Ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vaccine của Việt Nam để lừa đảo
Chiều tối 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác ngoại giao vaccine - Những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Y tế; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.
Nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao thứ 4 thế giới
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, lãnh đạo cấp cao đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi; gửi hơn 100 thư tới Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn sản xuất vaccine để vận động, thúc đẩy chuyển giao vaccine cho Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ trưởng và Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan đã có hàng trăm cuộc trao đổi, điện đàm, làm việc, gửi thư với các tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan, đồng thời tổ chức triển khai liên tục các hoạt động đồng bộ để tiếp cận các nguồn vaccine nhanh nhất và sớm nhất có thể.
Trong tổng thể chiến dịch ngoại giao vaccine, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao làm Tổ trưởng cùng thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, đã làm tốt công tác tham mưu, tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao vaccine với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, trách nhiệm cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Nhờ đó, nếu đến tháng 6/2021, Việt Nam mới có 4,3 triệu liều, đến hết năm 2021 đã tiếp nhận trên 192 triệu liều, vượt 30% chỉ tiêu 150 triệu liều theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đến ngày 11/9/2022, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).
Về trang thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, Việt Nam đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất được sản xuất, phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.
Cùng với đó, chúng ta thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, trong đó, thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong nước đã ký các thỏa thuận hợp tác đóng gói vaccine, hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine công nghệ mRNA. Việt Nam là một trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.
Chiến dịch ngoại giao vaccine đã thành công, giúp “Xoay chuyển tình thế”, đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia “đi sau về trước” trong triển khai tiêm chủng, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược ứng phó dịch bệnh sớm nhất tại khu vực. Tờ Financial Times đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao thứ 4 thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Hương Liên cho biết: Đến ngày 29/11/2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.
Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dung đa dạng các loại vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an với tư cách là thành viên của Tổ công tác về ngoại giao vaccine cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp trong nắm bắt tình hình để tham mưu với Đảng, Nhà nước, góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, bước đi, triển khai nhiệm vụ cụ thể của ngoại giao vaccine. Thông qua hợp tác về an ninh, tình báo, cơ quan thực thi pháp quyền để vận động, tác động, kết nối trong hỗ trợ, tìm kiếm, tiếp cận, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế.
Đồng thời, Bộ Công an đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vaccine của Việt Nam để lừa đảo, nhiều trường hợp để khuếch trương thanh thế.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine, lớn nhất trong các nước được Mỹ viện trợ, cũng là nhiều nhất trong các nước viện trợ vaccine cho Việt Nam. Quan trọng hơn là viện trợ vaccine của Mỹ đúng vào thời điểm ta rất cần, vào lúc độ phủ vaccine của ta đang rất thấp và tình hình diễn biến phức tạp.
Bên cạnh vaccine, Mỹ đã viện trợ 111 tủ bảo quản vaccine, hệ thống máy thở, hệ thống cung cấp oxy, trang thiết bị y tế, các thiết bị xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19… Các doanh nghiệp, hiệp hội Mỹ viện trợ các thiết bị trên với giá trị nhiều triệu USD. Kiều bào tại Mỹ cũng quyên góp rất nhiều thiết bị hiện đại và chuyển về cho các cơ sở y tế trong nước tại nhiều địa phương.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, thành công của ngoại giao vaccine và Chiến lược vaccine là điều kiện tiên quyết để nước ta chuyển sang thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực là do đã sớm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa để phục hồi và phát triển kinh tế.
Ở đâu có vaccine thì tiếp cận nơi đó
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của ngành Ngoại giao vào hoạt động ngoại giao vaccine, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ, cái khó của chúng ta lúc ban đầu là có tiền và chịu tất cả rủi ro mà vẫn không có được vaccine vì tiếp cận vaccine không bình đẳng; chúng ta là một nước có nền kinh tế còn khiêm tốn, điều kiện còn khó khăn. Đến tháng 5/2021, Việt Nam mới nhận được lô vaccine đầu tiên của COVAX. Đến giữa tháng 10/2021, số liều vaccine nhận được đã tăng mạnh lên 97,5 triệu liều.
Nhờ có vaccine, kiểm soát được dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực; bảo đảm các cân đối lớn. Chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đạt được như vậy là do nhiều nguyên nhân. Chúng ta đã đề ra Chiến lược vaccine phù hợp, đúng đắn, hiệu quả. Chúng ta có đường lối đối ngoại đúng đắn, độc lập, tự chủ, là đối tác tin cậy, bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trên hết là có sự lãnh đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chuyển đổi trạng thái chống dịch từ biện pháp hành chính sang biện pháp khoa học; trong lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, quyết đoán trong tổ chức thực hiện; trong hoạt động ngoại giao vaccine cũng hết sức tích cực, miễn là có vaccine. “Ở đâu có vaccine thì tiếp cận nơi đó, bằng các phương pháp như mua, vay, mượn, ứng trước để có vaccine tiêm cho nhân dân”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự tâm huyết, trách nhiệm của các Đại sứ, cán bộ đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để tiếp cận vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế; sự giúp đỡ tận tình, chân thành của bạn bè quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong ngoại giao vaccine.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nắm chắc diễn biến tình hình, xuất phát từ thực tiễn để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; bình tĩnh, sáng suốt, càng khó khăn, phức tạp càng kiên trì, kiên quyết, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp làm; tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thủ tướng cho rằng, vận động ở cấp cao có tính quyết định nhưng công tác tư vấn, tham mưu của các cơ quan đại diện ngoại giao có tính chất quan trọng. Cũng theo Thủ tướng, thời gian tới, đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, diễn biến còn phức tạp trên thế giới; biến chủng virus còn biến đổi, lẩn tránh vaccine; vaccine suy giảm miễn dịch theo thời gian; một nửa dân số thế giới chưa được tiêm chủng vaccine, thậm chí người tiêm rồi vẫn có thể bị mắc lại. Do đó, chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tiến hành ngoại giao vaccine; đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, học sinh; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.
**
Tại Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Hữu nghị tặng ông John Paul Pullicino Said Anthony, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Tập thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer Việt Nam; ông Darrell Oh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam.
Bài liên quan
-
Tàu bay mang biểu tượng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp đã về tới TP. Hồ Chí Minh sau hành trình cảm xúc
-
Bộ Ngoại giao Việt Nam nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông
Khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa -
Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam
-
Chuỗi nhà thuốc Long Châu chiếm 60% thị phần, dự kiến mở 100 trung tâm vaccine trong năm 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận