Nguyễn Văn T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn T phạm tội gì?” của Lại Sơn Tùng đăng ngày 15/9/2021, tác giả cho rằng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước hết, tác giả không đồng tình với các quan điểm cho rằng T phạm các tội như “Cướp giật tài sản”, “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “Trộm cắp tài sản”.
“Cướp giật tài sản” là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Trong nội dung tình huống đưa ra, rõ ràng hành vi của T không có tính chất công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản đang trong sự quản lý của bị hại; hay nói cách khác, chiếc điện thoại không bị cướp giật lấy từ trên tay bị hại mà đã được T sử dụng biện pháp khác để chiếm đoạt trái phép, trái pháp luật.
“Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản mà không dùng đến vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản. Chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ người chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt đó nhưng không thể làm gì hay ngăn chặn hành vi đó. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình nhưng không thể giữ được. Trong nội dung tình huống đưa ra cũng không thể hiện T có hành vi như phân tích trên.
Tác giả cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng T phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Lại Sơn Tùng cho rằng hành vi của T đã thỏa mãn dấu hiệu lén lút, bí mật chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Tác giả đồng tình ở nội dung là trong tội “Trộm cắp tài sản”, dấu hiệu lén lút là dấu hiệu quan trọng để định tội danh. Tuy nhiên, trong tình huống này, tác giả cho rằng hành vi của T nặng yếu tố lừa đảo hơn lén lút. T chỉ có một hành vi tạm coi là lén lút đó là giấu chiếc điện thoại trong túi quần mình trong khi không có sự chứng kiến của ai. Tuy nhiên tác giả cho rằng trong tình huống này cần phải xem xét toàn diện chuỗi hành vi của T.
Để chiếm đoạt trái phép tài sản của bị hại, T đã dùng biện pháp giấu chiếc điện thoại trong túi quần mình trong khi không có sự chứng kiến của ai, sau đó khi được hỏi thì T nói dối chị V rằng đã giao trả điện thoại cho anh H nhân viên kỹ thuật, khi chị V đi tới chỗ anh H để hỏi thì nhìn lại thấy T đã chạy mất, tuy hô hoán nhưng đuổi không kịp. Chuỗi hành vi như thế này cũng có nghĩa là chị V đã phát hiện ra hành vi lấy chiếc điện thoại trái phép của T kể từ khi chị V quay lại nhìn thấy T chạy mất. Theo tác giả nghĩ, hành vi trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút, bí mật ngay từ thời điểm ban đầu, chủ tài sản không biết, không phát hiện ra bị mất do ai, mất lúc nào, khi tội phạm hoàn thành rồi chủ sở hữu mới biết đã mất tài sản. Tác giả cho rằng chuỗi hành vi của T thiên về lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn.
Dấu hiệu chiếm đoạt trái phép, trái pháp luật tài sản đã rõ. Chúng ta xem xét xem có yếu tố lừa đảo trong này không? Chuỗi hành vi của T là giấu điện thoại trong túi mà không cho chị V, anh H biết là đang ở đâu; khi được hỏi thì lừa dối là đã trả cho anh H; khi chị V tới để hỏi anh H thì T liền bỏ chạy, ta cần phải xem hành vi giấu điện thoại với hành vi nói dối của T đi liền với nhau, ý định, mục đích của T là giấu điện thoại để lừa dối không cầm sau đó chiếm đoạt; như vậy hành vi của T là đã cung cấp thông tin không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, hành vi hoàn thành từ khi T bỏ chạy, chiếc điện thoại đã từ chủ sở hữu dịch chuyển trái phép sang T, người thực hiện hành vi là T.
Qua những phân tích trên, tác giả cho rằng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phù hợp hơn với diễn biến hành vi của T nêu trong tình huống.
Tác giả Nguyễn Văn Lam (Tòa án quân sự Quân khu 9) cùng quan điểm này.
Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Hoàng Phúc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận