Nghiêm cấm lợi dụng các quy định về chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc trù dập
Đây là một nội dung trong Quyết định số 2008/QĐ-TANDTC ngày 26/11/2021 của Chánh án TANDTC về việc chuyển đổi vị trí công tác trong TAND vừa được công bố. Quyết định này là một trong các giải pháp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Phạm vi và đối tượng
Quy định này quy định về đối tượng, nguyên tắc chuyển đổi, thẩm quyền chuyển đổi, phương thức và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý (sau đây viết tắt là công chức, viên chức) đang công tác tại TAND các cấp, có vị trí làm việc trong các lĩnh vực công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý các dự án; công tác tổ chức cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi đua khen thưởng; giáo dục đào tạo hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Việc chuyển đổi vị trí công tác trong TAQS do Chánh án TAQSTW đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Việc luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
Nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác
Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện định kỳ, thường xuyên, áp dụng đối với công chức, viên chức được bố trí vào các vị trí công tác thuộc các lĩnh vực hoặc bộ phận công tác.
Cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật về công chức, viên chức và quy định của pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của TAND.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý; phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác, không làm thay đổi tính chất công việc của người phải chuyển đổi vị trí công tác; chống cục bộ, bè phái, cá nhân; không gây mất đoàn kết và không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị.
Phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.
Nghiêm cấm lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập.
Thời hạn và phương thức
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 3 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng công việc, lĩnh vực.
Đối với vị trí định kỳ phải chuyển đổi công tác có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác, cần có tính ổn định, kết hợp đào tạo chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực công tác và công chức, viên chức công tác tại vị trí này có năng lực, uy tín, hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên thì lãnh đạo đơn vị có thể quyết định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nhiều hơn 05 năm.
Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác: Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý (sau đây gọi là chuyển đổi nội bộ) hoặc giữa các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý thuộc đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải được tập thể lãnh đạo và cấp ủy của đơn vị thông qua dự thảo; được công bố công khai trong thời hạn 15 ngày để toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia đóng góp ý kiến; sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp, tập thể lãnh đạo và cấp ủy thảo luận thông qua và báo cáo Lãnh đạo trực tiếp phụ trách đơn vị.
Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của TAND.
Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức được thông báo công khai cho công chức, viên chức thuộc diện phải chuyển đổi biết trước 30 ngày, tính từ ngày bắt đầu chuyển đổi vị trí công tác.
Thẩm quyền chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo phân cấp quản lý công chức, viên chức trong TAND.
Trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác
Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái.
Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ chết hoặc trong trường hợp khách quan khác, trừ trường hợp theo nguyện vọng của công chức, viên chức.
Không thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt
Cơ quan, đơn vị có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do Thủ trưởng cấp trên trực tiếp xem xét quyết định trên cơ sở đề xuất của người người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng báo cáo Thủ trưởng cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc chuyển đổi hay không đối với các vị trí công tác liên quan đến hoạt động xét xử, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực.
Thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án TANDCC, Chánh án TAND có trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, báo cáo Lãnh đạo TANDTC phụ trách phê duyệt (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).
Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án TANDCC, Chánh án TAND cấp tỉnh có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý và tổ chức triển khai thực hiện đúng Quy định này; trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức bàn giao công việc chuyển đổi vị trí công tác; báo cáo kết quả về Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC để theo dõi, tổng hợp.
Vụ Tổ chức - Cán bộ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra các đơn vị thuộc TANDTC, TANDCC, TAND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo thẩm quyền quản lý; báo cáo Lãnh đạo TANDTC kết quả thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1260/2008/QĐ-TANDTC ngày 24/9/2008 của Chánh án TANDTC về việc ban hành Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức ngành TAND.
Trụ sở TANDTC 43 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Bảo Thư
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận