Nhận diện tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS năm 2015
Tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản là hai tội danh độc lập nhưng được quy định chung trong một điều luật là Điều 178 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) do có những đặc điểm tương đồng nhau. Cũng chính vì như vậy, mà hiện nay trong nhiều vụ án vẫn còn quan điểm khác nhau giữa tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hành vi hủy hoại tài sản có thể hiểu là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được. Khi phân biệt tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản, thường phải căn cứ vào một số dấu hiện sau:
Thứ nhất, về mục đích của người thực hiện hành vi. Đây có thể xem là căn cứ quan trọng nhất. Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử làm rõ được mục đích của người thực hiện hảnh vi phạm tội là làm cho tài sản bị hư hỏng, tiêu hủy hoàn toàn hoặc làm cho tài sản không còn giá trị hoặc mất giá trị sử dụng thì phạm tội hủy hoại tài sản. Còn nếu mục đích của người phạm tội là chỉ muốn làm hư hỏng một phần nào đó của tài sản hoặc làm cho tài sản đó bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng thực tế tài sản đó có thể khôi phục, sửa chữa lại được thì phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc làm rõ mục đích của người phạm tội đôi khi gặp khó khăn, có thể mục đích của họ ban đầu là muốn hủy hoại tài sản nhưng họ lại khai là chỉ muốn làm hư hỏng một phần tài sản hoặc ngược lại. Điều này đòi hỏi người tiến hành tố tụng cần nhận định, đánh giá hết sức thận trọng và khách quan. Vì nếu không xác định và không chứng minh được mục đích của người phạm tội thì có thể xác định tội danh không chính xác.
Thứ hai, xác định thiệt hại thực tế của tài sản bị xâm hại là như thế nào. Nếu hành vi của người phạm tội làm cho tài sản bị hư hỏng toàn bộ hoặc không còn sử dụng được… thì hành vi đó phạm tội hủy hoại tài sản mà không phải là tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu hành vi của người phạm tội rõ rảng chỉ làm hư hỏng một phần của tài sản hoặc làm giảm một phần giá trị tài sản thì hành vi đó phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, có những trường hợp mục đích của người phạm tội là muốn hủy hoại tài sản nhưng vì lý do nào đó tài sản chỉ bị hư hỏng một phần thì hành vi đó phải là hành vi hủy hoại tài sản. Ví dụ: Một người dùng xăng đốt nhà của người khác nhưng do phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên căn căn nhà chỉ bị chấy một phần nhỏ. Tuy nhiên phải xác định hành vi này là hủy hoại tài sản.
Thứ ba, tài sản mà người phạm tội muốn gây thiệt hại là gì. Thực tiễn hiện nay, khi phân biệt tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản, điều khó khăn nhất là tài sản bị thiệt hại là vật đồng bộ. Theo Điều 114 BLDS năm 2015 thì “Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.”. Tuy nhiên, đối với tài sản là vật đồng bộ như xe máy, xe ô tô… thì thông thường người phạm tội chỉ gây thiệt hại cho một bộ phận của chiếc xe như gương chiếu hậu, kính chắn gió… mà không nhằm vào toàn bộ chiếc xe thì hành vi này phạm tội hủy hoại tài sản hay cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điển hình như vụ án như sau: “Do mâu thuẫn va chạm trên đường, nên Nguyễn Văn A đã chạy theo sau xe ô tô của anh T. Khi anh T đậu xe cặp lề đường đi vào một cửa hàng thì A chạy tới dùng một đoạn sắt mang theo đạp bể toàn bộ kính của hai gương chiếu xe ô tô anh T. Kết quả giám định, giá trị thiệt hại tài sản là 2.500.000 đồng”. Có quan điểm cho rằng, hành vi của A là hủy hoại tài sản, vì đối tượng tài sản là A nhắm vào là kính của gương chiếu hậu. Do hai tấm kính bị bể toàn bộ nên A phạm tội hủy hoại tài sản. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng xe ô tô là vật đồng bộ. Gương chiếu hậu là một phần của chiếc xe ô tô. Nếu gương chiếu hậu bị bể thì xe vẫn có thể chạy và lưu thông trên đường được trong một điều kiện nhất định nào đó. Vì vậy, A chỉ phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Về mặt lý luận, có thể phân biệt tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo những tiêu chí nêu trên. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn tranh luận và chưa thống nhất về xác định tội danh đối với hành vi gây thiệt hại đối với tài sản là vật đồng bộ do chưa có hướng dẫn hoặc quy định một cách rõ ràng. Vì vậy, rất mong Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể hơn về vấn đề nay để việc hiểu và áp dụng pháp luật cho thống nhất trong thực tiễn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận