Một số vướng mắc và kiến nghị áp dụng biện pháp kê biên tài sản là quyền sử dụng đất trong hoạt động thi hành án dân sự

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào một số vướng mắc trong việ áp dụng biện pháp cưỡng chế là kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của cơ quan thi hành án dân sự.

Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản và nhân thân, trong các bản án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình... có thể nói hoạt động thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Để bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, công tác thi hành án dân sự đóng vai trò rất quan trọng, đăc biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, chính vì thế các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động thi hành án dân sự. Đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thì không phải bất kỳ người có nghĩa vụ đều tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, có những trường hợp còn cố ý chây ì gây khó khăn cản trở trong việc thi hành án cho nên còn phải có sự cưỡng chế của nhà nước, việc đảm bảo thi hành bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền mới bảo vệ vệ được quyền và lợi ích của các chủ thể.

1.Khái niệm kê biên tài sản là quyền sử dụng đất trong hoạt động thi hành án dân sự

Theo lý thuyết truyền thống của pháp luật dân sự, đất đai là một tài sản nên chủ sở hữu đất đai có ba quyền đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Đây là ba quyền năng cơ bản của chủ sở hữu đối với tài sản. Ở Việt Nam, pháp luật không thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Do vậy, Nhà nước mới là chủ thể có đầy đủ ba quyền năng đối với đất đai. Theo đó, để thực hiện quyền năng của chủ sở hữu, Nhà nước “trao QSDĐ cho người sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Trên cơ sở Hiến pháp, sau đó ngày 29/11/2013, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai năm 2003, Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa rất rõ Điều 53 của Hiến pháp năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”. Nhà nước công nhận QSDĐ cho người sử dụng đất (cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo) thông qua quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hợp đồng cho thuê đất giữa Nhà nước với bên có nhu cầu sử dụng hoặc công nhận QSDĐ đối với người đang sử dụng đất ổn định lâu dài. Người sử dụng đất chỉ được chuyển QSDĐ (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn...)[1]. Trong trường hợp này quyền sử dụng đất được pháp luật thừa nhận cho phép người sử dụng đưa vào trong các giao dịch dân sự trở thành tài sản dùng thế chấp, góp vốn,…

 Kê biên là việc là việc ghi lại hoặc liệt kê lại các loại tài sản một cách có thứ tự[2]. Việc kê biên chỉ được áp dụng đối với bị can bị cáo trong vụ án hình sự hoặc người phải thi hành án trong vụ án dân sự. Biện pháp kê biên là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng bởi Chấp hành viên khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án hoặc có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản[3]. Như vậy, khái niệm kê biên tài sản quyền sử dụng đất trong hoạt động thi hành án được “hiểu là một biện pháp cưỡng chế THADS, mà Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dựa vào quyền lực nhà nước để kê biên quyền khai thác các thuộc tính, công dụng của đất của người phải thi hành án, khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án hoặc có hành vi tẩu tán tài sản”

2.Một số vướng mắc

1.Vẫn tồn tại tình trạng quyền sử dụng đất đã thế chấp không thể kê biên được do nguồn gốc đất là của hộ gia đình nhưng hợp đồng thế chấp không có chữ ký của các thành viên

Tài sản hộ gia đình khi thế chấp chỉ vợ chồng ký vào văn bản thế chấp , các thành viên trong hộ không ký dẫn đến giai đoạn thi hành án các thành viên trong hộ khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp lại phải đưa ra Tòa án để xét xử. Đối với việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu một phần. Việc xử lý tài sản kê biên quyền sử dụng đất lúc này số tiền từ việc xử lý tài sản sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận thế chấp.

2.Không kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án để thi hành bản án do không xác định được mốc giới thửa đất

Vấn đề định vị mốc giới thửa đất khi có tranh chấp là hết sức khó khăn ở địa bàn vùng nông thôn càng khó khăn hơn. Trước đây do công tác đo đạc cấp đất không chính xác vị trí các hộ liền kề không được định vị bằng trụ bê tông cốt thép mà chỉ bằng hàng tre, hàng cây. Sau đó, quá trình ở nhà này cứ lấn sang một chút, khi đo đạc cán bộ địa chính cũng không định vị cứ thể điều chỉnh bản đồ trên giấy nhà ai cũng đủ diện tích. Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra nhà này chồng lên nhà kia, có nhà phải chồng lên đất người khác đến 3 mét. Các bên có đương sự phát sinh tranh chấp. Vì vậy, phải tạm dừng thi hành án đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính

3.Khó xác minh các yếu tố liên quan đến QSDĐ 

Hiện nay, các cơ quan THADS còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là QSDĐ bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật THADS: “Chấp hành viên chỉ kê biên QSDĐ của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định rất nhiều trường hợp QSDĐ được chuyển quyền sử dụng tùy theo mỗi loại phân định về người sử dụng đất (cá nhân, hộ gia đình, tổ chức), phân định trên cơ sở loại đất (đất ở, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để trồng lúa nước, đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm…). Trong trường hợp nhất định, đất được giao cho người phải thi hành án sử dụng chính là công cụ lao động, sản xuất của họ nếu họ là người trực tiếp lao động, sản xuất nông nghiệp và có thu nhập từ diện tích đất nông nghiệp đó. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì người nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp để trồng lúa nước phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có quy định họ được nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp vượt quá hạn mức đất mà pháp luật quy định. Vì vậy, việc xác minh đầy đủ các yếu tố liên quan đến QSDĐ của người phải thi hành án, nhất là điều kiện nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp đã kê biên trong THADS rất khó khăn. 

4.Thiếu cơ chế xử lý tài sản gắn với QSDĐ của người khác 

Theo đó, Điều 95 Luật THADS hiện nay chỉ dừng lại ở việc quy định về kê biên đối với tài sản là nhà ở của người phải thi hành án gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Theo quy định này thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và QSDĐ để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

3.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

1.Sửa đổi quy định về quyền phân chia tài sản chung của Chấp hành viên khi kê biên tài sản chung

Theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, Chấp hành viên được quyền phân chia tài sản chung trong quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên đối với tài sản chung. Chúng tôi cho rằng, Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thẩm quyền tổ chức thi hành án chứ không có thẩm quyền phân chia tài sản của vợ chồng cũng như hộ gia đình. Việc phân chia tài sản để xác định phần sở hữu của người phải thi hành án phải các đương sự tự thoả thuận, không thoả thuận được thì Toà án sẽ phân chia. Chấp hành viên chỉ có thẩm quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án sau khi toà án đã xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 nên sửa đổi  theo hướng: “Trường hợp người phải thi hành án và các đồng sở hữu tài sản chung có thỏa thuận xác định phân chia thì yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó, trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS yêu cầu Tòa án phân chia. Chấp hành viên thực hiện kê biên tài sản của người phải thi hành án theo quyết định phân chia tài sản chung của Tòa án”.

​​​​​​​2.Sửa đổi Điều 110 Luật THADS theo hướng quy định rõ về quyền sử dụng đất nào được kê biên để thi hành án

Luật THADS chưa quy định thống nhất quyền sử dụng đất nào được kê biên để thi hành án. Vì vậy, dẫn đến thực tế áp dụng pháp luật không thống nhất, nên quyền lợi của người phải thi hành án là cá TCTD chưa được bảo đảm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi điều kiện kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án trong Luật THADS cho phù hợp với Luật đất đai hiện hành. Theo đó Điều 110 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định: “Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Bỏ quy định: “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”.

​​​​​​​​​​​​​​3.Sửa đổi khoản 2 Điều 117 Luật THADS theo hướng Chấp hành viên sẽ không giải quyết đối với tài sản trên đất nếu người được thi hành án hoặc người phải thi hành án không khởi kiện

Khoản 2 Điều 117 Luật THADS quy định trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan THADS yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là không phù hợp. Vì trong yêu cầu khởi kiện ban đầu đương sự không yêu cầu giải quyết vấn đề này. Vì vậy, Cơ quan THADS yêu cầu Tòa án giải thích là không hợp lý. Vì vậy, để khắc phục những bất cập, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật nói trên, góp phần giải quyết án tồn đọng trong THADS hiện nay, chúng tôi kiến nghị nên sửa đổi khoản 2 Điều 117 LTHADS theo hướng: Trường hợp trên đất chuyển giao có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó có trước khi bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý thì Chấp hành viên thông báo yêu cầu người được thi hành án khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết đối với các tài sản này. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không khởi kiện thì cơ quan THADS chỉ giao đất mà không giải quyết đối với tài sản trên đất.

​​​​​​​4.Hoàn thiện việc đo đạc của cơ quan có thẩm quyền

Việc tiến hành hoạt động kê biên quyền sử dụng đất của cơ quan thi hành án hiện nay phụ thuộc rất lớn đến việc thể hiện đầy đủ thông tin của thửa đất ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là rất quan trọng. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không thể hiện được như thông tin như ranh giới thửa đất, tài sản gắn liền với đất, diện tích hoặc diện tích nào là đất ở hay đất nông nghiệp… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kê biên quyền sử dụng. Cho nên cơ quan Sở Tài nguyên- Môi trường tại địa phương phải rà soát điều chỉnh đo đạc, chỉnh sửa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phản ứng đúng thực tế thì việc kê biên mới có thể thực hiện được.

 

Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên tổ chức cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất - Ảnh: Thu Lan

 


[1] Điều 167 Luật đất đai 2013

[2] Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh  (1998). Từ điển từ và ngữ Việt Nam, 324

[3] Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014

HOÀNG ANH TUẤN (Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế)