Nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án dân sự có yêu cầu trách nhiệm liên đới và thực tiễn áp dụng pháp luật tại Tòa án

Hiện nay về nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp có yêu cầu trách nhiệm liên đới theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn có nhiều quan điểm khác nhau, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin nêu một số quan điểm của mình về vấn đề này. thông qua thực tiễn xét xử, giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.

1. Quy định của pháp luật

Án phí theo quy định của pháp luật là một khoản chi phí trong mỗi vụ án về xét xử mà đương sự phải nộp do cơ quan có thẩm quyền quy định để giải quyết vụ án đó. Các quy định của nhà nước về án phí và lệ phí được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí tòa án.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có một số loại án phí như: Án phí hình sự; án phí dân sự; án phí kinh tế; án phí lao động; án phí hành chính và các loại án phí khác.

Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị quyết 326 /2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí tòa án có thể xác định các loại án phí trong vụ án dân sự mà đương sự phải nộp đó là:

 Một là, án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch (là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể).

 Hai là, án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch (là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể).

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 326 /2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí tòa án cũng quy định rất cụ thể và chi tiết về vấn đề nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định như sau:  Khi yêu cầu của đương sự không được Tòa án chấp nhận thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận thì nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

2.Thực tiễn áp dụng

Thực tế, Hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nghĩa vụ chịu án phí của đương sự. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập về nghĩa vụ chịu án phí của đương sự trong trường hợp có yêu cầu trách nhiệm liên đới và thực tiễn hiện nay.

Ví dụ, trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty AK và Công ty MC, theo đó nguyên đơn trình bày: Từ năm 2020 đến năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng MC do ông Trần Hồng H làm đại diện nhiều lần mua hàng hóa là vật liệu xây dựng từ Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất AK. Nay Công ty AK yêu cầu Công ty xây dựng MC cùng ông Trần Hồng H có trách nhiệm liên đới thanh toán cho Công ty AK số tiền nợ 640.509.289 đồng. Tại Bản án kinh doanh thương mại số 29/2022/KDTM - ST ngày 09/11/2022 của TAND thành phố C, tỉnh M đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty AK. Buộc ông Trần Hồng H có trách nhiệm thanh toán cho Công ty AK tổng số tiền 640.509.289 đồng. Không chấp nhận đối với yêu cầu buộc Công ty MC cùng có trách nhiệm liên đới thanh toán nợ cho Công ty AK.

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Ông Trần Hồng H phải chịu 29.620.000 đồng. Công ty AK không phải chịu.

Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về phần án phí:

Quan điểm thứ nhất:  Tòa án nhân dân thành phố C tuyên xử Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Anh K không phải chịu án phí là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, bởi lẽ toàn bộ số tiền yêu cầu khởi kiện đã được chấp nhận, mặc dù không chấp nhận đối với yêu cầu buộc Công ty MC cùng có trách nhiệm liên đới thanh toán nợ.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Việc Tòa án thành phố C tuyên xử Công ty AK không phải chịu án phí là không đúng với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Mặc dù, toàn bộ số tiền yêu cầu khởi kiện được chấp nhận nhưng yêu cầu Công ty MC cùng có trách nhiệm liên đới thanh toán nợ không được chấp nhận thì Công ty AK phải chịu án phí không có giá ngạch do không được chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu liên đới.

Trong trường hợp này phải tuyên về phần án phí như sau: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Ông Trần Hồng H phải chịu 29.620.000 đồng; Công ty AK  phải chịu án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng. Việc tuyên như vậy sẽ rõ ràng, đúng với quy định pháp luật. Bởi khoản 1 Điều 147 BLTTDS về Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm quy định:

“1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm…”.

…Đồng thời, Điều 26 Nghị quyết 326/NQ-QH về án phí, lệ phí Tòa án quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm:

“1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm…”. Do Công ty AK không được chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện nên phải chịu án phí không có giá ngạch.

Hơn nữa, chúng ta cần hiểu bản chất của thực hiện “nghĩa vụ liên đới” là như thế nào. Có thể hiểu đây là trường hợp người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Nếu một trong số những người đương sự yêu cầu có trách nhiệm liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ mà những yêu cầu này không được chấp nhận. Nghĩa là, họ phải chịu án phí sơ thẩm do yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.  

3.Kết luận

Án phí dân sự là một phần trong quyết định của Tòa án khi giải quyết các vụ án dân sự. Án phí dân sự không chỉ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của dân sự mà còn liên quan đến khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Từ bất cập nêu trên có thể thấy được quy định của pháp luật hiện hành theo tinh thần Nghị quyết số 326 về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với những vụ án có yêu cầu trách nhiệm liên đới còn những cách hiểu khác nhau, chưa được thống nhất áp dụng trong công tác xét xử các loại án hiện nay. Trên đây là quan điểm của tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý độc giả.

 

TAND huyện Tân Uyên, Lai Châu xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Lò Đanh

 

 

NGUYỄN BÍCH NHƯ – TRẦN HUYỀN TRÂN (Toà án nhân dân Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau)