Nhận diện và giải pháp đấu tranh với tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng
Trong thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, lĩnh vực Ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực Ngân hàng còn bộc lộ nhiều bất cập: vấn đề quản lý thanh toán, quản lý tiền mặt và quản lý tín dụng còn bị buông lỏng, đặc biệt là tình trạng một số đối tượng lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý của ngân hàng, lợi dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, bằng các thao tác nghiệp vụ đã được trang bị, để tham ô tài sản, rút tiền của Nhà nước.
Qua nghiên cứu, phân tích các vụ án tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện, điều tra trong thời gian qua cho thấy, tội phạm này có một số đặc điểm sau:
1.Về đối tượng thực hiện hành vi phạm tội
Các đối tượng phạm tội tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng thường có trình độ học vấn cao, nhiều đối tượng có trình độ đại học, trên đại học; có chức vụ, quyền hạn, trong đó một bộ phận đối tượng nắm giữ những chức vụ cao như Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, trưởng phòng, phó trưởng phòng giao dịch… Các đối tượng có cương vị, trách nhiệm trong việc quản lý tiền bạc, tài sản của ngân hàng; có trình độ chuyên môn về kinh tế, tài chính, am hiểu và nắm vững về chế độ, nguyên tắc quản lý tài sản của ngân hàng, và lợi dụng những sơ hở, thiếu sót rồi sử dụng các thủ đoạn để tham ô tài sản.
2.Về phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội
Các đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn thực hiện hành vi tham ô rất đa dạng, phức tạp vừa trắng trợn vừa tinh vi khôn khéo, phổ biến chủ yếu ở một số thủ đoạn sau:
– Lập các chứng từ ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền mặt, giấy lĩnh tiền mặt rồi giả mạo chữ ký của chủ tài khoản vào các tờ séc, giấy ủy nhiệm chi để rút tiền. Đối tượng sử dụng thủ đoạn này lợi dụng vị trí là nhân viên trong các bộ phận giao dịch với khách hàng, lập các chứng từ trên để chuyển vòng vo thông qua các tài khoản tiền gửi, tiền vay của khách hàng mà đối tượng trực tiếp quản lý rồi tự rút tiền hoặc nhờ khách hàng rút tiền để chiếm đoạt.
– Nhận tiền từ quỹ chính, rút tiền ra sau đó lập phiếu chi khống về quỹ trực thuộc (không qua quỹ chính) trước khi kiểm quỹ cuối ngày để chiếm đoạt tiền.
– Lợi dụng dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền qua ngân hàng bằng chứng minh nhân dân để rút tiền tham ô.
– Lập hồ sơ vay vốn giả của khách hàng, rút tiền ngân hàng để tham ô.
– Lợi dụng nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà hạch toán vào tài khoản của cá nhân, thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền tham ô.
– Lập các sổ tiết kiệm giả sau đó lập hồ sơ khống để cầm cố vay vốn chính ngân hàng rồi làm thủ tục giải ngân, lĩnh tiền mặt, tham ô tiền của ngân hàng.
– Lập chứng từ khống để tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng.
– Lập khống hồ sơ cho vay để rút tiền; lợi dụng giấy tờ, thủ tục của khách hàng để lập hồ sơ khống rút tiền của ngân hàng.
– Sửa trực tiếp dữ liệu trên máy tính làm tăng số dư tiền gửi cá nhân của bản thân mình và một số khách hàng khác, sau đó rút tiền mặt. Đối tượng sử dụng thủ đoạn này thường là cán bộ kế toán theo dõi tiền vay, lợi dụng chức vụ của mình để hủy chứng từ nộp tiền của khách, thay vào đó là giấy nộp tiền mặt vào tài khoản mang tên chính mình, sửa chữa trực tiếp vào file dữ liệu cân đối để lấy tiền từ các tài khoản có cùng tính chất với tài khoản tiền gửi cá nhân như tài khoản thu nhập về lãi tiền vay, tài khoản dự chi trả lãi, tài khoản chi phí.
– Nhận tiền gửi hoặc thu nợ, thu lãi của khách hàng nhưng không nộp về quỹ mà lập các thủ tục hồ sơ để chiếm đoạt; thông đồng với khách hàng cấp khống sổ tiết kiệm (không có tiền nộp vào quỹ), sau đó một thời gian thì làm thủ tục cho khách hàng rút tiền ra. Thủ đoạn này thường xảy ra tại các bộ phận có công tác quản lý yếu kém; các đối tượng thường có đồng phạm hỗ trợ.
– Sử dụng ký hiệu mật của nhân viên cùng ngân hàng để chuyển tiền sang ngân hàng khác rồi chiếm đoạt. Đối tượng sử dụng thủ đoạn này thường là có chức vụ nhất định và có sự thông đồng với các đối tượng bên ngoài.
– Tham ô tiền thuộc diện phải tiêu hủy bằng cách trước khi đem tiền đi tiêu hủy, nhân viên quản lý tiền thay thế tiền có mệnh giá thấp để rút tiền có mệnh giá cao. Thủ đoạn này trước đây đã xảy ra, gần đây do buông lỏng công tác quản lý của một số ngân hàng nên xuất hiện trở lại.
– Tẩy xóa, sửa chữa số dư trên sổ tiết kiệm lên gấp nhiều lần số dư thật, sau đó đem thế chấp ngân hàng vay tiền rồi chiếm đoạt.
Từ những phương thức, thủ đoạn đã phân tích như trên, có thể thấy, hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng thường được thực hiện bởi nhiều đối tượng, chủ yếu là các cán bộ làm việc trong tổ chức ngân hàng. Hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng thường diễn ra theo quá trình, các đối tượng thường lợi dụng vị trí hợp pháp, ngụy trang bí mật tinh vi, hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng thường không để lại hiện trường hoặc để lại hiện trường nhưng không có ý nghĩa cho hoạt động điều tra nên thường gây khó khăn cho công tác điều tra, làm rõ tội phạm. Tuy nhiên tội phạm thường bị bộc lộ qua dấu hiệu bất minh về lối sống, sinh hoạt, chi tiêu…cũng như những mối quan hệ giao dịch của đối tượng. Tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng thường gắn với đầu cơ, hối lộ và có quan hệ chặt chẽ với một số loại tội phạm khác.
3.Về tài sản bị chiếm đoạt
Tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu là tiền, do vậy rất dễ cất giấu và tẩu tán. Nên việc khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi tài sản bị chiếm đoạt gặp rất nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ nguyên nhân là trước khi thực hiện hành vi tham ô tài sản, các đối tượng luôn tính toán cách tẩu tán, sử dụng tiền nếu chiếm đoạt được, ví dụ như chuyển đến một tài khoản ảo do người khác đứng tên, hoặc sau khi chiếm đoạt được thì các đối tượng sử dụng vào mục đích cá nhân như đánh bạc, cá độ… vì vậy cơ quan chức năng chỉ thu hồi được khoảng hơn 30% số tiền bị chiếm đoạt.
4.Nguyên nhân của tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng
Tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng là tội phạm nghiêm trọng, thường gây tác hại dây truyền, có khi hậu quả kéo dài liên tiếp về sau. Mặc dù lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng với trị giá tài sản rất lớn, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác nắm tình hình phát hiện tội phạm chưa thực sự hiệu quả, nhiều vụ việc tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, và gây khó khăn cho công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Các vụ tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu được phát hiện qua đơn thư tố cáo của cơ quan ngân hàng, sau đó lực lượng trinh sát quản lý địa bàn mới nắm được thông tin và tổ chức xác minh, tiến hành điều tra. Trong các trường hợp đó tuy đã chứng minh được tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, song thiệt hại cho xã hội là rất lớn, việc khắc phục hậu quả và thu hồi tài sản cho Nhà nước gặp nhiều khó khăn…
Những vấn đề trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: Cải cách hành chính còn chậm và lúng túng, cơ chế “ xin-cho” trong hoạt động ngân hàng vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý. Chế độ, trách nhiệm của cán bộ ngân hàng chưa được rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo ngân hàng đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị chi nhánh ngân hàng mà người đó phụ trách.
– Hiện nay, giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an chưa có quy chế phối hợp trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng, trong đó có tội phạm tham ô tài sản.
Do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật Hình sự về xử lý tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng, trong đó có tội phạm tham ô tài sản nên nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua về bản chất là tham nhũng, tham ô tài sản (do người có chức vụ, quyền hạn trong ngân hàng thực hiện) nhưng thực tế thường xử lý về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc xử lý như vậy là chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội đã xảy ra.
– Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức, con người và tài sản của các Ngân hàng còn nhiều sơ hở, yếu kém.
Một số ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng nói chung, tội phạm tham ô tài sản nói riêng trong nội bộ ngân hàng. Phòng chống tham nhũng là công tác nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích kinh tế của cơ quan, tổ chức ngân hàng, thậm chí ảnh hưởng đến cá nhân người tố cáo nên một số ngân hàng chưa thực sự hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu cho lực lượng Cảnh sát kinh tế khi được đề nghị phối hợp. Một số trường hợp lãnh đạo đơn vị ngân hàng muốn giữ uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, e ngại trách nhiệm, không muốn công khai thông tin vi phạm tại đơn vị, tổ chức mình nên thường xử lý nội bộ những vi phạm xảy ra mà không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Một số ngân hàng chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, quản lý, giáo dục cán bộ, nhân viên ngân hàng, nhất là tại những vị trí công tác nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến tiền bạc, tài sản; do đó chưa chủ động trong việc nắm bắt tâm lý, hoặc những biểu hiện bất minh của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ngân hàng. Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân viên ngân hàng suy thoái, thiếu bản lĩnh trước những cám dỗ vật chất. Công tác điều tra vụ án tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường cản trở, đối phó quyết liệt với cơ quan điều tra.
– Về phía lực lượng Cảnh sát kinh tế: Việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng còn mang tính hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa thường xuyên, liên tục, do đó việc phát hiện, điều tra khám phá còn mang tính thụ động. Lực lượng chuyên trách phân công theo dõi, nắm tình hình đấu tranh chống tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng còn mỏng và yếu.
5.Kiến nghị, đề xuất
– Một là, hoàn thiện các quy định pháp lý làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của lực lượng Cảnh sát kinh tế.
Trước những phương thức, thủ đoạn tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi, hậu quả thiệt hại nghiêm trọng cả trên phương diện kinh tế và xã hội, ngành Công an và Ngân hàng cần sớm phối hợp xây dựng Quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có tội phạm tham ô tài sản.
Đặc biệt, Bộ Công an cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và ký kết các Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngân hàng và trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Nội dung quy chế phối hợp cần cụ thể, thiết thực, phối hợp trong cả hoạt động nghiệp vụ, hoạt động thanh tra, giám sát cũng như phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có tội phạm tham ô tài sản chứ không chỉ đơn thuần là việc trao đổi, cung cấp thông tin hành chính. Quan tâm đề ra các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa tội phạm, phối hợp cung cấp thông tin điều tra tội phạm, chú ý sàng lọc thông tin có tính chất ảnh hưởng hệ thống tới hoạt động của ngân hàng.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, sửa đổi nội dung Điểm d – Mục 2.2. – Chương II của Thông tư số 02/2001/TT-NHNN ngày 04/4/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng, quy định: “Ngân hàng chỉ cung cấp tài liệu liên quan đến khách hàng khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can” theo hướng quy định cụ thể hơn về phạm vi tài liệu được trao đổi phục vụ quá trình điều tra trước khi áp dụng các hoạt động theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.
Đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ngân hàng nhà nước phối hợp xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về quan hệ phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có tội phạm tham ô tài sản, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
– Hai là, đối với lực lượng Cảnh sát kinh tế:
Quán triệt các quy định của Bộ Công an về công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường công tác nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng để lựa chọn biện pháp phòng ngừa hoặc điều tra, xử lý phù hợp, hiệu quả.
Trong quá trình điều tra vụ án tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chức năng như Viện Kiểm sát, Tòa án để thống nhất về chứng cứ và quan điểm xử lý, đảm bảo tính kiên quyết, mềm dẻo, đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Tuy nhiên, để hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng có thể gây ra và giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính cũng như hệ thống ngân hàng thì hoạt động điều tra cần phải tinh toán, cân nhắc thận trọng và lựa chọn thời điểm, biện pháp điều tra một cách phù hợp nhất. Quá trình điều tra theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra cần xác định đối tượng chủ mưu, đối tượng đồng phạm để áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp với từng đối tượng. Đối với vụ án khởi tố, cần khẩn trương điều tra, kết luận, đề nghị truy tố, xét xử trước pháp luật. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng cần chú ý phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng phục vụ công tác điều tra, triệt để thu hồi tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất việc để các đối tượng trốn, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, vật chứng có liên quan.
Chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ ngân hàng trong việc tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn phạm tội của tội phạm tham ô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt cần chủ động phối hợp với ngành ngân hàng, nhất là cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/3/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về công tác thanh tra, giám sát, phòng chống tham nhũng sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ chiến sỹ nhận thức được trách nhiệm của mình; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ ngân hàng cho đội ngũ trinh sát và điều tra viên đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận