Ngoại giao vaccine là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài
Chiến lược vaccine đã và đang được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan tới ngoại giao vaccine, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Phóng viên: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine đóng vai trò quan trọng, then chốt trong chiến lược. Đại biểu của đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện “ngoại giao vaccine” của Việt Nam trong thời gian qua?
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà: Trong 6 tháng đầu năm 2021, thế giới mới sản xuất được 4,5 tỷ liều vaccine, so với 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Tiến trình thực hiện các cam kết và bàn giao vaccine cũng được triển khai khá chậm. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vaccine cũng làm gia tăng sự khan hiếm vaccine với nhiều quốc gia. Tình trạng khan hiếm vaccine nghiêm trọng như vậy là do 3 nguyên nhân: Thứ nhất, sản xuất, cung ứng chỉ tập trung vào một số nước phát triển, không theo kịp nhu cầu gia tăng đột biến trên toàn cầu; Thứ hai, nhiều nước phát triển thực thi chính sách tích trữ quá mức so với nhu cầu; Thứ ba, do ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng nguyên nhiên liệu, sản xuất vaccine, cùng với quá trình chuyển giao công nghệ mất nhiều thời gian.
Ngoại giao vaccine là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vaccine và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu như hiện nay, đặc biệt khi vaccine do Việt Nam sản xuất vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thì “ngoại giao vaccine” là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.
Có thể nói, công tác ngoại giao vaccine của ta trong thời gian qua đã được thực hiện rất quyết liệt, bài bản. Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine. Theo đó, ngoại giao vaccine được xác định là một mũi nhọn, tranh thủ các mối quan hệ song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.
Để thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Tính tới nay, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các đại sứ ta tại các nước đã thực hiện hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi, tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine từ các quốc gia. Không có cuộc làm việc đối ngoại nào không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.
Không chỉ ở kênh song phương, Việt Nam cũng đẩy mạnh ngoại giao vaccine ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine. Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu. Tính đến ngày 12/8, Việt Nam nhận được hơn 20,5 triệu liều vaccine COVID-19 từ nhiều nguồn, trong đó COVAX hỗ trợ gần 9,2 triệu liều và cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo, nguồn được tặng là hơn 3,7 triệu liều. Các nước đã viện trợ và cam kết chia sẻ vaccine COVID-19 lớn nhất cho Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ,... và một số nước khác (Balan, Séc…) cũng có những cam kết cụ thể với Việt Nam.
Ngoại giao vaccine không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài. Bởi “Đây là bài toán cơ bản để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước”
Phóng viên: Tại các cuộc hội đàm song phương và đa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn quan tâm tới nội dung “ngoại giao vaccine”, trong đó có đề xuất việc hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác ngoại giao vaccine của Quốc hội nói chung và của Ủy ban Đối ngoại nói riêng?
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà: Cùng vào cuộc với cả hệ thống chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt trong triển khai chiến lược ngoại giao vaccine, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất vaccine…
Đại sứ quán Việt Nam nhận bàn giao vaccine do Ba Lan viện trợ ngày 20/8 - Ảnh: ĐSQVN tại Ba Lan
Tại các cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội các nước như Chủ tịch Hạ viện Australia (07/6/2021), Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc (17/6/2021), Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản (21/6/2021), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc (23/6/2021), Chủ tịch Hạ viện Maroc (07/7/2021), Chủ tịch Quốc hội Hungary (12/7/2021), Chủ tịch Quốc hội Singapore (14/7/2021)… bên cạnh các nội dung hợp tác nghị viện song phương, Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần đề cập tới vấn đề hợp tác trong phòng, chống COVID-19, hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Tại các phiên thảo luận cấp cao tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế như AIPA, IPU, APPF, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với nghị viện các nước trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch, duy trì phát triển kinh tế xã hội ổn định. Bên lề các diễn đàn nghị viện đa phương, lãnh đạo Quốc hội tranh thủ tiếp xúc song phương với các đối tác để trao đổi hợp tác về tiếp cận vaccine và hỗ trợ nguồn cung vaccine cho Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Ủy ban Đối ngoại cũng chủ động tham gia đề xuất các nội dung liên quan đến ngoại giao vaccine cho lãnh đạo Quốc hội khi trao đổi, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, tiếp Đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế, đề nghị các nước hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19, hợp tác trong chia sẻ bản quyền công nghệ sản xuất vaccine.
Phóng viên: Theo đại biểu, trong thời gian tới, công tác ngoại giao vaccine cần thực hiện theo phương châm nào để nâng cao hiệu quả?
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà: Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine gồm 3 nội dung lớn: Thứ nhất, tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; Thứ hai, đẩy nhanh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam; Thứ ba, thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Trong đó, "Ngoại giao vaccine" được xác định là một mũi nhọn để thực hiện chiến lược trên, trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Theo tôi đây là cách tiếp cận đúng đắn.
Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần đặt mục tiêu tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện triển khai hiệu quả hơn, quyết liệt hơn “ngoại giao vaccine” tập trung vào 3 hướng chính:
Một là, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan đôn đốc, đeo bám triển khai cam kết mà chúng ta đã ký với các đối tác 150 triệu liều vaccine để cung cấp cho 70% dân số Việt Nam trong thời gian tới.
Hai là, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam.
Ba là, thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài.
Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ đã chính thức thành lập Tổ công tác của Chính phủ về Ngoại giao vaccine. Đại biểu có thể cho biết dự kiến phối hợp của Ủy ban Đối ngoại với Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà: Mục tiêu đặt ra là 150 triệu liều vaccine, tuy nhiên, hiện nay số lượng vaccine về nước vẫn còn hạn chế và số người được tiêm mới chỉ đạt hơn 13 triệu người. Đó cũng là lý do vì sao Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương.
Tổ công tác trực thuộc Chính phủ gồm đại diện các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; Văn phòng Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại là cơ quan của Quốc hội, không thuộc Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực cho Tổ công tác về ngoại giao vaccine trong triển khai các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội theo chức năng và thẩm quyền của mình.
Trước mắt, tại Đại Hội đồng AIPA-42 diễn ra từ 23 - 25/8/2021, một trong các nội dung quan trọng được đề cập tới trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp toàn thể cũng như thảo luận của các Đại biểu tại các Ủy ban đó là thúc đẩy đóng góp Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN và triển khai Kế hoạch chung của ASEAN mua vaccine hỗ trợ người dân và thúc đẩy năng lực tự cường về vaccine ở khu vực; các nghị viện thành viên tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao khả năng ứng phó chủ động của từng quốc gia, hỗ trợ lẫn nhau từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp đó, tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới vào tháng 9/2021 tại Áo và chuyến thăm chính thức Nghị viện Châu Âu, Bỉ và Phần Lan, trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ đề nghị các nước hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine, hợp tác trong chia sẻ bản quyền công nghệ sản xuất vaccine.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận