Nguyên đơn bị đình chỉ giải quyết vụ án do không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản có được khởi kiện lại ?
Vấn đề đặt ra đối với trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015 mà Tòa án đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 thì họ có quyền khởi kiện lại hay không có quyền khởi kiện lại, hiện có hai quan điểm khác nhau, cần có hướng dẫn để nhận thức thống nhất.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. So với BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 có rất nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn công tác xét xử, những hạn chế bất cập của BLTTDS 2004, đặc biệt là quy định về đình giải quyết vụ án dân sự[1] và hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự[2], trong đó có bổ sung quy định đình chỉ việc giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong trường hợp đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015.
Cụ thể là: Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS thì đình chỉ vụ án; trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (điểm đ khoản 1 Điều 217).
Như vậy, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì việc nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác là một trong các trường hợp để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Điều 218 BLTTDS 2015 quy định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án chỉ đề cập đến việc xử lý tiền tạm ứng án phí mà không quy định trường hợp này có được khởi kiện lại hay không.
Vấn đề đặt ra đối với trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015 mà Tòa án đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 thì họ có quyền khởi kiện lại hay không có quyền khởi kiện lại, hiện có hai quan điểm khác nhau như sau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác cũng tương tự như trường hợp đình chỉ vì nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nên họ được quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Điều 218 có quy định liệt kê cụ thể về trường hợp được quyền khởi kiện lại nhưng không có trường hợp này nên đương sự không được quyền khởi kiện lại.
Tác giả bài viết này nghiêng về quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, mặc dù việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước đó về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp nhưng về bản chất vụ án trước đó đình chỉ việc giải quyết là do đương sự không nộp chi phí định giá tài sản và các chi phí khác theo quy định của BLTTDS còn phần nội dung vụ án thì chưa được giải quyết.
Trong thực tiễn xét xử, không ít trường hợp vì lý do khách quan mà nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015, ví dụ như trường hợp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản quá lớn, đặc biệt là tiền tạm giám định trong xây dựng mà đương sự có khó khăn về kinh tế không thể có tiền nộp theo yêu cầu của Tòa án. Trường hợp này, nếu “máy móc” theo quan điểm thứ hai, cho rằng Điều 218 đã liệt kê cụ thể những trường hợp được quyền khởi kiện lại mà trong đó không có trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác để nói rằng họ không có quyền nộp đơn khởi kiện lại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyền dân sự và quyền yêu cầu bảo vệ quyền dân sự của người dân.
Việc thiếu vắng quy định quyền khởi kiện lại đối với trường hợp này trong quy định về hậu quả của việc đình chỉ việc giải quyết vụ án tại Điều 218 là một “khiếm khuyết” của BLTTDS 2015, thiếu sự tương thích với các quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự tại các điều 2, 11 và 14 của Bộ luật Dân sự 2015[3].
Do đó, về lâu dài cần bổ sung quy định quyền khởi kiện lại đối với trường hợp đình chỉ do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác vào khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung Bộ luật này.
Khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định: “1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”. Điều này có nghĩa là khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Cần nhấn mạnh “trường hợp khác theo quy định của pháp luật” thì “pháp luật” ở đây bao gồm cả luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Có thể thấy, đây là quy định “quét” mà các nhà làm luật dự phòng cho các trường hợp phát sinh được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trường hợp liệt kê chưa đầy đủ.
Vì vậy, theo tác giả, để khắc phục “khiếm khuyết” nêu trên của BLTTDS 2015, bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật, trước mắt, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn theo hướng đối với trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015 thì có quyền khởi kiện lại.
[1] Điều 217 BLTTDS 2015 quy định:
“Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
- Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
- a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
- c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
- d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
- g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
- h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
- a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
- b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
- c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
- Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu; trong trường hợp này, Tòa án phải sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
[2] Điều 218 BLTTDS 2015 quy đinh:
“Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
- Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
- Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.”
[3] Các điều 2, 11 và 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự
- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
- Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự
Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
- Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình;
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
- Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Điều 14. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
- Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.
Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
- Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận