Nguyễn Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Qua nghiên cứu bài viết “Bàn về khách thể của Tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS năm 2015” của tác giả Trần Văn Hùng đăng ngày 11/7/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, Nguyễn Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 352 BLHS năm 2015 thì các tội phạm về chức vụ là tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ. Theo khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng: Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó.
Theo Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ:“Cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 352 của BKHS bao gồm cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.“Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước” là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân, có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, trong vụ án này, cửa hàng viễn thông M do anh Trần Văn H làm chủ là hộ kinh doanh cá thể không phải là tổ chức. Hành vi chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn A không xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức. Do đó, hành vi của A không thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội tham ô tài sản.
Xét quan hệ giữa A và H là quan hệ lao động, dựa trên hợp đồng lao động với thỏa thuận A sẽ bán hàng, thu tiền bán hàng và quản lý số tiền thu được, sau đó nộp lại cho H. Sau khi A chiếm hữu tài sản của khách hàng nhưng không thực hiện những gì đã cam kết trong hợp đồng mà dùng thủ đoạn bỏ về quê để chiếm đoạt tài sản đó. Trong hợp đồng lao động không có yếu tố trừ nợ nên hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với vụ án trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu, Yên Bái xét xử vụ án “Tham ô tài sản”- Ảnh: Hoàng Hà
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận