Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn V phạm tội gì?” đăng trên ngày 7/8/2020, tôi cho rằng V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Bài viết nêu 3 quan điểm: Quan điểm thứ nhất, Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS; Quan điểm thứ hai, V phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS; Quan điểm thứ ba: V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS.

Về hành vi của Nguyễn Văn V, tôi cho rằng V không phạm tội “Giết người” theo Điều 123, BLHS năm 2015. Bởi lẽ, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Tuy nhiên, lúc này V chỉ nhận thức được làm sao để thoát khỏi sự tấn công của nhóm L, Đ. V không có ý thức cố ý gây thương tích hoặc tước đi sinh mạng của L, Đ. Như vậy, xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn L và Đ mà V đã có hành vi chống trả bằng cách  rút một con dao nhọn để trong túi quần đâm liên tiếp 2 – 3 cái về phía L và Đ rồi nhảy qua bức tường cao khoảng 60cm chạy về nhà. Theo quan điểm của tôi hành vi này của Nguyễn Văn V thỏa mãn dấu hiệu trong cấu thành tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Bởi lẽ:

Thứ nhất, hành vi tấn công đang xâm hại lợi ích hợp pháp – cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xuất phát từ hành vi tấn công thì làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng và nếu không có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp thì không có phòng vệ chính đáng. Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 03/7, L rủ Đ cùng hơn chục người khác đến nhà của H để đánh V. Tại đây, L đến chỗ V đang ngồi uống nước, tay trái túm tóc, tay phải đấm thẳng một quả thật mạnh vào mặt V làm V bị ngã xuống sân, rách da và chảy máu ở đuôi lông mày trái. Đây được xem là hành vi trái pháp luật của L và Đ gây ra; khi V ngã xuống thì Đ và số người đi cùng xông vào đánh làm V ngã dúi xuống chân bờ tường. Hành vi của L và Đ đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của V, thì V buộc lòng phải chống trả hành vi trái pháp luật đó nên khẳng định – có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của V.

Thứ hai, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công. BLHS 2015 quy định hành vi phòng vệ phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công chứ không được gây thiệt hại cho lợi ích của người khác. Quy định này xuất phát từ mục đích của phòng vệ chính đáng; muốn ngăn chặn được sự tấn công bảo vệ được lợi ích hợp pháp, người có hành vi phòng vệ phải hướng sự chống trả của mình vào việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi tấn công. Có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ tận gốc.

Trong trường hợp này, hành vi chống trả của V là rút dao đâm 2-3 cái là hành vi phòng vệ chống trả lại những hành vi tấn công trước đó của L và Đ, tuy nhiên nó “vượt quá mức cần thiết”. Bởi lẽ, đánh giá, xem xét toàn bộ một chuỗi các sự việc trong vụ án cho thấy hành vi của V có động cơ là muốn trốn tránh khỏi hành vi trái pháp luật của nạn nhân; sai phạm là đã vượt quá phạm vi được phép phòng vệ, chống trả rõ ràng là quá quyết liệt và rất nguy hiểm, việc gây hậu quả L chết còn Đ bị thương với tỷ lệ thương tật là 57% là không cần thiết trong khi có thể lựa chọn cách xử sự khác. Vì vậy, đủ cơ sở cho rằng Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Bên cạnh đó, hành vi đâm liên tiếp 2-3 cái về phía L và Đ đây là chuỗi hành vi liên tiếp, diễn ra ra trong một khoảng thời gian ngắn, không thể tách các hậu quả khác nhau để xác định hành vi của V có các cấu thành tội phạm độc lập như quan điểm của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đã nêu. Việc thực hiện hành vi phạm tội của V với hậu quả làm cho L chết và Đ bị thương với tỷ lệ thương tật là 57% nên V phải bị truy tố và xét xử về tội: “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS.

Trên đây là một số quan điểm của cá nhân tôi về bài viết, kính mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.

 

TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng” – Ảnh: Báo Thanh tra

 

NGUYỄN THỊ HUYỀN ( VKSQS Khu vực 41 Quân khu 4)