Nguyễn Quốc H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì?” của tác giả Trần Thanh Bài đăng ngày 12/4/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai của tác giả.
Theo quy định của Điều 176 BLHS, thì hành vi khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản là: “Hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận tài sản đó theo quy định của pháp luật”.
- Đối tượng tác động của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là:
+ Tài sản bị giao nhầm là tài sản bị giao không đúng người được nhận hoặc tài sản bị giao thừa về số lượng, nhầm lẫn về chất lượng. Tài sản bị giao nhầm hoàn toàn do lỗi của người giao. Người chiếm giữ không cố ý tạo ra sự nhầm lẫn này.
+ Tài sản tìm được, bắt được là tài sản bị người khác đánh rơi, bỏ quên.
+ Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà tài sản không có quản lý hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu nhưng theo quy định của pháp luật thì thuộc về Nhà nước.
Có thể hiểu, tài sản là đối tượng của tội phạm phải không có hoặc chưa có người quản lý và thoát ly khỏi sự chiếm hữu của chủ tài sản vì những lí do như: bỏ quên, bị đánh rơi, giao nhầm… Người phạm tội do ngẫu nhiên mà có được tài sản như: nhận nhầm, nhặt được… Khi có được tài sản do ngẫu nhiên mà có, người phạm tội lại tiếp tục chiếm giữ và định đoạt tài sản, dựa vào đặc điểm này có thể phân biệt với hành vi chiếm giữ trái phép với các chiếm đoạt khác.
Sau khi có được tài sản do bị giao nhầm, do mình tìm được, bắt được, chủ sở hữu người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm phát hiện được sự nhầm lẫn hoặc làm thất lạc của họ hoặc xác định được tài sản đó thuộc quyền sở hữu nhà nước, đã yêu cầu người phạm tội trao trả để được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người phạm tội đã “cố tình không trả” lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm với tài sản đó. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội cố tình không trả lại tài sản chiếm giữ sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Từ đó, ta thấy được ban đầu anh H chiếm giữ chiếc ví của vị khách thông qua nhặt được khi vị khách bỏ quên nhưng sau đó lại cố tình không trả lại tài sản cho vị khách theo quy định của pháp luật. Hành vi cố tình không trả lại chiếc ví của H thể hiện ở việc:
+ V là con của anh H đã nói với anh H tìm cách nào trả lại ví cho người để quên.
+ Chị Th là vợ của anh H đã gọi điện cho bạn làm việc ở Tổng Công ty Viễn thông xác định D là chủ sở hữu ví, nhưng anh H không gọi điện để trả lại ví cho D mà anh H chỉ đưa giấy tờ của chủ ví cho chị Th mang ra quán cà phê để trả, còn lại anh H đã giữ lại chiếc ví và toàn bộ số tiền trong ví.
Như vậy, anh H cố ý không trả lại số tiền, anh H biết rõ số tiền đó và đến thời điểm đã xác định được chủ sở hữu nhưng anh H vẫn tiếp tục không trả và chiếm hữu số tiền đến cùng. Như vậy, việc chiếm giữ của anh H là trái pháp luật. Do đó, quan điểm anh H không phạm tội là không hợp lý. Bởi vì hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của anh H hoàn thành từ thời điểm người phạm tội cố tình không trả lại tài sản chiếm giữ sau khi biết chủ sở hữu theo quy định của pháp luật và anh H đã biết rõ chủ sở hữu tài sản đó. Lúc cán bộ Công an hỏi anh H về việc nhặt được ví của khách để quên ở quán cà phê, thì anh H nhận có nhặt được và nộp lại ví và toàn bộ tài sản trong ví cho cơ quan Công an, việc anh H thấy cán bộ Công an gặp mình để hỏi và sau đó trả lại chỉ thể hiện rằng anh H đã ý thức được rằng hành vi của mình đã bị phát hiện nên không còn cách nào khác, phải trả lại số tiền đó.
Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả, mong nhận được các ý kiến phản hồi từ người đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, Kon Tum xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Sen Ngọc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận