi Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Cụ thể:
Khi bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Thế nhưng, trong trường hợp này tại bản án sơ thẩm ngoài phần hình phạt, bản án còn giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, xử lý vật chứng… Vậy, khi tuyên hủy bản án sơ thẩm, các vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?
Qua nghiên cứu, tác giả thấy trong một số bản án hình sự phúc thẩm ở một số địa phương được đăng trên Trang Công bố bản án, quyết định của Tòa án và thực tiễn tham gia tố tụng một số vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm và sau đó bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy vì lý do bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, tác giả nhận thấy đang có sự không thống nhất. Theo đó, nhiều địa phương đã có những cách hiểu và giải quyết hậu quả khi hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án khác nhau, dẫn đến những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự mà bị hại rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn xét xử phúc thẩm đã thể hiện một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, đối với vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Ở một số địa phương, khi bị hại rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm ngoài việc quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và nghĩa vụ nộp án phí thì vẫn tiếp tục giải quyết lại nội dung trách nhiệm bồi thường dân sự mà bản án cấp sơ thẩm đã giải quyết tại bản án phúc thẩm. Đối với cách giải quyết này, quyền lợi của bị hại và trách nhiệm bồi thường của bị cáo đối với bị hại vẫn được bảo đảm.
Cũng ở nhiều địa phương khác, khi bị hại rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, cấp phúc thẩm chỉ giải quyết hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, án phí. Ngoài ra, không đề cập, không giải quyết phần trách nhiệm dân sự đã được giải quyết tại bản án sơ thẩm. Trong trường hợp này, đã xảy ra vấn đề là quyền yêu cầu bồi thường của bị hại trong vụ án hình sự không được bảo đảm. Vấn đề này đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà bị cáo gây ra cho bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có), sau khi vụ án hình sự bị đình chỉ thì họ phải yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác hay như thế nào?
Nội dung này đang có sự thiếu sót trong thực tiễn áp dụng pháp luật, dẫn đến sự không thống nhất giữa các Tòa án địa phương, gây ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, tạo nên sự không công bằng và tác động xấu đến tính nghiêm minh của pháp luật. Việc có một quy định thống nhất trong trường hợp này là rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi của bị hại và trách nhiệm bồi thường của bị cáo vẫn được pháp luật thực thi.
Thứ hai, đối với vấn đề xử lý vật chứng.
Vật chứng trong vụ án hình sự phải được xử lý theo đúng quy định. Một số địa phương mặc dù tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án nhưng trong bản án phúc thẩm vẫn tiếp tục ghi nhận lại các vấn đề xử lý vật chứng mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Thế nhưng, không ít bản án Tòa án cấp phúc thẩm địa phương đã thể hiện khi bị hại rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ giải quyết hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và nghĩa vụ nộp án phí. Bản án sơ thẩm bị hủy toàn bộ, vật chứng nằm trong kho vẫn không được giải quyết, điều này gây khó khăn cho việc xử lý vật chứng của Cơ quan thi hành án.
Để bảo đảm sự minh bạch và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và giải quyết được vấn đề áp lực của Cơ quan Thi hành án trong vấn đề xử lý vật chứng và quá tải tại kho bãi lưu giữ vật chứng như hiện nay và cần sớm có một quy định thống nhất trong thực tiễn.
Thứ ba, thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật mà Tòa án đã đình chỉ, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp này phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hành chính. Tuy nhiên, BLTTHS chưa có quy định cụ thể và thống nhất trong hệ thống pháp luật, dẫn đến những bất cập trong thực tiễn áp dụng. Do vậy, rất nhiều địa phương sau khi Tòa án cấp phúc thẩm xét xử đình chỉ vụ án thì thực hiện lưu hồ sơ vụ án tại kho lưu trữ, không chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi của bị cáo.
Tồn tại hạn chế này đã gây ra những dư luận xấu, đối với hành vi tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, bị cáo vừa không bị xử lý hình sự và cũng không bị xử phạt hành chính.
Trên cơ sở quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết hậu quả pháp lý của việc huỷ án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có căn cứ tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015. Những vấn đề cơ bản cần giải quyết đó là: vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, vấn đề xử lý vật chứng; vấn để về thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính khi bản án sơ thẩm bị hủy và đình chỉ.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được nhiều đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
TAND Tp Hải Dương xét xử vụ án hình sự - Ảnh: PV.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Bàn về thực tiễn Tòa án xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để giao cho cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định
-
Áp dụng pháp luật hay áp dụng “nhận thức” pháp luật
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 12 – khóa XIII
-
Một số điểm mới về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đề xuất, kiến nghị
Bình luận