Nguyễn Văn Đ phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” trong trường hợp “làm chết người”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn Đ phạm tội gì?” của tác giả Phạm Châu Giang đăng trên tạp chí ngày 17/8/2020 và bài trao đổi “Nguyễn Văn Đ phạm tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” của tác giả Dương Văn Hưng tôi cho rằng Nguyễn Văn Đ phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” trong trường hợp “làm chết người” theo điểm c khoản 2 Điều 304 BLHS.

Thứ nhất, các tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính (Điều 129 BLHS), tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng với tình tiết làm chết người (điểm c khoản 2 Điều 304 BLHS) đều có hậu quả là chết người, tuy nhiên cần phân biệt tình tiết định khung hình phạt với tình tiết định tội. Việc xác định tội danh của Đ cần xem xét, tổng quan các hành vi của Đ (Hành vi vi phạm vào tội gì? Hậu quả như thế nào? Hành vi có phải là nguyên nhân dẫn tới hậu quả không…) để xác định đúng tội của Đ.

Theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì súng tiểu liên AK là kiểu súng cầm tay và là vũ khí quân dụng.

Theo điểm c khoản 2 Điều 304 BLHS quy định: người nào sử dụng trái phép vũ khí quân dụng mà làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Như vậy, để xác định tội danh của Đ thì phải xém xét trong tình huống này Đ có sử dụng trái phép vũ khí quân dụng hay không.

Theo quy định của Quân đội, khi được giao súng thì quân nhân phải thực hiện các quy tắc đảm bảo an toàn, quân nhân phải khám súng trước khi sử dụng, không được hướng súng vào người… Trong tình huống này, khi H dùng 2 tay nâng súng lên, nòng súng dí sát vào ngực trái mình, hướng báng súng về phía Đ thì lúc này H cũng đã vi phạm quy định của Quân đội, không chấp hành quy tắc an toàn khi sử dụng vũ khí quân dụng, ngoài ra H cũng không được giao nên không có quyền sử dụng khẩu AK đó (Khẩu AK được giao cho T). Khi Đ thấy H nói với mình rằng “Đ ơi có dám bắn không” thì Đ đưa tay phải ra nắm lấy tay cầm, ngón trỏ bóp cò, lúc này, hành vi của Đ đã sử dụng súng trái phép (không được giao súng nhưng vẫn tự ý bóp cò), bên cạnh đó Đ là trung sĩ, khẩu đội trưởng, so với các quân nhân là chiến sĩ còn lại có mặt tại hiện trường thì Đ phải ý thức được hành vi và trách nhiệm của mình đối với việc quản lý, sử dụng vũ khí nguy hiểm có khả năng gây thiệt hại tới tính mạng con người. Từ hành vi nguy hiểm của H và Đ thì đã đẫn tới việc súng nổ liên thanh 2 phát, hậu quả là H chết. Như vậy, rõ ràng việc Đ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và có tình tiết định khung làm chết người là có căn cứ.

Ngoài ra, khi quyết định hình phạt cho Đ, tôi cho rằng Đ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là người bị hại cũng có lỗi (H sử dụng trái phép vũ khí quân dụng).

Trên đây là quan điểm của tác giả mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 

HĐXX TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội xét xử vụ án Cố ý gây thương tích – Ảnh: Đức Anh / BCL

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)