Nhận thức về tính hiện đại của thiết chế tư pháp, cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 có một quan điểm mới về tính hiện đại của thiết chế tư pháp cần được nghiên cứu để đưa vào cải cách tư pháp Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khoa học pháp lý Việt Nam, đã có định nghĩa về cải cách tư pháp. Theo đó, Cải cách tư pháp là hệ thống các giải pháp đồng bộ với tầm nhìn rộng,dài về̀ các vấn đề̀ thuộc về bản chất của hệ thống tư pháp va sự phát triển của hệ thống tư pháp và những điều kiện có tính chất quyết định cho sự phát triển của hệ thống ấy” [1]. Dưới góc độ quyền tư pháp, chúng tôi đưa ra định nghĩa: Cải cách tư pháp là việc sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tổ chức, thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền.
Không phải đến khi có Nghị quyết 49/NQ-TW về Cải cách tư pháp chúng ta mới cải cách tư pháp. Đây là công việc được tiến hành liên tục từ 1945 đến nay cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa trước đây và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay… Tuy nhiên để cải cách có hệ thống, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất thì kể từ khi có Nghị quyết 49 với mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Dự thảo Báo cáo chính trị Ban chấp hành TW Khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng: Xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật[2]... Bên cạnh đó trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác tư pháp là: “Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh quốc tế của hệ thống pháp luật”. [3] Đây là một quan điểm mới rất đáng chú ý cần làm rõ về diện lý luận ở các bình diện: nhận thức thế nào về tính hiện đại của thiết chế tư pháp, nội dung nào của thiết tư pháp hiện đại cần được nghiên cứu để đưa vào cải cách tư pháp Việt Nam trong thời gian tới nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
1.Uy tín của Tòa án- Giá trị của tư pháp hiện đại
Tư pháp hiện đại là các giá trị của tư pháp đang hiện hữu và đang được áp dụng phổ biến hiện nay, thể hiện trong các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung. Một trong những giá trị mà tư pháp Việt Nam cần tập trung xây dựng, củng cố đó chính là tạo lập uy tín của hệ thống tư pháp đặc biệt là uy tín của Tòa án. Đánh giá mục tiêu của cải cách tư pháp chúng tôi thấy rằng cải cách tư pháp thời gian qua đã thực sự tạo ra bước chuyển biến đột phá cho các bộ phận hợp thành hệ thống tư pháp trước hết nó đã tạo ra “luồng sinh khí mới”[4] cho toàn bộ các bộ phận cấu thành hệ thống tư trong đó có Tòa án. Nhu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam xuất phát từ một thực tế trong thời gian dài vì các lý do khác nhau, công tác tư pháp trong toàn bộ hoạt động của nhà nước chưa được quan tâm đúng mức ở các phương diện nhận thức kể cả nhận thức ở tầm lãnh đạo cao nhất.
Sau gần 20 năm cải cách, cho đến nay, kết quả đã đạt được đầu tiên rõ nhất của cải cách tư pháp đó là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp đối với sự phát triển đất nước, phát triển con người trong Nhà nước pháp quyền, trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, trong đội ngũ những người làm công tác tư pháp và đặc biệt là trong ý thức pháp luật của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án trong thời gian qua. Điều đó thể hiện bằng sự lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, các cấp ủy Đảng về chính trị, tổ chức cán bộ; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức tư pháp được nâng lên, sự quan tâm của người dân đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động của Tòa án nói riêng từ đó nhu cầu và khả năng tiếp cận công lý của người dân qua con đường Tòa án đã được tăng cường. Cũng chính từ thay đổi về nhận thức, hoạt động tư pháp đã đảm bảo được tính dân chủ của hoạt động Tòa án, liêm chính của đội ngũ cán bộ Tòa án, tính nghiêm minh, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động tư pháp, uy tín của Tòa án được củng cố và tăng cường. Chính vì vậy, cải cách tư pháp trong thời gian tới cần bổ sung mục tiêu chung “xây dựng, củng cố uy tín của hệ thống tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng đối với xã hội” như là một trong mục tiêu chính.
Một vấn đề có tính quy luật là trong xã hội không thể tránh khỏi xung đột, tranh chấp, mọi tranh chấp trong đời sống xã hội kể cả tranh chấp quyền lực bao giờ cũng làm phát sinh nhu cầu cần có thiết chế phán xét đúng sai và áp dụng trách nhiệm, thiết chế văn minh nhất đáp ứng nhu cầu đó ở đâu, bao giờ vẫn là hệ thống Tòa án. Tòa án chỉ hoàn thành sứ mệnh đó của mình khi nó đầy đủ uy tín xây dựng trên cơ sở niềm tin của nhân dân. Hạn chế cũng như thành công của bất kỳ hệ thống tư pháp nào cũng bắt đầu từ uy tín của nó đối với xã hội. Uy tín thì cơ quan nhà nước nào cũng cần nhưng với chức năng thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý trong nhà nước pháp quyền thì uy tín của hệ thống Tòa án và cả hệ thống tư pháp là đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ Tòa án chỉ bảo vệ công lý khi nó có được niềm tin từ nhân dân. Để có niềm tin thì mới đặt ra các yêu cầu liêm chính, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác tư pháp.
Uy tín của Tòa án còn có thể lý giải từ bản thân nó. Tòa án là thiết chế quyền lực nhà nước, song bên cạnh đó nó mang tính “thiêng” từ công lý- cái mà Tòa án là biểu tượng và thể hiện sự tâp trung nhất. Tính thiêng đó, bắt nguồn từ niềm tin, và niềm tin phải bằng dựa trên uy tín. Uy tín của Tòa án tạo lập bằng nhận thức đúng đắn về chức năng của Tòa án trong nhà nước pháp quyền, bằng cách thức tổ chức thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, bằng sự liêm chính của thẩm phán, bằng sự đánh giá, cảm nhận về công lý của xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ công lý của Tòa án… Ví dụ sinh động nhất là, uy tín, niềm tin của Tòa án sẽ giải quyết vấn đề có thể xảy ra trong tư pháp ở các quốc gia đó là “án đụng trần”. Án đụng trần xảy ra khi một vụ án đã đi đến thủ tục cuối cùng của tố tụng đó là phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm của thiết chế xét cao nhất của quốc gia vẫn bị có ý kiến khác nhau thì tình trạng của vụ án sẽ như thế nào? Dừng việc giải quyết công nhận phán quyết cuối cùng thiết chế xét xử cao nhất hay tiếp tục giải quyết bằng cơ chế khác? Có ý kiến cho rằng nếu án đụng trần mà vẫn sai thì giao UBTV Quốc hội giải quyết thậm chí là Quốc hội. Trên thế giới không phải không có việc Thượng viện có quyền xét xử[5]. Nhưng đây là trường hợp hãn hữu và Thượng viện chỉ xem xét trách nhiệm chính trị của các chính khách chứ không phán quyết trách nhiệm pháp lý như Tòa án thường[6]. Bên cạnh đó, cơ chế lập pháp xét xử vụ án khi đã đụng trấn vi phạm nguyên tắc Hiến định, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và là cơ quan duy nhất thực chức năng xét xử, ảnh hưởng đến nguyên tắc cốt lõi của xét xử là độc lập Thẩm phán.
Tòa phá án (la Court de cassation) là đặc trưng của hệ thông tư pháp civil law. Ở đó, có thiết chế xét xử cao nhất thực hiện việc xem lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật [7]. Đây là cơ quan xét xử cao nhất và phán quyết của nó là chung thẩm. Tuy nhiên, về lý thuyết nếu vẫn sai thì triết lý nào để giải quyết vấn đề này. Đó chính là uy tín của Tòa án và Tòa án Tối cao. Khi xã hội đã đặt niềm tin vào cơ quan xét xử cao nhất nếu có sai thì xã hôị phải chịu rủi ro và tìm cơ chế khác để khắc phục mà không thể phá vỡ nguyên lý độc lập xét xử của Tòa án và công lý phải có điểm dừng. Điều đó cho thấy uy tín để từ đó có niềm tin của xã hội đối với Tòa án là rất quan trọng, nó là nút thắt để giải quyết thế kẹt của án đụng trần. Ở Mỹ có lúc người ta cũng đặt ra câu chuyện nghi ngờ phán quyết của Tối cao Pháp viện. Nhưng các luật gia đã trấn an rằng: Chúng ta (xã hội) có tin mới đặt ra thiết chế đó (Tối cao Pháp viện), đặt ra nó để tin chứ không phải để nghi ngờ bởi công lý phải có điểm dừng
2. Cải cách tư pháp và Tòa án phải đặt trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Nghị quyết 49/NQ-TW nhấn mạnh quan điểm đầu tiên của cải cách tư pháp là đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm ổn định chính trị và bảo đảm nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực của nhà nước ta là “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Hiến pháp 2013 đã có sự bổ sung quan trọng trong nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực là sự kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây cũng là đòi hỏi của tổ chức và thực hiện quyền lực trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị đã có đánh giá khách quan: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới… Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.[8]
Kiểm soát quyền lực trong đó có quyền lực tư pháp do Tòa án thực hiện là vấn đề mới mà cải cách tư pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Yêu cầu của nhà nước pháp quyền là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong cơ chế đó quyền lực quyền tư pháp thuộc về các Tòa án là một loại quyền lực độc lập có mối quan hệ và có khả năng kiểm soát các quyền khác, đồng thời nó luôn được đặt trong trạng thái bị kiểm soát bởi các cơ chế khác nhau. Theo chúng tôi, quan điểm kiểm soát quyền lực tư pháp trong cải cách Tòa án sẽ chi phối mạnh mẽ đến cách thức tổ chức hệ thống Tòa án, đó là vấn đề độc lập xét xử, chi phối đến nhiệm vụ của cả hệ thống Tòa án nước ta trong thời gian tới, không chỉ có nhiệm vụ xét xử các vụ án mà cần phải có khả năng đóng góp vào việc kiểm soát quyền lực.
Tòa án và quyền tư pháp sẽ ở đâu và sẽ như thế nào trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực? Để giải quyết vấn đề này cần nhận thức thống nhất về quyền tư pháp ở Việt Nam trong cơ chế Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với cơ chế này những nội dung vốn có của quyền tư pháp trong nhà nước tư sản có lẽ không áp dụng được như: tính độc lập trong cơ chế phân quyền, kiềm chế, đối trọng thậm chí là tòa bảo hiến… Tuy nhiên không có nghĩa là quyền tư pháp không cần phải được cải cách. Trong khuôn khổ cơ chế phân công, phối hợp và nhất là kiểm soát quyền lực, Tòa án và quyền tư pháp ở Việt Nam cần được cải cách theo hướng nhằm đảm bảo hai vấn đề quan trọng: tư pháp độc lập và kiểm soát của lập pháp, hành pháp và kiểm soát của tư pháp với lập pháp và hành pháp.
Về tư pháp độc lập như trên đã nói trong văn kiện và sự lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp đều khẳng định tư pháp độc lập. Độc lập tư pháp là vấn đề rộng, ở đây bàn đến độc lập trong cơ chế kiểm soát quyền lực tức là trong mối quan hệ hành pháp- lập pháp- tư pháp. Trong cơ chế hiện nay, độc lập được hiểu là độc lập trước hết giữa tư pháp và lập pháp. Kiểm soát của Quốc hội đối với Tòa án hiện nay là tương đối rõ và ở mức độ nhất định xét về thực tế chúng tôi cho rằng khi các cơ chế kiểm soát tư pháp khác chưa hiện diện thì sự kiểm soát của Quốc hội với Tòa án là cần thiết và có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn vấn đề cần làm rõ về mối quan hệ của độc lập tư pháp với sự kiểm soát của Quốc hội. Giải quyết vấn đề này không có gì khác hơn là giải thích thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với Tòa án quy định trong Hiến pháp theo hướng giám sát tư pháp được thiết kế thành 3 lớp:
Thứ nhất, là cơ chế giám sát bên trong hệ thống tư pháp. Trong hệ thống giám sát này, các chủ thể thực hiện để kiểm tra, giám sát các bộ phận thuộc hệ thống của mình trong quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp.
Thứ hai, là cơ chế giám sát bên ngoài hệ thống tư pháp, đó là sự giám sát của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử trong bộ máy nhà nước đối với hoạt động của cơ quan tư pháp.
Thứ ba, cơ chế giám sát ngoài cùng đó là sự giám sát xã hội. Đó là sự giám sát của của tổ chức chính trị xã hội, của các thiết chế xã hội và của công dân đối với hoạt đông tư pháp. Tương ứng với cơ chế giám sát này có các chủ thể giám sát vận hành cơ chế đó với những hình thức, phương pháp giám sát và hậu quả của việc giám sát khác nhau nhưng mục đích cuối cùng mà các cơ chế này hướng đến vẫn là đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Thiết chế dư luận xã hội được coi là chủ thể độc lập trong giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, biểu đạt được ghi nhận trong Hiến pháp và có xu hướng mở rộng cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thông tin. Cơ chế kiểm soát dư luận xã hội đối với hoạt động của các Tòa án đòi hỏi tư pháp chịu trách nhiệm giải trình xã hội ((social accountability): chịu sức ép từ những thẩm phán khác, từ giới học giả và luật sư; trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân và hỗ trợ việc giải thích, công khai công việc của thẩm phán. Chủ thể quan trọng nhất trong giám sát dư luận đó chính là sự giám sát của báo chí. Báo chí không chỉ phát hiện, cổ vũ những kết quả tích cực trong hoạt động phòng ngừa tội phạm của cơ quan tư pháp mà còn sớm phát hiện những tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của của mình, báo chí định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân như GS người Đức Manfred Wolf nói: Dư luận chỉ làm cho tư pháp mạnh lên bằng chính sự soi mói của mình" [9]
3.Tăng cường dân chủ trong thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền
Tăng cường dân chủ trong hoạt động tư pháp cũng là một trong nhiệm vụ của công tác tư pháp trong giai đoạn 2021- 2026 mà trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã đưa ra. Dân chủ được xem xét dưới nhiều góc độ: dân chủ là quyền cơ bản của con người, dân chủ là nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước; dân chủ là hình thức nhà nước đảm bảo cho quyền lực thuộc về nhân dân; dân chủ là hình thức chính quyền mà Nhà nước phải thiết lập và duy trì một hệ thống pháp luật dựa trên các quyền con người... Trong mối quan hệ với nhà nước pháp quyền với thuộc tính của nó là pháp luật là tối thượng, quyền lực nhà nước bị giới hạn và kiểm soát, bảo vệ quyền con người trong đó có các quyền tự do và dân chủ thì nhà nước pháp quyền là phương tiện để đảm bảo dân chủ được thực hiện. Cùng với sự phát triển của dân chủ, người ta nghĩ một cách tự nhiên đến việc tạo dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nghĩa là một Nhà nước xây dựng trên sự tối thượng của luật pháp, trong đó mỗi người dân được hưởng đầy đủ những quyền tự do chính trị và xã hội, trong đó kỷ luật và ý thức trách nhiệm ngự trị, và trong đó guồng máy hành chính hoạt động hữu hiệu.
Với tư cách là một bộ phận quyền lực trong nhà nước pháp quyền, trong tổ chức và thực hiện quyền tư pháp cũng phải thể hiện tính dân chủ của nó ở các khía cạnh sau đây: (i) tính dân chủ trong hoạt động của Tòa án gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo đảm quyền tiếp cận công lý; tính dân chủ của quyền tư pháp thể hiện ở quyền xét xử công bằng (rignt - trial) và thủ thủ tục tố tụng công bằng (due Process); (iii) từ dân chủ trong hoạt động tư pháp mới xây dựng thực hiện cơ chế giám sát hoạt động tư pháp và giám sát của tư pháp đối với quyền lực nhà nước. Tác giả đồng ý với quan điểm, “cải cách tư pháp là bước đi cao hơn của dân chủ ở nước ta. Kết quả của nó sẽ góp phần lành mạnh hóa xã hội củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng về vai trò, khả năng của nhà nước[10].
[1] Đào Trí Úc, Cải cách tư pháp ý nghĩa, mục đích và trọng tâm, tạp chí nhà nước và Pháp luật, số 178, 2003, tr.3
[2] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-621155/
[3] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2021-2025-621157/
[4] Quan điểm của GS.TSKH Đào Trí Úc trong bài viết,Cải cách tư pháp, ý nghĩa, mục đích và trọng tâm, tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2 năm 2003
[5] Vụ luận tội Thượng nghị sĩ William Blount, Vụ Thượng viện Mỹ luận tội Bill Clinton năm 2000, Vụ Thượng viện Hoa Kỳ sau khi luận tội đã tha bổng Tổng thống Donald Trump vào ngày 5 tháng 2 năm 2020
[6] Nguyễn Đăng Dung, Một số vấn đề về cải cách tư pháp ở Việt Nam, trong Sách cách tư pháp ở Việt nam trong gia đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 47
[7] Tòa phá án không xét xử về nội dung sự việc mà chỉ xem xét bản án bị kháng nghị về 3 yếu tố để hủy án là: có vi phạm pháp luật không; có vô thẩm quyền không và có vô căn cứ pháp luật không. Nếu xét thấy có 1 trong 3 yếu tố nói trên, Tòa phá án sẽ tuyên hủy và trả về cho một cấp tòa án khác xét xử lại, Tòa phá án không có quyền giữ lại vụ án để xét xử. Nguồn https://www.courdecassation.fr/institution_1/presentation_2845/r_cour_cassation_30989.html
[8] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-621155/
[9]Shertreet and Dêchênes "Judical Independence Comtemporary Debate”, Martunus Nijhoff Publihers, 198, p.117
[10] Quan điểm của GS.TSKH Đào Trí Úc trong bài viết,Cải cách tư pháp, ý nghĩa, mục đích và trọng tâm, tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2 năm 2003
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận