Nguyễn Văn A phạm tội gì?
Nguyễn Văn A dụ H đi bơi, sau đó lấy điện thoại của H để nhắn tin cho người nhà của H yêu cầu chuyển cho A 10 triệu đồng... Gia đình H đi tìm không thấy H nên đã chuyển cho A số tiền 2 triệu đồng. A phạm tội gì hiện có nhiều quan điểm khác nhau.
Khoảng 15h ngày 18/6/2021, Nguyễn Văn A thấy cháu Nguyễn Quang H (sinh năm 2013) đứng một mình, tay cầm điện thoại Iphone nên lại gần nói chuyện. Thấy cháu H mở mật khẩu là 6 số 0 nên Nguyễn Văn A nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại sau đó gọi cho gia đình cháu H để chiếm đoạt tài sản.
A rủ đi bơi và H đồng ý. A chở cháu H đến bể bơi cách đó 3 km, đưa cho H 20.000 đồng để mua vé vào bơi và bảo H đưa điện thoại để A giữ hộ. Khi cháu H xuống bể bơi, A đi xe mô tô về nhà bà nội ở huyện MĐ, thành phố H và nhắn nhiều tin cho mẹ và cô của cháu H, yêu cầu chuyền vào tài khoản cho Nguyễn Văn A 10 triệu đồng và đe dọa “nếu sau 17h mà không chuyển thì đừng liên lạc lại nữa”. Nếu Nguyễn Văn A nhận được tiền thì cháu H sẽ được về nhà.
Gia đình cháu H và cơ quan chức năng đi tìm kiếm cháu H đến 17h30 cùng ngày nhưng không được nên đã chuyển cho A 02 triệu đồng. A tiếp tục nhắn tin đòi tiền nhưng người nhà cháu H không chuyển. Khoảng 18 giờ 45 phút cùng ngày, cháu H được người quen nhìn thấy ở bể bơi và đưa về nhà. Khoảng 06 giờ ngày 19/6/2021, Nguyễn Văn A ra cơ quan công an đầu thú.
Việc định tội danh đối với Nguyễn Văn A có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 170 của BLHS.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 của BLHS. Đây cũng là quan điểm của tác giả.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật. Hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm.
Bắt cóc trẻ em” nghĩa là chiếm đoạt trái phép đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp; bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Thủ đoạn mà loại tội phạm này sử dụng cũng rất đa dạng, điển hình là trường hợp trẻ chơi một mình ngoài đường hoặc đi cùng cha mẹ tới nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn. Các đối tượng sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen, dùng những thứ hấp dẫn như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi… để dụ dỗ trẻ đi theo.
Trong trường hợp trên, khi cháu H đang cầm điện thoại đứng một mình thì A đã có hành vi dụ dỗ cháu H đưa tới vị trí khác và chiếm đoạt chiếc điện thoại của cháu H (hành vi đưa cháu H ra khỏi phạm vi quản lý của gia đình và cắt đứt phương pháp liên lạc của gia đình và cháu H). Sau khi thực hiện xong các hành vi trên, A đã sử dụng điện thoại để yêu cầu gia đình cháu H đưa tiền chuộc nếu muốn bảo đảm sự an toàn của cháu H.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định Nguyễn Văn A đã phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 của BLHS.
Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý độc giả.
TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Đức Trung (SN 1992, cựu CSGT) về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”- Ảnh: T. Nhung
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận