Một số ý kiến về thời hiệu quy định tại Điều 149 BLDS năm 2015

Theo quy định tại các Điều 184, Điều 185 BLTTDS năm 2015 thì trong hoạt động tố tụng dân sự, Tòa án được áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 về thời hiệu bao gồm: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự và các thời hiệu khác.

BLTTDS năm 2015 có nhiều quy định liên quan đến BLDS trong đó có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “1) Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự; 2) Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người  được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”. Điều 185 BLTTDS năm 2015 quy định: “Các quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự.”

Theo quy định tại các Điều 184, Điều 185 BLTTDS năm 2015 mà chúng tôi trích dẫn và trình bày ở trên thì được hiểu là trong hoạt động tố tụng dân sự, Tòa án được áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 về thời hiệu bao gồm: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự và các thời hiệu khác.

1.Các thời hiệu quy định trong BLDS năm 2015. Theo quy định tại Điều 149 BLDS năm 2015, thì thời  hiệu là: “Thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do Luật quy định”. Khoản 1 Điều 149 BLDS năm 2015 có quy định: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, Luật khác có liên quan”.

1.1.Các loại thời hiệu. Theo quy định tại Điều 150 BLDS năm 2015, có các thời hiệu sau đây: Thời hiệu hưởng quyền dân sự; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; Thời hiệu khởi kiện và Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

Quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo một cách nhất định của chủ thể trong quan hệ dân sự để thực hiện bảo vệ lợi ích của mình. Quyền dân sự hiểu theo nghĩa rộng là quyền của chủ thể được pháp luật dân sự quy định như là nội dung của năng lực pháp luật của chủ thể đó. Các chủ thể có năng lực pháp luật dân sự khác nhau thì có các quyền dân sự khác nhau. Còn quyền dân sự hiểu theo nghĩa hẹp là quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự mà chủ thể đó đang tham gia như là quyền tự mình thực hiện những hành vi nhất định, quyền yêu cầu người có nghĩa vụ dân sự thực hiện nghĩa vụ…

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự  là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 154 BLDS năm 2015 là “được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết được hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

BLDS năm 2015 có 4 điều luật quy định thời hiệu khởi kiện là: Điều 429 quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng; Điều 588 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại; Điều 623 quy định thời hiệu thừa kế; Điều 671 quy định thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó.

Về thời hiệu khởi kiện, chúng tôi nhận thấy ngoài bốn điều luật trong BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện mà chúng tôi trình bày ở trên, các Luật khác cũng có quy định thời hiệu khởi kiện. Cụ thể là: Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân (Điều 202). Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Điều 319. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định thời hiệu khởi kiện tại các Điều 174, Điều 186.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện tại các Điều 169, Điều 214, Điều 219, Điều 241, Điều 246, Điều 262, Điều 274, Điều 290, Điều 297 và Điều 336.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 BLDS năm 2015 thì luật khác (không phải là BLDS năm 2015) có quy định thời hiệu khởi kiện thì Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện theo luật đó. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định thời hiệu khởi kiện thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu của người khởi kiện. Ví dụ: Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015 không quy định thời hiệu khởi kiện, do đó, các vụ việc về hôn nhân và gia đình mà chủ thể có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vào thời điểm nào cũng được mà không bị giới hạn về thời hiệu.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu  cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Ngoài các thời hiệu nêu ở trên, Điều 155 BLDS năm 2015 có quy định không áp dụng thời hiệu trong các trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

+ Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

+ Tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

+ Trường hợp khác do luật định.

Quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu mà chúng tôi trình bày ở trên là quy định mở rộng hơn đối với quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 chỉ quy định không áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp sau đây:

+ Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

+ Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu.

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

BLDS năm 2015 giữ nguyên quy định của BLDS năm 2005 về:

– Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (Điều 156 BLDS năm 2015).

– Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (Điều 157 BLDS năm 2015).

2.Về quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015

Tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 đều quy định như sau: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

Quy định này đang có cách hiểu khác nhau. Theo nhận thức của chúng tôi, quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 là quy định bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc nhà nước bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng dân sự là thực hiện quy định của Điều 3 Hiến pháp năm 2013.

Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”

Mặt khác, quy định tại khoản 2 Điều 184 BLDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 là thực hiện nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” được quy định tại Điều 5 của BLTTDS năm 2015. Điều 5 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự…

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Quy định tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015 mà chúng tôi trình bày ở trên là căn cứ pháp luật để quy định nội dung của khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định nội dung của khoản 2 Điều 149 BLTTDS năm 2015. Đây là quy định mở rộng quyền định đoạt về thời hiệu khởi kiện của chủ thể được quyền khởi kiện, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự để giải quyết một thực tế của đời sống xã hội.

Ví dụ 1: Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế đối với động sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hiệu 10 năm, người thừa kế đang quản lý di sản là động sản lại thỏa thuận với các thừa kế khác yêu cầu Tòa án có thẩm quyền không áp dụng thời hiệu thừa kế 10 năm, đồng thời yêu cầu Tòa án chia di sản là động sản. Trường hợp này, trong Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn tại tiểu mục 2.4, mục 4 phần I với nội dung là: “… hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết …”

Quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 khác với hướng dẫn tại tiểu mục 2.4, mục 4 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ở chỗ, vẫn áp dụng quy định của pháp luật dân sự về thừa kế để giải quyết mà không áp dụng quy định của pháp luật dân sự về chia tài sản chung để giải quyết.

Ví dụ 2: Điều 588 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hiệu 03 năm, người có quyền yêu cầu bồi thường là anh H với người chịu trách nhiệm bồi thường là anh T thỏa thuận với nhau không áp dụng thời hiệu khởi kiện là 03 năm theo quy định tại Điều 588 BLDS năm 2015 và anh H có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Mặc dù thời điểm anh H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là sau khi đã kết thúc thời hiệu khởi kiện. Do đó, yêu cầu khởi kiện của anh H được Tòa án thụ lý để giải quyết. Vì anh T và anh H đã có văn bản không áp dụng thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3.Ý kiến đề nghị

Quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 là quy định mới. Để nhận thức và thực hiện thống nhất quy định tại hai điều luật nói trên, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có văn bản hướng dẫn thực hiện về các trường hợp áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của một bên và các trường hợp áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của các bên, đồng thời hướng dẫn ý nghĩa của quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 và quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 đối với đời sống và pháp luật trong xã hội Việt Nam hiện nay và nhiều năm tiếp theo./.

 

 

ĐOÀN XUÂN SƠN (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng)