Nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là đã chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Mai Bộ thảo luận về bài “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện” của tác giả Phùng Văn Hoàng và Trương Thu Thảo đăng ngày 9/10/2021 trên Tạp chí TAND điện tử, tôi xin được trao đổi thêm.

Trong bài “Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức”, tác giả Mai Bộ cho rằng cụm từ “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” được hiểu là đã chiếm đoạt được tài sản có trị giá được nêu trong dấu hiệu định khung hình phạt của các Điều 168, 169 và 170 BLHS năm 2015.

Trước hết, cần phải xem xét hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trong các tội phạm xâm phạm sở hữu được quy định tại các điều luật nêu trên, dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” thuộc mặt chủ quan của tội phạm, là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của những tội phạm này và nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ phạm vào tội đó mà không cần phải chiếm đoạt được tài sản. Đồng thời, tội phạm được thực hiện sẽ ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.

Thứ hai, khi nói đến một dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ của một tội thì dấu hiệu này phải được hiểu theo nội dung đầy đủ nhất khi tội phạm đó đã ở giai đoạn tội phạm hoàn thành. Đây là vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp của ta, giữa phần chung và phần các tội phạm được quy định trong BLHS. Ở phần các tội phạm, các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ của một tội được quy định khi tội phạm đó đã ở giai đoạn tội phạm hoàn thành. Còn nếu không thỏa mãn hết tất cả các dấu hiệu đó thì tội phạm được thực hiện có thể đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội (Điều 14 BLHS) hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt (Điều 15 BLHS).

Quay trở lại vấn đề cần giải quyết, chúng ta thấy: Dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu định tội bắt buộc nên trong cấu thành tội phạm tăng nặng cũng phải có dấu hiệu này. Xét về mặt logic, khi người phạm tội thực hiện hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm tăng nặng với dấu hiệu định khung hình phạt “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” thì hành vi của họ sẽ là: Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản + “nhằm chiếm đoạt tài sản” + “Chiếm đoạt tài sản trị giá…”. Khi kết nối, xâu chuỗi lại thì hành vi của họ sẽ là: Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản trị giá… Như vậy, dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” được nêu trong các điều luật nêu trên phải được hiểu là nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là đã chiếm đoạt tài sản.

Mặt khác, việc nhà làm luật quy định dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” không đồng nghĩa với việc dấu hiệu này sẽ được hiểu là đã chiếm đoạt tài sản. Khi quy định theo hướng mở và không có từ ngữ để xác định cụ thể thì cần phải đánh giá thông qua cấu thành tội phạm cơ bản và các trường hợp có thể xảy ra. “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” sẽ có hai trường hợp xảy ra là đã chiếm đoạt tài sản và nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trên cơ sở cấu thành tội phạm cơ bản, chúng ta sẽ có sự đánh giá chính xác về vấn đề mà nhà làm luật muốn nói đến. Rõ ràng, đối với trường hợp nêu trên, vấn đề mà nhà làm luật muốn nói đến là nhằm chiếm đoạt tài sản vì nó phù hợp với cấu thành tội phạm cơ bản và tinh thần của điều luật. Còn đối với các trường hợp khác như tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS chẳng hạn, vì tội phạm này hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản nên “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” sẽ được hiểu là đã chiếm đoạt tài sản và nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì tội phạm được thực hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Trước khi BLHS năm 2015 được ban hành thì BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng đã có nhiều điều luật quy định dấu hiệu định khung hình phạt được bắt đầu bằng cụm từ “Chiếm đoạt tài sản…” như tội Cướp tài sản (Điều 133), tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135), tội Cướp giật tài sản (Điều 136)… Ta có thể lấy ví dụ tại điểm g khoản 2 Điều 136 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định dấu hiệu định khung hình phạt: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”. Do cũng được bắt đầu bằng cụm từ “Chiếm đoạt tài sản” nên nếu cho rằng người phạm tội phải chiếm đoạt được tài sản thì mới thỏa mãn dấu hiệu này là trái với hướng dẫn tại điểm 2 mục II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2001). Cụ thể:

Điểm 2 mục II Thông tư liên tịch số 02/2001 quy định: “Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.

Ví dụ 1: A thấy một người vừa nhận ở kho bạc 100 triệu đồng bỏ vào một chiếc túi xách để trước giỏ xe máy nên có ý định cướp giật 100 triệu đồng này. A lấy xe máy đi theo người vừa nhận tiền và đã cướp giật được chiếc túi xách này, nhưng trong chiếc túi xách này chỉ còn có 200 nghìn đổng, bởi vì 100 triệu đồng người nhận tiền đã bỏ vào cốp xe máy. Trong trường hợp này phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A theo các điểm d và g khoản 2 Điều 136 BLHS…”

Theo hướng dẫn này thì mặc dù A chưa chiếm đoạt được số tiền 100 triệu đồng nhưng ý thức chủ quan của A là mong muốn chiếm đoạt số tiền này nên A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp giật tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt với dấu hiệu định khung hình phạt “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 136 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Do đó, dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản…” nêu trên trong tội Cướp giật tài sản phải được hiểu là nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là đã chiếm đoạt tài sản. Xét về mặt lý luận, tội Cướp giật tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của người quản lý tài sản. Việc sau đó người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không không có ý nghĩa đối với việc định tội danh. Do tội Cướp giật tài sản hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của người quản lý tài sản mà không cần họ phải chiếm đoạt được tài sản nên dấu hiệu định khung hình phạt “Chiếm đoạt tài sản…” trong tội Cướp giật tài sản phải được hiểu là nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là đã chiếm đoạt tài sản. Rõ ràng, giữa lý luận khoa học và hướng dẫn trong thông tư nêu trên là phù hợp với nhau, bổ sung cho nhau và càng khẳng định thêm tính đúng đắn của việc xác định ý nghĩa của dấu hiệu định khung hình phạt trong cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc cấu thành tội phạm giảm nhẹ thông qua cấu thành tội phạm cơ bản.

Tóm lại, trên cơ sở những phân tích nêu trên, tôi nhận thấy dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản trị giá…” được quy định tại các Điều 168, 169 và 170 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phải được hiểu là nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là đã chiếm đoạt tài sản. Việc xác định chính xác ý nghĩa của những dấu hiệu này góp phần to lớn vào việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo được sự răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

Phiên tòa  xét xử vụ án Cướp giật tài sản tại TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Nguyễn Tâm

PHẠM VĂN MINH ( Công an Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)