Nguyễn Văn A phạm tội cố ý gây thương tích
Tạp chí Tòa án Tòa án nhân dân online ngày 18/6/2021 có đăng bài "Nguyễn Văn A phạm tội gì?" của tác giả Hồ Nguyễn Quân, qua nghiên cứu tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.
Về hành vi của A: Có thể thấy, do bức xúc với hành vi của T (Sau khi đã uống rượu say đã có hành vi gây sự, kéo tay chân ông N) mà khi vừa đến nơi, A liền giằng gậy K đang cầm và giơ lên đập một nhát vào đầu của T làm T bất tỉnh tại chỗ. Qua nghiên cứu nội dung vụ án cũng như các quy định của pháp luật hiện hành, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả xác định: hành vi của Nguyễn Văn A đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.
Điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà … nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm …”.
Mặt khác, việc Nguyễn Văn A sử dụng gậy gỗ có đường kính 5cm đánh vào đầu của T gây thương tích theo hướng dẫn tại khoản 2.2, Tiểu mục 2, Mục II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/3/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, thì gậy gỗ mà A sử dụng được xác định là hung khí nguy hiểm.
Về động cơ, mục đích phạm tội: Có thể thấy rõ, do bức xúc việc T gây sự, có những hành vi kéo tay, chân ông N (là ông nội của B) đang bị bệnh tai biến nằm trên giường, nên khi vừa đến nhà ông N, thấy K đang cầm gậy, thì A đã giằng lấy dùng làm hung khí và đập một nhát vào đầu T, làm T bất tỉnh tại chỗ. Ngoài hành vi này ra, thì A không có thái độ, hành động nào thể hiện rõ việc tiếp tục tấn công cũng như đe dọa tấn công T và cũng không thể hiện rõ mục đích muốn tấn công, hay phải tấn công đến cùng để tước đoạt tính mạng của T. Vì vậy, có thể hiểu, sau khi đập một gậy vào đầu T, A đã dừng ngay hành vi của mình, không cố ý thực hiện đến cùng, cũng như không có mong muốn phải tấn công đến cùng để lấy mạng T. Như vậy, có thể loại trừ khả năng A tấn công với động cơ, mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của ông T.
Về hậu quả: Trung tâm giám định pháp y kết luận anh T bị tổn thương 45%, thương tích do vật tày gây nên.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng hành vi của A đã phạm vào tội quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015.
Đối với hành vi của M, H, K đã cùng A khiêng anh T đặt nằm trên đường bê tông cách cổng nhà ông N khoảng 5m, tạo hiện trường giả để che dấu hành vi phạm tội của A, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì M, H, K không phạm tội “Che dấu tội phạm” quy định tại Điều 389 BLHS 2015.
Trên đây là ý kiến của tôi trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.
Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, Cần Thơ xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Phạm Trương Nhựt Quang
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bàn về phiên hòa giải nhưng bị đơn vắng mặt
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Hoàn thiện quy định về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong tố tụng hình sự
Bình luận