Nan giải chuyện bồi thường trong vụ án OceanBank
Ngày 29/3/2018 TAND Tp Hà Nội đã xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN góp vào Oceanbank. Vụ án khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là vấn đề bồi thường, thu hồi, trả lại tài sản bị thất thoát sau phiên tòa.
Mức bồi thường rất lớn
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 29/3/2018, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và buộc ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.
Trước đó, ở phiên tòa diễn ra tháng 1/2018, ông Thăng cùng ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) và 20 người bị TAND Hà Nội xét xử về hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (Điều 278 BLHS 1999). Ông Thăng bị phạt 13 năm tù, buộc bồi thường 30 tỷ đồng. Ông Thăng đã kháng cáo.
Tổng số tiền theo hai bản án sơ thẩm, ông Thăng phải bồi thường là 630 tỷ đồng. Vấn đề dư luận quan tâm là ông Thăng có thể thi hành được khoản bồi thường khổng lồ này ( nếu bản án có hiệu lực pháp luật) hay không. Thực tế cho thấy thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự lâu nay rất khó khăn.
Báo thanhnien.vn dẫn ý kiến của một điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra đã không thực hiện việc kê biên tài sản đối với ông Thăng. Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng, các cơ quan tố tụng chỉ kê biên khi xác định các hành vi phạm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm tội cố ý làm trái, có thể kê biên hoặc không và đây là quyền của cơ quan tố tụng.
TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại từ các vụ án cố ý làm trái từ trước đến nay đều rất khó. Nguyên nhân chính là việc quản lý dòng tiền của Việt Nam còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên.
Theo datviet.vn, Luật sư Nguyễn Văn Minh cho biết, các vấn đề dân sự bồi thường khó thực hiện bởi theo quy định, người từ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Trong khi nhiều đối tượng phạm tội tham ô nhưng tài sản của họ lại đứng tên người khác, nếu cơ quan không chứng minh được thì không thể thu hồi. “Tài sản đứng tên ông Thăng (nhà, xe, tài khoản ngân hàng…) hoặc của người thứ 3 nhưng cơ quan chức năng chứng minh được là của ông Thăng chuyển cho họ đứng tên thì có thể có khả năng thu hồi”- ông Minh nói.
VN Express dẫn số liệu từ Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy, bản án phúc thẩm ra ngày 30/8/2012 tuyên cựu Chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 8 đồng phạm phải bồi thường hơn 1.100 tỷ đồng, riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng. Hai năm sau, số tiền thi hành án mới thu được 2,4 tỷ đồng.
Trong vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines), toà tuyên các bị cáo phải bồi thường hơn 360 tỷ đồng, song đến tháng 2/2016 cơ quan thi hành án mới thu được hơn 19 tỷ.
Bản lĩnh Thẩm phán
Liên quan đến vấn đề bồi thường tài sản bị thất thoát, một chuyên gia đánh giá việc tuyên án về số tiền 20 tỷ đồng trong vụ án mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn chuyển đến thông qua Nguyễn Xuân Thắng, thể hiện bản lĩnh của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa.
Cáo trạng và luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cho rằng 20 tỷ đồng mà bị cáo Quỳnh nhận từ bị cáo Sơn là nằm trong số tiền Sơn nhận từ OJB để chăm sóc khách hàng PVN, nên thuộc quyền sở hữu của PVN, đề nghị Hội đồng xét xử quyết định chuyển trả 20 tỷ đồng này cho PVN, và truy tố Quỳnh phạm tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của PVN.
Trong khi đó tại Bản án sơ thẩm số 330 ngày 29/9/2017 của TAND TP Hà Nội, thì tuyên rằng số tiền Sơn nhận từ OJB có 20% là tài sản của PVN do PVN có 20% cổ phần tại OJB, dẫn đến HĐXX đã tuyên bị cáo Sơn phạm tội tham ô mà hiện nay dư luận còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Trong lúc đó, vị đại diện quyền lợi cho PVN cho rằng, số tiền 20 tỷ do Thắm quyết định chuyển cho Sơn để chuyển cho Quỳnh không liên quan đến quyền lợi của PVN nên PVN không nhận số tiền này và đề nghị Tòa án trả cho OJB.
Còn đại diện OJB cho rằng, đây là số tiền thuộc sở hữu của OJB. OJB chuyển cho Sơn để nhằm chăm sóc khách hàng PVN chứ không phải thuộc sở hữu 20% của OJB, nên đề nghị HĐXX tuyên trả cho OJB.
Sau khi nghe các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra các chứng cứ và tranh luận về ai là sở hữu số tiền 20 tỷ đồng này, HĐXX xét thấy, đây là tiền thuộc sở hữu của OJB, đã tuyên trả cho OJB.
Việc HĐXX đã tuyên trả 20 tỷ trên về cho OJB là hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 35, 36, Điều 110 của Luật doanh nghiệp. PVN góp 800 tỷ đồng vào OJB thì số tiền này trở thành sở hữu của OJB. OJB là một pháp nhân, độc lập hoàn toàn với các cổ đông (trong đó có PVN) về quyền và nghĩa vụ về tài sản. Do đó, trong quá trình sản xuất kinh doanh mà có lãi hay thua lỗ thì sẽ được hạch toán vào tài sản của OJB.
Trong trường hợp này, PVN chỉ là bên sở hữu 20% cổ phần của OJB và có quyền, lợi ích tương ứng với số cổ phần của mình mà thôi. Đây là những quy định hết sức cơ bản của pháp luật về vốn, tài sản của doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của cổ đông và pháp nhân.
Với việc áp dụng pháp luật đúng đắn và chặt chẽ, cách suy nghĩ mới, HĐXX cho rằng bản chất số tiền này là thuộc OJB chứ không thuộc PVN là chính xác.
Đây là vụ án lớn, rất phức tạp. Trao đổi với tapchitoaan.vn, vị chuyên gia đánh giá “Hội đồng xét xử và bà Thẩm phán đã bác bỏ đề nghị của VKS và quyết định tuyên trả số tiền 20 tỷ của Quỳnh nhận từ Sơn cho OJB. Đây không chỉ nói lên trình độ, năng lực của HĐXX nói chung và bà Thẩm phán nói riêng, mà còn khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp của những người tham gia HĐXX, có chức năng bảo vệ công lý và lẽ phải nên chỉ tuân theo pháp luật. Đây là tinh thần thượng tôn pháp luật của bà Thẩm phán cũng như Hội đồng xét xử ngày 29/3/2018 về quyết định số phận sở hữu 20 tỷ đồng là của OJB”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
3 Bình luận
hà đức
11:46 26/12.2024Trả lời
1 phản hồi
Võ Trần Chiên
11:46 26/12.2024Trả lời
người lính già
11:46 26/12.2024Trả lời