Nguyễn Thị Thu T không phạm tội
Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Thị Thu T có phạm tội gì không?” của tác giả Kiều Trung Kiên đăng ngày 10/6, tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với của Nguyễn Thị Thu T.
Thế chấp tài sản là một loại hình giao dịch bảo đảm được sử dụng rộng rãi trong hoạt động bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại. Đối tượng của thế chấp tài sản là tài sản thế chấp và mọi hoạt động pháp lý đều xoay quanh đối tượng này.
Căn cứ Điều 321 BLDS(1) bên thế chấp vẫn hoàn toàn là chủ sở hữu đối với tài sản (có đầy đủ quyền chiếm hữu, sử dụng nhưng có phần giới hạn trong quyền định đoạt) và được phép thực hiện các hành vi tác động đến tài sản nhằm thu lại lợi tức, hoa lợi.
Việc định đoạt tài sản thế chấp có điều kiện (tức là phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp) theo quy định dẫn đến hệ quả không mong muốn là hạn chế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản. Có các trường hợp:
Tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, bên thế chấp có quyền bán tài sản và số tiền thu được từ tài sản thế chấp đã được bán sẽ được trả cho ngân hàng, hoặc hàng hóa có được từ số tiền thu được sẽ trở thành tài sản thế chấp.
Tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, bên thế chấp có quyền bán nhưng phải được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật (có thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án,…)
Qua nội dung vụ án, tôi cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu T vì những lý do sau đây:
Trong trường hợp mà tác giả đưa ra, tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh (Kho hàng tồn kho là văn phòng phẩm). Bên thế chấp có quyền định đoạt có điều kiện đối với tài sản tài sản này, có quyền bán tài sản và số tiền thu được từ tài sản thế chấp đã được bán sẽ được trả cho ngân hàng, hoặc hàng hóa có được từ số tiền thu được sẽ trở thành tài sản thế chấp. Ở đây, mục đích sử dụng tài sản thế chấp của Công ty R là để kinh doanh nhằm khai thác giá trị kinh tế của tài sản. Nên việc bán hàng hóa trong kho là hợp pháp.
Về thủ tục thông báo, luật không có quy định bắt buộc bên thế chấp tài sản khi sử dụng phải thông báo với bên nhận thế chấp trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc Ngân hàng Thương mại cổ phần X và Công ty R ký hợp đồng thuê Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ AN trông giữ kho hàng là thỏa thuận của hai bên. Việc tự ý lấy hàng thế chấp ra để bán của Công ty R mà Ngân hàng X không được biết xử lý theo như thỏa thuận của các bên, bên vi phạm sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng.
Trong trường hợp sau khi đã xử lý tài sản thế chấp mà giá trị tài sản thể chấp nhỏ hơn giá trị tài sản vay thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay thanh toán nốt phần còn thiếu. Nếu bên vay không thực hiện thì họ có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên vay trả nợ. Khi có bản án, quyết định của Tòa án người vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nếu người vay không thực hiện thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thi hành án. Nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà các bên không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản, buộc chuyển giao vật… để thi hành án. Không có tài sản để trả nợ thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp như khấu trừ thu nhập hàng tháng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng X không thể thu hồi nợ gốc trên 400 triệu đồng (sau khi khấu trừ các tài sản thế chấp) thì Ngân hàng X làm theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
Trên đây là quan điểm trao đổi về vụ án rất mong nhận được sự phản hồi của bạn đọc và đồng nghiệp./.
(1) Điều 321. Quyền của bên thế chấp
1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thoả thuận.
2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Bài liên quan
-
Nhận khoản vay mới 100 triệu USD từ IFC, OCB tăng cường cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ
-
Những bất cập trong thực hiện quyền thế chấp tài sản của các chủ thể hộ gia đình là quyền sử dụng đất và giải pháp khắc phục
-
Một số vướng mắc trong thế chấp quyền sử dụng đất được miễn một phần nghĩa vụ tài chính tại ngân hàng
-
Agribank cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận